Vàng nội, ngoại vênh lớn vì SJC thiếu nguồn cung
Giải thích việc giá vàng nội chênh gần 3 triệu đồng so với thế giới, đại diện Công ty SJC cho biết, lượng mua vào ít trong khi không được cấp quota nhập vàng, nguồn cung có hạn nên phải bán cao.
Suốt một tuần nay, giá kim loại quý của các thương hiệu SJC, SBJ, PNJ... liên tục ở mức cao bất chấp giá thế giới nhiều thời điểm giảm mạnh. Từ mức trên 1,9 triệu đồng hôm 13/3, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đã nhanh chóng giãn ra 3 triệu đồng trong ngày 15/3 khi giá quốc tế đột ngột lao dốc (có lúc còn 1.633,7 USD một oune - thấp nhất kể từ ngày 16/1).

Sáng nay (19/3), giá vàng trong nước có tăng nhẹ vài chục nghìn đồng lên 44,35 triệu nhưng vẫn còn bỏ xa giá thế giới khoảng 2,7 triệu đồng (giá quốc tế cùng thời điểm là 1.663,20 USD một ounce).
Giải thích khoảng chênh này, đại diện SJC cho rằng, mấy ngày qua lực cầu ngoài thị trường yếu nhưng vẫn mạnh hơn cung. Trong ngày cuối tuần, tổng lượng vàng mà công ty bán ra tới 4.500 lượng còn thu vào chỉ 1.500 lượng. Do đó, nếu đơn vị ông bán ra với giá thấp thì rất khó mua vào để cân bằng trạng thái. Hơn nữa, đã từ lâu, Ngân hàng Nhà nước không cấp quota nhập vàng, đồng thời cũng không cấp phép cho SJC sản xuất dập vàng miếng theo hạn mức…
"Chúng tôi không thể mua vàng của các thương hiệu khác hay vàng nguyên liệu trôi nổi để dập thành vàng miếng SJC. Nguồn vàng miếng hiện nay chỉ có giới hạn", vị này nói.
Trong khi đó, tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng lớn khác tại TP HCM nhìn nhận, giá vàng trong nước mấy ngày nay phản ứng chậm và ít biến động so với giá thế giới xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, là giá kim loại quý quốc tế tăng giảm quá nhanh khiến các doanh nghiệp vàng trong nước không kịp điều chỉnh. Ngoài ra, mãi lực trên thị trường yếu cũng là lý do làm giá vàng trong nước ít biến động linh hoạt theo thế giới.
Còn theo tiết lộ của một lãnh đạo doanh nghiệp vàng có trụ sở tại Phú Nhuận, TP HCM, việc giữ giá vàng của các thương hiệu lớn ở mức cao hơn thế giới 2-3 triệu như hiện nay cũng là một trong những 'ý đồ' của nhà quản lý. Theo bà, điều này sẽ giúp người dân bán vàng ra và không thiết tha mua vào. "Đây là một trong những bước đi nhằm hạn chế nắm giữ vàng miếng trong dân và khuyến khích họ dùng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh, ổn định vĩ mô", bà này nói.
Thế nhưng, khi trao đổi về vấn đề này, một thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, đích ngắm của Việt Nam là chống vàng hóa; nhưng để đạt được mục tiêu lớn này, trước tiên phải giải quyết vấn đề giá vàng.
Bởi giá vàng chênh lệch quá lớn như thời gian qua là không thể chấp nhận được (vàng nội và ngoại chênh 2-3 triệu đồng). Mức chênh này dễ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm giá, gây bất ổn thị trường. "Không chỉ thế, nếu để tình trạng này tồn tại lâu, có thể xuất hiện việc gom USD nhập lậu vàng, gây áp lực lên tỷ giá", chuyên gia này lo ngại.
Theo ông, trong Nghị định quản lý vàng sắp ban hành, vấn đề giá mua, bán cũng cần phải được công khai minh bạch như: Giá mua bán được đưa ra dựa trên công thức nào? Độ vênh giữa mua và bán bao nhiêu thì hợp lý? Khoảng cách giữa giá trong và ngoài nước phải là bao nhiêu?... Ngân hàng Nhà nước cần phải vạch ra những điều này thật cụ thể.
Một chuyên gia trong ngành cũng chia sẻ, giá vàng trong nước cao hơn tới 3 triệu đồng một lượng so với quốc tế sẽ kích thích tình trạng nhập lậu vàng. Ông cho rằng, chỉ cần "xách tay" 1 kg vàng, tương đương hơn 26 lượng, người ta sẽ dễ dàng thu được khoản chênh lên tới 60-70 triệu đồng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì nhận định, đằng sau mức chênh lệch lớn có thể có một số lợi ích nhóm nào đó, khiến cho giá vàng trong nước và thế giới khó gặp nhau. Chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường vàng trong nước hiện bị kiểm soát hành chính nhiều. "Hành chính hóa một cách quá đáng sẽ khiến thị trường vàng bị méo mó. Theo đó, thị trường tiền tệ cũng méo mó. Ngoài ra, cơ quan nhà nước sẽ gặp bất lợi khi không huy động được nguồn vàng trong dân", ông Lê Đăng Doanh nhận định.
Theo ông Doanh, sau những nỗ lực kiềm chế thị trường của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự khả thi, một sàn vàng ra đời có khả năng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay của vàng trong nước. "Với sàn vàng, việc mua bán và dòng tiền sẽ trở nên minh bạch hơn, miễn là cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm từ những thất bại của sàn vàng trước đây", ông Doanh nhấn mạnh.
Lệ Chi - Thanh Bình
vnexpress



Xem bài viết: Vàng nội, ngoại vênh lớn vì SJC thiếu nguồn cung