Chủ đề: TLH - Tập đoàn Thép Tiến Lên
Threaded View
-
23-03-2010 05:50 PM #1
TLH - Tập đoàn Thép Tiến Lên
Triển vọng TLH
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn thép Tiến Lên khẳng định: “Việc Tập đoàn chính thức giao dịch trên HoSE với mã giao dịch TLH vào ngày 16/3 với 54 triệu cổ phần (tương đương giá trị niêm yết 540 tỷ đồng) là một dấu ấn đặc biệt trong lộ trình phát triển”. Nhân dịp này, PV Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Hà.
Ông Hà cũng cho biết, năm 2009, dấu ấn của Tiến Lên chính là việc tiến hành chuyển đổi và sáp nhập hai Cty Tây Nguyên và Đại Phúc thành Cty Cổ Phần Tập Đoàn Thép Tiến Lên với số vốn góp của các cổ đông lên đến 540 tỷ đồng.
- Việc “có tên” trên HoSE của Tiến Lên vào ngày 16/3 tới đây đã được Hội đồng quản trị lên kế hoạch trong bao lâu, thưa ông?
Ngay sau khi chuyển đổi thành Cty CP, việc đưa cổ phiếu lên niêm yết là một kế hoạch đã được các Cty đặt ra, cũng giống như việc hoạch định các chiến lược phát triển về thị trường, quy mô vốn... cho nhiều năm tiếp theo cũng đã được Tiến Lên xây dựng một cách quy mô, bài bản.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn thép Tiến Lên
Hơn nữa, định hướng kinh doanh của Tiến Lên cũng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với việc sẽ tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng trong năm 2010 và 1.000 tỷ đồng vào năm 2011. Tương ứng theo từng năm, mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 187,5 tỷ đồng, 324,8 tỷ đồng và 568,5 tỷ đồng. Hiện nay, Tiến Lên đang tập trung đầu tư vào các nhà máy thép, cảng biển, kho bãi ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời đầu tư vào các dự án bất động sản khác. Năm 2010 Tiến Lên dự kiến chi trả cổ tức 30,32%/ năm và 39,8%/ năm 2011. Chính vì vậy, việc góp mặt trên HoSE chính là một phần để những kế hoạch của Tiến Lên thành hiện thực.- Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2010 sẽ là năm các DN “đua” nhau niêm yết (đặc biệt là những DN ngành thép). Liệu điều này có ảnh hưởng tới mục tiêu của Cty khi “lên sàn”?
Đúng vậy! Theo ước lượng của tôi, số lượng cổ phiếu của các DN ngành thép niêm yết tại hai sàn TP HCM và HNX cũng sẽ lên tới hàng chục mã. Theo nhiều nhận định, năm 2010, hoạt động kinh doanh của các DN ngành thép được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009. Nhưng tôi lại nghĩ khác hơn, theo tôi, thị trường xây dựng VN năm 2010 sẽ có nhiều công trình hơn, một phần là do chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – HN, rồi thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Đây sẽ là yếu tố tốt hỗ trợ cho nguồn cầu về thép. Hiện nay giá thép thế giới tăng trung bình 10% - 20% /tấn theo từng mặt hàng, và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, giá đầu vào tăng cao nhưng dự kiến vẫn thấp hơn đà tăng của giá thế giới, điều này sẽ giúp các DN thép duy trì được đà tăng trưởng. Chính vì vậy, tôi nhận định năm 2010 sẽ là mốc quan trọng của các DN ngành thép VN. Và việc Tiến Lên niêm yết trên sàn chứng khoán là để đón đầu xu hướng này, giúp Cty đáp ứng đủ nhu cầu về vốn để sớm bứt phá và tăng tốc.
Theo tôi, có 2 lý do quan trọng để khẳng định chủ trương lên sàn ở thời điểm này của Tiến Lên là hoàn toàn đúng đắn. Thứ nhất, chúng tôi đang sản xuất được một số loại sản phẩm thép đặc biệt mà nhiều DN thép trong nước chưa sản xuất được. Vì thế đây là lợi thế lớn của Tiến Lên, nếu có lượng vốn theo dự kiến, chúng tôi sẽ có những đầu tư thích đáng cho các công nghệ tiên tiến. Thứ hai, “lên sàn” sẽ tạo cho Tiến Lên một áp lực kinh doanh nhất định, nhưng Cty lại có cơ hội tăng vốn huy động và khẳng định thương hiệu. Thực tế, sự canh tranh giữa các DN, Tập đoàn thép trong và ngoài nước đang ngày càng diễn ra gay gắt, nhanh và quyết liệt hơn. Nếu Tiến Lên không có sự phát triển mạnh và vươn xa thì sẽ có nguy cơ bị “tụt hậu”.
- Đối với các DN lên sàn chứng khoán thì việc áp dụng một hệ thống thông tin quản lý để có được các số liệu minh bạch là một phần rất quan trọng. Với Tiến Lên, với Cty con như vậy thì việc quản lý sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ngay từ những ngày đầu thành lập, mọi hoạt động tài chính của chúng tôi đều minh bạch, công khai ở từng khâu, từng bộ phận. Tiến Lên thực hiện việc quản lý thông qua mạng nội bộ và có gắn trách nhiệm tới từng thành viên. Bên cạnh đó, Tiến Lên có một đội ngũ nhân viên có trình độ tay nghề cao nên mặc dù hoạt động ở nhiều lĩnh vực, SP thép đa chủng loại nhưng mọi vấn đề về tài chính đều chính xác 100%. Chính vì vậy, khi Tiến Lên tiến hành cổ phần hoá và lên sàn mọi thủ tục kiểm toán đều tiến hành nhanh chóng và thuận lợi.
