Dominic Scriven: Quá sớm để yên tâm
Dù TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, nhưngg theo ông Dominic Scriven, còn quá sớm để yêu tâm với xu hướng tăng bền vững của thị trường.
Nhiều tổ chức nước ngoài nhận định lạc quan về TTCK Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tục. Nhưng dư luận trong nước lại cho rằng, cần cảnh giác với nhận định lạc quan từ bên ngoài.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital về chủ đề này.
Đầu năm 2012, Dragon Capital đưa ra những nhận định tốt đẹp về TTCK Việt Nam. Ông bình luận gì về sự nghi ngờ nói trên của dư luận trong nước?
Năm ngoái, nhóm 50 doanh nghiệp niêm yết đại diện mà chúng tôi phân tích chỉ tăng trưởng lợi nhuận có 0,6%. Nếu điều chỉnh lợi nhuận so với lạm phát thì tăng trưởng âm. Chưa kể có công ty nhóm ngành bất động sản cực kỳ khó dự báo. Có bán được hàng không, bán có thu được tiền không?
“Sức khoẻ” của các ngân hàng là một dấu hỏi vì vừa tăng lợi nhuận nhưng cũng tăng nợ quá hạn. Tăng trưởng tín dụng năm ngoái so với lạm phát cũng là con số âm, suy ra, còn nhiều khó khăn cho các ngành khác.
Bước sang năm 2012, những thông tin xấu và thách thức khó khăn đã ở phía sau. Nhà đầu tư quan tâm đến tỷ giá, lạm phát. Lạm phát vẫn còn cao nhưng tính theo tháng đã giảm đáng kể so với quý IV/2010. Tỷ giá ổn định.
2 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài còn lời về tỷ giá dù chỉ hơn 1%, nhưng là lần đầu tiên trong gần 5 năm qua. Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, chỉ riêng tỷ giá, Dragon Capital đã lỗ mấy chục triệu USD. Các thị trường bắt đầu phản ánh những yếu tố tích cực, trước tiên là thị trường trái phiếu, sau đó đến TTCK.
Chứng khoán rẻ, một số chỉ số vĩ mô cải thiện, vậy có thể nói đến sự tăng trưởng bền vững của thị trường từ thời điểm này hay chưa, thưa ông?
Bây giờ mới là quý I. Năm ngoái, trên toàn cầu, các thị trường cũng tăng như thế, sau đó người ta bắt đầu lo ngại về khủng hoảng nợ ở châu Âu. Giá xăng vừa tăng mà thị trường rớt 4 ngày liền chứng tỏ thị trường vẫn còn rất nhạy cảm. Tình hình đã tốt hơn nhưng chưa đủ thuyết phục. Giá xăng đã tăng hơn dự báo từ năm ngoái của một số công ty chứng khoán và có tăng tiếp hay không vẫn nằm ngoài dự báo của chúng ta.
Nhưng trong khoảng 10 năm vừa qua, mới có một năm tín dụng tăng dưới 20%. Năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 15 - 17%. Như vậy, phải chấp nhận mức độ đầu tư vừa phải và không ưu tiên như trước đây đối với các DNNN. Tốc độ tăng trưởng năm nay sẽ không cao, kinh tế bước đầu ổn định, nhưng vẫn quá sớm để yên tâm.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trên TTCK từ đầu năm đến nay?
Mức mua ròng bình quân 1 triệu USD/ngày, cả năm khoảng 250 triệu USD, so với khả năng để ảnh hưởng đến mặt bằng giá trị doanh nghiệp và khả năng cung cấp vốn cho các công ty thì chưa nhiều.
TTCK sôi động hơn là do lãi suất giảm và tỷ giá ổn định. Tiếp theo, điều nhà đầu tư cần quan tâm là gì, thưa ông?
