Threaded View
-
20-03-2012 01:40 PM #1
Khi chuyên gia cũng bó tay
--------------------------------
Blogger: Nguyễn Vạn Phú
Thời gian đăng: 18/03/2012
Blog: http://nguyenvanphu.blogspot.com/
--------------------------------
Hỏi chuyện một số chuyên gia kinh tế vì sao dạo này không viết báo nữa, nhiều người trả lời, hầu như các quy luật kinh tế không có tác dụng ở Việt Nam cho nên họ không muốn bị hớ, càng viết e càng sai thực tế.
Mà đúng như thế thật. Lấy chuyện lãi suất làm ví dụ. Ở các nước khác một khi người có thẩm quyền nói lãi suất sẽ phải giảm ngay, hàng loạt tác động lên thị trường sẽ xuất hiện. Chẳng hạn giá trái phiếu chính phủ sẽ tăng vì người ta sẽ đổ tiền ra mua trái phiếu; giá cổ phiếu cũng tăng; tiền đồng sẽ sụt giá so với các đồng tiền khác… Đặc biệt các hiện tượng này càng bị khuếch đại lên nhiều lần nếu người ta có một thời gian xoay xở từ khi biết lãi suất chắc chắn sẽ giảm và đến lúc nó giảm thật sự. Chuyện tăng hay giảm ở các nước khác có khi chỉ là 0,25 điểm phần trăm là đã gây hiệu ứng lớn chứ ít khi lên đến 1 điểm phần trăm như trong trường hợp của Việt Nam.
Trong thực tế, trong khoản thời gian từ lúc có tuyên bố lãi suất phải giảm đến khi nó giảm thật sự, thị trường hoàn toàn yên ắng. Chỉ trừ một hiệu ứng tận dụng thời gian lãi suất chưa giảm, một số người chuyển các khoản tiền tiết kiệm kỳ hạn ngắn từng tháng sang kỳ hạn dài hơn như nguyên năm để sau này lãi suất có giảm, họ cũng không bị ảnh hưởng. Ở đây cũng lạ, chưa thấy ở nước nào người ta có thể biết trước một cách chắn chắn lãi suất sẽ giảm như thế cả. Và các ngân hàng, không phải tất cả đều giảm lãi suất huy động để đối phó với khả năng lãi suất chắc chắn sẽ giảm – thậm chí nhiều nơi còn tận dụng thời gian này để thu hút tiền gởi dài hạn mặc dù phải trả lãi cao.
Không một chuyên gia kinh tế tài giỏi nào có thể lý giải tình hình thị trường như thế ngoại trừ một loại “lý thuyết âm mưu”: biết đâu càng nhiều người chuyển các khoản tiền gởi kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài là càng đúng với ý muốn của những người làm chính sách.
Một chuyện khác cũng làm các chuyên gia kinh tế bó tay. Đó là việc nhiều công ty nhấn mạnh vào số lượng tiền mặt lớn công ty đang nắm giữ, coi đó như một thế mạnh của công ty! Báo chí cũng dựa vào các con số này để “phong” “các đại gia tiền mặt” của Việt Nam. Trong điều kiện bình thường, một công ty ôm một mớ tiền mặt là đã thấy sự bất lực không biết sử dụng đồng tiền vào những dự án mới sao cho có hiệu quả. Trong bối cảnh lạm phát, lượng tiền mặt càng lớn, công ty càng thiệt hại, sao lại cho đó là các “đại gia”.* * *
Nếu tiền mặt chuyển thành nguyên liệu sản xuất, đến chu kỳ bán hàng mới, doanh nghiệp mới hy vọng mặt bằng giá cả mới sẽ giúp họ thu hồi vốn và có lãi. Còn tiền mặt nằm yên một chỗ, sẽ bị hao hụt theo lạm phát, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ở đây, các chuyên gia tài chính cũng lưu ý một hiện tượng: phải phân biệt sự khác nhau giữa đầu tư tài chính lành mạnh và đầu tư tài chính liều lĩnh của các tập đoàn nhà nước đã bị phê phán. Một doanh nghiệp lấy dòng tiền của mình đầu tư vào chứng khoán theo phong trào hay mua cổ phần trực tiếp của các công ty khác trong lĩnh vực địa ốc, chứng khoán… là một quyết định có nhiều rủi ro, cần cân nhắc rất kỹ. Ngược lại, một doanh nghiệp khác có khoản tiền mặt chưa sử dụng đến, đem đi mua trái phiếu chính phủ, là một hoạt động bình thường trong quản trị tài chính. Không khéo, mọi người sẽ dị ứng với cụm từ “đầu tư tài chính” và bỏ quên luôn các quy luật quản trị thông thường.
Sự bó tay của các chuyên gia kinh tế cũng xuất phát từ cách hiểu sai lệch sự vận hành của nền kinh tế thị trường của các quan chức nhà nước. Ví dụ khi một bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại khoanh nợ, dãn nợ cho một số doanh nghiệp nào đó, có lẽ ông hiểu nhầm vai trò của NHNN hay không hiểu cơ chế vận hành của hệ thống ngân hàng. Ngay cả với các ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN đã từ lâu cũng không thể yêu cầu, chỉ định họ cho vay chỗ này, khoanh nợ chỗ kia được. Điều đáng tiếc, nguyên tắc để các ngân hàng chịu trách nhiệm về các khoản vay của mình đang dần dà bị bỏ quên, việc chỉ định cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước lại tái diễn, việc khoanh nợ cho ngân hàng lại xảy ra. Cho nên biết đâu ông bộ trưởng nói đúng và các chuyên gia phê phán sai!* * *
Sự hiểu sai cơ bản về những khái niệm như vốn, tài sản, nợ còn phổ biến nhiều hơn nữa ở các doanh nhân một khi họ lên mặt báo để phân bua điều gì đó. Chẳng hạn tổng giám đốc một công ty gần phá sản vì nợ cùng khắp nói không có gì đáng lo vì đã có đối tác sẵn sàng bỏ ra 80 triệu đô-la mua lại nhà máy, dư sức để trả nợ. Tám mươi triệu đô-la tương đương với chừng 1.700 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty này chỉ có 500 tỷ đồng. Không ai dại gì bỏ ra 1.700 tỷ đồng mua cổ phần của một công ty vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng lại gần phá sản, cả trừ phi công ty đang ăn nên làm ra, triển vọng hấp dẫn cỡ Facebook hay Apple!
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)
Similar Articles
-
Khi chuyên gia cũng bó tay
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 2Bài viết cuối: 16-03-2012, 07:28 PM
Bookmarks