Ai đã âm thầm mua gần 40% vốn điều lệ Sabeco?
Không có thông tin chuyển nhượng cổ phần, nhưng hiện Bộ Công thương chỉ còn nắm 51% vốn điều lệ của Sabeco, thay vì 89,59% trước đó.

Hồi hộp nghi vấn
Vừa qua, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố thông tin về việc nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần. Điểm đáng chú ý, cổ đông nhà nước là Bộ Công thương chỉ sở hữu hơn 327,053 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ của Sabeco. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính gần nhất của Sabeco, Bộ Công thương sở hữu tới hơn 574,519 triệu cổ phần, tương đương 89,59% vốn điều lệ. Vậy ai đã mua gần 247,5 triệu cổ phần Sabeco?
Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề này, bởi trên thực tế, đầu năm 2012, báo chí đã đưa tin liên quan đến việc Bộ Công thương đang thực hiện lựa chọn đối tác chiến lược để giảm sở hữu tại Sabeco về mức 51% vốn điều lệ.
Sự việc càng được nhà đầu tư quan tâm hơn khi với số cổ phần ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sabeco, phần cổ đông sáng lập của Bộ Công thương thấp hơn so với mức sở hữu của Bộ này trước đó hơn 247,5 triệu cổ phần, tương đương với 2.475 tỷ đồng mệnh giá. Nếu tính theo giá giao dịch cổ phần Sabeco trên thị trường ở mức hơn 30.000 đồng/cổ phần, thì giá trị khoản bán nêu trên cũng lên tới gần 8.000 tỷ đồng; còn nếu bán theo giá IPO, thì con số này lên tới gần 17.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nào đã bỏ ra khoản tiền lớn như vậy để mua cổ phần Sabeco từ Bộ Công thương?
Nhiều nhà đầu tư đang sở hữu Sabeco thắc mắc, tại sao Bộ Công thương thoái vốn mà không thông báo, dù đang là cổ đông lớn? Tại sao đi kèm với động thái này là việc chuyển vai trò người đại diện theo pháp luật của Sabeco từ Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc?
Câu trả lời… bất ngờ
Trao đổi với ĐTCK, bà Trịnh Tuyết Minh, Phó tổng giám đốc Sabeco cho biết, trên thực tế, chưa có việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước, đại diện là Bộ Công thương tại Sabeco về 51%. Cũng theo bà Minh, Sabeco vẫn đang chờ chỉ đạo của Bộ Công thương về việc thực hiện bán cổ phần, giảm vốn nhà nước về 51% như kế hoạch.
Vậy tại sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sabeco chỉ ghi sở hữu của cổ đông sáng lập Bộ Công thương là 51%, chứ không phải là 89,59% vốn điều lệ như thực tế? Bà Minh cho hay, việc đăng ký như vậy là để thuận tiện cho việc giảm cổ phần của cổ đông sáng lập.
“Do Bộ Công thương có kế hoạch giảm phần vốn nhà nước ngay từ khi Sabeco tiến hành IPO, nên khi xin giấy phép đăng ký kinh doanh thì Tổng công ty ghi như vậy để tránh phải làm thủ tục xin bán phần vốn khi thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập”, bà Minh nói.
Như vậy, những suy đoán của nhà đầu tư căn cứ theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Sabeco là chưa thành hiện thực. Điều này cũng đồng nghĩa với kỳ vọng niêm yết cổ phiếu Sabeco trong một ngày gần đây vẫn chỉ là… kỳ vọng.
Uyên Phạm
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Ai đã âm thầm mua gần 40% vốn điều lệ Sabeco?