GS.TS. Trần Ngọc Thơ: Không nên vội vàng giảm lãi suất
LTS: Trước những diễn biến mới của nền kinh tế, cả tích cực lẫn tiêu cực, từ chuyện hạ lãi suất, nhập siêu giảm… đến chuyện doanh nghiệp tiếp tục nợ nần, đóng cửa… chuyên mục Sự kiện & Vấn đề tuần này của Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ dành để các chuyên gia kinh tế phân tích về việc “Liệu nền kinh tế có nên tiếp tục uống thuốc đắng để chống lạm phát và tái cơ cấu hay nên giảm liều lượng để chống suy thoái?”.
Những thông tin liên tục về hàng loạt doanh nghiệp phá sản mỗi ngày có lẽ đã dẫn tới quyết định giảm lãi suất của các cơ quan quản lý tiền tệ. Trong bối cảnh nền kinh tế còn có quá nhiều khó khăn, họ cần phải có một đòn quyết định nào đó để giải quyết vấn đề còn hơn là khoanh tay ngồi nhìn.
Những khó khăn vĩ mô vừa qua khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất có nguyên nhân về lãi suất hay thuộc về cấu trúc?
Nếu do lãi suất thì giải pháp từ chính sách tiền tệ là thích đáng. Nếu do cấu trúc thì giải pháp phải thuộc về cấu trúc. Dư luận thời gian qua quá thiên về lãi suất làm khó doanh nghiệp nhưng lại ít dám động tới những chuyện thuộc về cấu trúc. Đáng lý trong giai đoạn mang tính bước ngoặt như thế này, Chính phủ cần có những tuyên bố mạnh mẽ nhất để người dân và doanh nghiệp đoan chắc lạm phát năm nay trước sau gì rồi cũng sẽ giảm dưới một chữ số. Chẳng hạn cần phải làm gì một cách thật cụ thể, quan trọng nhất cần phải chấp nhận đau đớn, để chia nhỏ và tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước độc quyền liên tục đòi tăng giá. Thay vào đó, chỉ thấy những giải pháp mang tính phong trào xưa cũ của Bộ Tài Chính về việc các tập đoàn tham gia ký kết cắt giảm 5% chi phí, hoặc giải pháp tạm thời khác là chủ trương giảm lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều nguy hiểm là cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đã bắt đầu có những dấu hiệu khiên cưỡng.
Có chuyên gia bình luận việc giảm lãi suất lần này tuy không đáng kể nhưng lại mang tính quyết định đến nền kinh tế? Nếu luận điểm này được NHNN và Chính phủ tiếp thu thì nguy hiểm vô cùng. Thậm chí ngay cả trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường thì lãi suất tuy có tác động đến tăng trưởng nhưng cũng chỉ là tạm thời, huống hồ nền kinh tế nước ta hiện đang rơi vào trạng thái mà kinh tế học gọi là chia làm hai nửa. Một nửa là các doanh nghiệp khát tiền mặt nhưng không thể tiếp cận được vốn, một nửa còn lại là các ngân hàng quá sợ rủi ro nên không dám cho vay. Đây là một bài học quá cơ bản trong kinh tế vĩ mô mà nhiều quốc gia đã phải trả giá khi chỉ tập trung vào giải pháp đồng tiền rẻ, chỉ bằng việc giảm lãi suất để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ thuộc về cấu trúc của nền kinh tế.
Phát biểu của Thống đốc NHNN về định hướng mỗi quí lãi suất giảm 1% khiến giới kinh tế hoàn toàn bất ngờ vì không biết chúng dựa trên cơ sở nào. Việc nới lỏng tiền tệ khi chưa có dấu hiệu rõ ràng, thậm chí còn đi ngược với diễn biến giá nhiên liệu thế giới đang tăng lên và việc các doanh nghiệp nhà nước độc quyền luôn chực chờ cơ hội tăng giá, có thể kích hoạt lạm phát kỳ vọng tăng cao hơn nữa. Diễn biến này không đúng với chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ theo đuổi bấy lâu nay, với những thành quả ban đầu đáng khích lệ là giá cả và thị trường ngoại hối khá ổn định. Quan trọng nhất là công chúng đã bắt đầu có niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, diễn biến mới đây có thể phá vỡ niềm tin vừa mới manh nha hình thành.
GS.TS. Trần Ngọc Thơ
tbktsg



Xem bài viết: GS.TS. Trần Ngọc Thơ: Không nên vội vàng giảm lãi suất