Bài 2: Các ngưỡng chống đỡ chưa thể bị phá vỡ

(Vietstock) – Tiếp theo bài viết trước, chúng tôi tiếp tục thông tin đến nhà đầu tư các nội dung trao đổi của ông Gregory L. Morris bên cạnh việc ông có mặt tại Somerset Grand – Hanoi Tower ngày 16/05 để gặp gỡ các nhà đầu tư trong hội thảo do Vietstock Media tổ chức ở Hà Nội bắt đầu từ lúc 13g30'.


Chứng khoán Việt Nam vững trên 480 và 160 điểm

Phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Morris đánh giá VN-Index đang ở trong vùng chống đỡ 515 điểm, thị trường đang test lại và có thể bật lên. Nếu có bị xuyên thủng thì chỉ số này vẫn còn vùng 480 điểm là ngưỡng chống đỡ khá mạnh và khó bị vượt qua trong tình hình hiện tại.

Còn chỉ số HNX-Index do tiến sát vùng kháng cự rất mạnh trong ngắn hạn là 190 điểm nên sau đó thị trường giảm. Tuy nhiên, hiện nay ngưỡng chống đỡ mạnh của chỉ số này trong khoảng 155-160 điểm và cũng cho dấu hiệu chưa thể bị phá vỡ.

Với một số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Morris chọn ra các mã như REE, SSI, DBCVCG để nhận định bằng PTKT và đưa ra các khuyến nghị của mình.

Trước tiên là REE của CTCP Cơ điện lạnh, theo Morris cổ phiếu này cho thấy xu hướng trượt ngang và giảm điểm trong ngắn hạn, nhưng các ngưỡng chống đỡ chưa thể bị phá vỡ.

Với SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn, ông cho rằng cần chờ thêm thời gian trước khi tham gia mua hoặc bán mã này, do cổ phiếu SSI đã vượt qua mức 40,000 đ/cp nên đang cần thêm thời gian để test.

Còn DBC của CTCP Dabaco, trong quá khứ đã hình thành mẫu hình cờ hiệu, hiện nay cổ phiếu này có thể đạt mức giá 50,000 – 51,000 đồng/cp. Giá của DBC đang chạm ngưỡng chống đỡ là 41,000 – 42,000 đồng/cp và nếu không bị vượt qua, cổ phiếu này có cơ hội tốt để tham gia đầu tư.

Cuối cùng là VCG của Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có mức giá mua lý tưởng là 25,000 – 33,000 đồng, ngưỡng chống đỡ của mã này nằm trong vùng 45,000 – 51,000 đồng; còn ngưỡng kháng cự mạnh của cổ phiếu này là ở mức 60,000 – 65,000 đồng.

Cổ phiếu đang có giá hấp dẫn để mua vào

Buổi hội thảo càng về sau trở nên “nóng” hơn do có sự tham gia của ông John Harackiewicz - Chuyên gia PTKT cấp cao của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), kiêm Cố vấn PTKT cho Saigon Asset Management (S.A.M) và ông Peter Phạm - đại diện CTCP Chứng khoán Mê Kông (MKS) ở phần thảo luận.

- Hỏi: Ông có nghĩ đường trung bình càng dài thì càng đáng tin cậy hay ko? Tôi thấy đường MACD rất chậm và không hiệu quả lắm tại thị trường Việt Nam, ông có giải pháp nào hay ko?

G. Morris: Tôi nghĩ đơn giản là khi bạn sử dụng đường trung bình (MA) ở thời gian dài hạn thì nó cho tín hiệu dài hạn, còn sử dụng thời gian ngắn thì nó cho tín hiệu ngắn hạn. Nếu bạn thấy công cụ đó không hiệu quả thì bạn nên đổi sang một công cụ khác.

P. Pham: Mỗi tổ chức đầu tư, hay tại các công ty chức khoán ưa dùng PTKT như MKS thì có một loạt các chỉ số PTKT riêng có thể lọc và cho nhiều các tín hiệu để giúp nhà đầu tư đúng trong việc lựa chọn cổ phiếu.

- Hỏi: Thời gian qua các mã penny-stocks dẫn dắt thị trường, ông có cho rằng thời gian tới blue-chips sẽ kiểm soát trở lại và đưa thị trường tăng điểm?

P. Pham: Gần đây có nhiều nhà đầu tư đã bán penny-stocks vốn có rủi ro cao. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài đang mua mạnh các mã blue-chips cho thấy việc thị trường tăng điểm dựa vào blue-chips thời gian tới là rất khả thi.

G. Morris: Thị trường đã về đến các mức chống đỡ bên dưới, đặc biệt là các chỉ báo dao động đã rớt xuống vùng quá bán và theo PTKT thì đã đến lúc nên mua vào.

J. Harackiewicz: Tôi cho rằng nền kinh tế đang ổn và không chỉ chứng khoán mà vàng cũng có những mức giá hấp dẫn có thể mua vào.

- Hỏi: Với kinh nghiêm PTKT nhiều năm, ông thường sử dụng phương pháp nào để xác định xu hướng?

G. Morris: Chúng tôi thường kết hợp các chỉ báo, không phụ thuộc hoặc dùng riêng biệt một chỉ báo nào. Như tôi đã nhấn mạnh, bạn cần có Sự đầy đủ của Bằng chứng (Weight of the Evidence) để ra quyết định có độ chính xác cao, an toàn và đó là phương pháp chúng tôi lựa chọn.

P. Pham: Ở Việt Nam do gặp bất lợi về ngôn ngữ cũng như mức độ thị trường hiệu quả chưa cao nên các phân tích khó chính xác. Tuy nhiên, PTKT có thể hấp thụ được những yếu điểm này và giải quyết được những vấn đề về ngôn ngữ khi các nhà đầu tư cùng nhìn vào biểu đồ kỹ thuật để hành đồng.

J. Harackiewicz: Như ông Morris đã nói, 30 năm kinh nghiệm của ông đều dùng kết hợp các chỉ báo chứ không focus vào bất cứ chỉ báo nào. Vì vậy, mặc dù hiện tại đang có một số tín hiệu bán ngắn hạn nhưng VN-Index ở rất gần các ngưỡng chống đỡ mạnh, nên từ tuần sau tôi nghĩ xu hướng bán sẽ dần chấm dứt và thị trường chuyển sang giai đoạn phục hồi sau khi các chỉ báo cùng đổi chiều.

- Hỏi: Có sự khác biệt giữa cá nhân và tổ chức khi dùng PTKT?

G. Morris: Tôi nghĩ là không có sự khác nhau nhiều, vì họ đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản.

P. Pham: Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 đối tượng là tổ chức có chiến lược và kỷ luật hơn.

- Hỏi: Ông có nghĩ mức 515 là ngưỡng hỗ trợ mạnh không? Và có nên đầu tư tại ngưỡng này không?

J. Harackiewicz: Tôi nghĩ ngưỡng này hỗ trợ khá mạnh, nhưng cần cân nhắc khi mua. Vì thị trường vẫn có thể phá đáy và như ông Morris đã nêu, 480 điểm mới có thể là vùng thật sự an toàn cho thị trường.

P. Pham: VN-Index 515 điểm là ngưỡng đáng quan tâm vì theo khảo sát nếu thứ Hai tới thị trường tiếp tục xuống thì tổ chức có thể bán ra. Tuy nhiên, khả năng này là thấp do trước đó nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đều mua trên mức giá này.

Viết Vinh – Thiên Tường
Các bác muốn đọc đầy đủ chủ đề này thì vào link sau:
http://www.vietstock.vn/tabid/89/Top...3/Default.aspx