Duy trì sức hấp dẫn của VNĐ
Việc NHNN giảm trần lãi suất huy động (LSHĐ) trong bối cảnh CPI chưa giảm bền vững đã dẫn đến lo ngại tiền sẽ không chảy về ngân hàng. Nhưng NHNN cho rằng vị thế của VND đang được nâng cao, điều đó làm giảm kỳ vọng lạm phát tăng. Và vấn đề cốt lõi là chính sách tiền tệ (CSTT) không phải nguyên nhân chủ đạo làm tăng lạm phát. Với cách điều hành như hiện nay của NHNN, CSTT lại là biện pháp kiềm chế lạm phát tốt nhất.
Cung tín dụng giảm, CPI vẫn tăng
Có ý kiến băn khoăn về việc LSHĐ giảm trong bối cảnh CPI chưa giảm bền vững, thị trường chứng khoán lại đang tìm sắc xanh trở lại... sẽ không hấp dẫn người gửi tiền. Thực tế phản ứng của thị trường hoàn toàn trái ngược với lo ngại này. Ngay sau khi có thông tin NHNN sẽ giảm trần LSHĐ, nhiều người đã đáo hạn sổ tiết kiệm với kỳ hạn gửi dài hơn trước. Các ngân hàng chủ động điều chỉnh giảm LSHĐ từ ngày 7/3, trước cả tuần so với quyết định giảm trần LSHĐ của NHNN (Thông tư 05/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 13/3). Điều này chứng tỏ kỳ vọng lãi suất tăng không còn, người dân chấp nhận mặt bằng lãi suất mới.
Tính một cách cụ thể, gửi tiết kiệm bằng VND hiện đang rất có lợi so với gửi bằng USD. LSHĐ ngoại tệ cao nhất 2%/năm, cộng với tỷ giá biến động không quá 3%. Như vậy nếu người dân gửi tiết kiệm ngoại tệ cao nhất cũng chỉ được hưởng lãi 5%/năm. Trong khi đó với mức lãi suất tiền gửi VND tối đa là13%/năm, người gửi tiền sẽ có lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần so với gửi USD. VND đang ngày càng trở nên hấp dẫn, niềm tin vào VND gia tăng, dẫn đến kỳ vọng lạm phát giảm. "Đó cũng là phương châm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN" - Thống đốc NHNN nhấn mạnh. Cùng với việc hạ trần LSHĐ, NHNN đã ban hành Thông tư 03 về cho vay bằng ngoại tệ theo hướng thắt chặt cho vay ngoại tệ. Lẽõ đương nhiên khi đối tượng vay ngoại tệ bị thu hẹp, các NHTM cũng sẽ chẳng mặn mà huy động ngoại tệ. Và hệ quả là vị thế của VND lại càng vững chắc.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng lãi suất đã có thể hạ từ cuối tháng 2/2012. Nhưng sở dĩ NHNN để đến đầu tháng 3 mới chính thức ban hành văn bản quy định giảm trần LSHĐ là để thị trường có thêm thời gian kiểm chứng xu hướng giảm của lãi suất.
Có thể nhận thấy ngay từ tháng 8/2011, NHNN đã chủ trương điều hành CSTT linh hoạt, theo tín hiệu thị trường nhưng có những biện pháp để "lái" theo hướng thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN đã kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và cung tiền - những yếu tố tác động đến lạm phát. Còn việc những tháng gần đây, lạm phát có xu hướng tăng, theo các chuyên gia là do giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh và mới đây áp lực tăng giá của các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, gas. Trong khi, theo công bố của NHNN, tính đến 8/3, tăng trưởng tín dụng giảm khoảng 1,27%, tổng phương tiện thanh toán giảm 0,64% so với cuối năm 2011. Điều đó cho thấy, việc lạm phát tăng không phải chỉ do chính sách tiền tệ. Thống đốc cũng khẳng định: NHNN giảm trần LSHĐ không có nghĩa là nới lỏng CSTT. Bởi trên thực tế lạm phát ở Việt Nam gồm 3 cấu phần lớn: cấu phần đầu tiên là điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, chiếm khoảng 50% yếu tố tác động đến lạm phát trong 20 năm qua. Ví dụ, lạm phát 2011 khoảng 18,85% thì lạm phát lõi biến động khoảng 9% - 9,5%. Phần còn lại phụ thuộc vào 2 yếu tố khác là giá cả bên ngoài thông qua tỷ giá có tác động đến giá cả trong nước và điều hành giá cả trong nước mà chủ yếu là giá lương thực phẩm, năng lượng.
Lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức dưới 10%
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2012, điều hành CSTT của NHNN tiếp tục theo hướng chặt chẽ và linh hoạt. Thống đốc nhận định, việc LSHĐ giảm còn 13%/năm sẽ dẫn đến các NHTM giảm lãi suất cho vay xuống 14,5 - 16,5%/năm. Như vậy NHNN sẽ không chỉ thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp.
Trong buổi làm việc với NHNN hôm 12/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, nhất là khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm của thế giới đã nâng thêm một bậc tín nhiệm cho Việt Nam. IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 5,5% - 6% và lạm phát từ 9% - 9,5%. Như vậy, lạm phát trong năm nay không thực sự đáng lo ngại và nằm trong dự báo của Chính phủ. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là được phép chủ quan. Điều hành CSTT của NHNN vẫn sẽ tiếp tục chủ động, thận trọng trước những biến động trên thế giới để có biện pháp đối phó kịp thời.
Nhận định về điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN, TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng, đây là việc tất yếu vì nền kinh tế không thể chịu mãi mức giá vốn cao như vậy. Về lý thuyết, lãi suất tiền gửi giảm sẽ là tiền đề giảm lãi suất cho vay. Nhưng lãi suất cho vay giảm nhiều hay ít lại phụ thuộc vào năng lực tài chính cũng như thanh khoản của các ngân hàng. Bởi, đối với ngân hàng thanh khoản tốt thì chủ trương này khá phù hợp. Vì bản thân các NHTM cũng không muốn cho vay với lãi suất cao, khiến khả năng thu hồi vốn giảm, tăng rủi ro tín dụng. Nhưng đối với ngân hàng năng lực tài chính không tốt thì đây là vấn đề không nhỏ. Do đó, việc các ngân hàng chấp hành đúng quy định 13%/năm còn phụ thuộc lớn vào Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN. Có như vậy, mới tạo được sự cạnh tranh công bằng cho thị trường cũng như người gửi tiền.
Tin tưởng khả năng kiểm soát lạm phát dưới 10% trong năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu thuận lợi lãi suất sẽ có thể giảm 1% mỗi quý. Nhưng do lạm phát còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tác động bên ngoài nên, "nếu xu hướng lạm phát tăng lên một cách ổn định thì lãi suất điều hành sẽ tăng lên và ngược lại... Cụ thể, trong thời điểm này, NHNN nước sẽ coi mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ năm nay dưới 10% để điều hành CSTT" - Thống đốc nói.
thời báo ngân hàng



Xem bài viết: Duy trì sức hấp dẫn của VNĐ