- Thương hiệu Tiến Lên cũng đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tuy nhiên khi trở thành công ty đại chúng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cũng phải có những chiến lược khác hơn, thưa ông?
Đối với DN, xây dựng thương hiệu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Song song với việc xây dựng hình ảnh với công chúng, Tiến Lên luôn chú trọng xây dựng thương hiệu ngay tại chính nội bộ trong Tập đoàn.
Tiến Lên luôn tạo điều kiện, môi trường thoải mái nhất cho CBCNV để họ hứng khởi, phát huy sáng kiến trong công việc, từ đó họ có mong muốn gắn bó lâu dài thực sự coi Tập đoàn như chính ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Tiến Lên xác định, nhân viên là đối tác hết sức quan trọng trong quá trình tạo dựng thương hiệu. Một thương hiệu tốt phải được bắt nguồn từ việc thỏa mãn từ trong nội bộ nhân viên, ngược lại khi nhân viên hài lòng, họ sẽ cống hiến để xây dựng một thương hiệu mạnh. Ba vấn đề chính Tiến Lên luôn chú trọng đó là: thu nhập, phát triển năng lực và cuộc sống ngoài công việc. Đây là ba vấn đề có sức ảnh hưởng, chi phối đến cuộc sống và khả năng cống hiến của mỗi nhân viên. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, Tiến Lên luôn luôn “lắng nghe và thấu hiểu” nguyện vọng của nhân viên để thỏa mãn trên mức mong đợi của họ.
Giống như đối với nhân viên, Tiến Lên xác định khách hàng là một trong hai yếu tố quyết định sức sống của thương hiệu. Xây dựng thương hiệu mà không chú ý đến đối tượng này là một sai lầm không thể tha thứ. Phương châm hoạt động hàng đầu của Công ty là luôn tôn trọng khách hàng, phục vụ khách hàng trong mọi lĩnh vực với điều kiện tốt nhất và uy tín nhất. Chinh phục được khách hàng, nhất là những khách hàng khó tính không phải là điều đơn giản. Ý thức được điều này, Tiến Lên đã xây dựng những chiến lược cạnh tranh khôn ngoan. Đây cũng chính là vấn đề mấu chốt của mối tương quan giữa chiến lược và thương hiệu trong xây dựng thương hiệu. Để trở thành đối tác tin cậy yếu tố thiết lập, duy trì và nuôi dưỡng niềm tin cho khách hàng để họ thực sự đặt niềm tin vào Tiến Lên. Minh chứng thực tế là trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, Tiến Lên luôn được các khách hàng trong và ngoài nước ủng hộ nhiệt tình.
- Nằm trong TOP 100 thương hiệu mạnh VN, giá trị cổ phiếu của Tiến Lên sau khi lên sàn chắc hẳn sẽ sôi động. Ông dự kiến giá trị của phiếu của Tiến Lên sẽ được các nhà đầu tư định giá bao nhiêu?
Nói về mình không khéo lại bị cho là… PR không đúng chỗ. Theo tôi, giá trị cổ phiếu của Cty được định giá bởi tiềm năng, năng lực, lợi nhuận, thương hiệu, chỉ số tài chính, lợi nhuận… đã được khẳng định và minh chứng cho sự tăng trưởng của Tiến Lên, còn về định giá thì hãy chờ đến 16/3 chúng ta sẽ biết nhà đầu tư đánh giá ở mức độ nào.
Tuy vậy, tôi cũng xin cung cấp một số thông tin, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 30 nghìn đồng/CP và biên độ dao động là +/- 20%. Tổng giá trị tài sản Tiến Lên hiện là 1.588 tỷ đồng. Năm 2009, doanh thu thuần đạt 2.342,7 tỷ đồng tăng 87% so với năm 2008; lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt 135,7 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với năm 2008; tỷ lệ trả cổ tức/vốn điều lệ là 20%. Theo Cty CP Chứng khoán Beta (BSI) thông qua 2 phương pháp định giá P/E và phương pháp DDM, nếu năm 2010 TLH hoàn thành kế hoạch kinh doanh và TTCK hoạt động ổn định, VN – Index giao động ở mức từ 500 – 520 điểm thì mức giá TLH vào khoảng 40.000 – 51.000 đồng/CP.
- Vậy ông có thể công bố một số hoạt động kinh doanh chủ chốt của Tiến Lên trong năm 2010?
Một trong những lợi nhuận hoạt động của Tiến Lên trong năm 2010 là dựa trên khả năng tăng doanh thu từ việc tận dụng lợi thế của dòng sản phẩm độc quyền mà trong nước chưa cán được như các doanh mục thép hình cỡ lớn, thép tấm các loại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Một yếu tố khác nữa là các dự án của Tiến Lên, năm 2010 sẽ bắt đầu hoạt động và đi vào khai thác, điều này làm tăng doanh thu và lợi nhuận thêm cho Tập đoàn. Từ tháng 6/2010, dự án nhà máy thép Bắc Nam sẽ đi vào hoạt động, nâng công suất các thép của cả Tiến Lên lên gần gấp đôi. Ngoài ra, Tiến Lên còn có nguồn thu từ việc bán căn hộ trong dự án xây dựng khu dân cư Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai (diện tích 8,36 ha tại Huyện Long Thành, Đồng Nai, dự kiến khởi công trong tháng 04 năm 2010).
Xin cảm ơn ông!
Khắc Lãng thực hiệnPro Farmer
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)
Bookmarks