Vẫn cần quan tâm đến hiệu quả của chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa liên quan đến lạm phát, tỷ giá. Nhà đầu tư suy nghĩ đến khả năng lãi suất có còn giảm nữa hay không. Tôi cho rằng, mức lãi suất hiện nay vẫn cao và có lẽ còn cao một thời gian nữa.
Ba chương trình lớn của Chính phủ gồm cơ cấu lại đầu tư công, tái cấu trúc DNNN, cơ cấu lại các tổ chức tài chính có ý nghĩa với tương lai trung hạn của thị trường.
Chúng ta đã thấy rõ sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng: phân loại các ngân hàng để áp mức tăng trưởng tín dụng. Những hành động đó cho thấy, NHNN có tầm nhìn toàn diện và hệ thống.
Hai chương trình còn lại thực hiện sẽ phức tạp hơn. Dưới góc độ người quan sát, tôi chưa thấy rõ nét các giải pháp, mặc dù đã có phương hướng.
Nhìn về trung hạn, Việt Nam sẽ phải thay đổi mô hình huy động vốn. Giảm tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn có nhu cầu đầu tư thì cần phải có kênh huy động vốn phù hợp, có lợi cho cả người cung cấp vốn lẫn người huy động vốn. Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như không có. Ở TTCK, vai trò nhà đầu tư cá nhân quyết định hơn là các định chế. Điều đó khiến nguồn vốn trên thị trường này không phong phú, cần phải có thêm nhiều loại hình khác nữa. Cho nên, nếu có chính sách phù hợp để thay đổi mô hình huy động vốn thì rất tốt cho thị trường vốn.
Chứng khoán Việt Nam đang rẻ, kinh tế vĩ mô dần dần cải thiện, Dragon Capital có định huy động vốn thành lập quỹ mới?
Quản lý và huy động vốn là nghề của chúng tôi. Có điểm mới là sau khủng hoảng tài chính, châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ đều siết chặt hơn các quy định về huy động vốn để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân. Trong khủng hoảng, có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bị lỗ nặng vì mua những sản phẩm tài chính mà họ không hiểu, không đánh giá được mức độ rủi ro. Có luật mới ở châu Âu quy định: nếu muốn huy động vốn của người dân châu Âu thì không được đưa vốn về một số thị trường mà họ đánh giá là rủi ro, trong đó có Việt Nam, vì chưa đáp ứng được yêu cầu về thanh khoản, tính minh bạch.
Các nhà đầu tư của Dragon Capital không phải là nhà đầu tư cá nhân, nên Dragon Capital không bị ảnh hưởng bởi quy định này, nhưng sau này sẽ ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn từ một số thành phần khác. Cách đây 5 năm, việc thành lập một quỹ mới là khá dễ dàng, nhưng giờ thì khắt khe hơn nhiều, người huy động vốn cần có đầy đủ giấy phép hành nghề, công ty phải có đủ vốn, phải đăng ký nhiều giấy phép hơn…
Mục tiêu trọng tâm của Dragon Capital trong năm 2012 là gì, thưa ông?
Mục tiêu tái cơ cấu thì Quỹ đã hoàn thành gần xong. Năm nay, có hai quỹ lớn của Dragon Capital là VEIL và VGF sẽ tiến hành đại hội nhà đầu tư vào nửa cuối năm và định kỳ bỏ phiếu về việc thanh lý quỹ hay không. Lần trước, khó khăn như thế, song chúng tôi vẫn có được 83 - 87% phiếu đồng ý tiếp tục hoạt động của Quỹ. Tất nhiên, năm nào Quỹ cũng phải nỗ lực nâng cấp chiến lược đầu tư, nâng cấp quản trị đối với nhà đầu tư, quản trị rủi ro, nâng cấp thông tin cho các nhà đầu tư nhiều hơn chứ không chủ quan. Nhưng nhìn chung, vẫn phải hy vọng thị trường thuận lợi hơn năm ngoái.
Phan Hằng - Thu Hương thực hiện
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Dominic Scriven: Quá sớm để yên tâm