Chữ “ L” trong Ngân hàng và Chứng khoán!
Hỏi: So sánh luật pháp của Việt Nam và thế giới. Đáp: Giống nhau ở chỗ đều bắt đầu bằng ký tự “L” là “Luật” và “Law”; khác nhau là ở nước ngoài “Law” là “Law”, còn ở Việt Nam thì “Luật” đi kèm với… lách!
Đó là câu chuyện vui của một vị giám đốc ngân hàng trong buổi giao lưu với sinh viên kinh tế; nhưng cũng là tình trạng xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Và nói về trình độ “lách luật” thì không ngành nào bằng… Ngân hàng và Chứng khoán.

Từ chữ “L” trong ngân hàng…
Còn nhớ vào tháng 3/2011, NHNN ban hành thông tư 02 quy định về trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%, cùng với nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ khác để kiềm chế lạm phát, đã đẩy nhiều ngân hàng nhỏ vào tình trạng thiếu thanh khoản. “Đói ăn vụng, túng làm liều”, các ngân hàng này nghĩ đủ trò để lách luật, thách thức chỉ thị của NHNN.
Đầu tiên là nâng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ngắn như 1 tháng, 3 tháng lên 14%/năm; tăng lãi suất không kỳ hạn lên 9-10%/năm; thậm chí có ngân hàng áp dụng kỳ hạn… ngày, tuần với lãi suất 14%/năm. Rồi đến việc thiết kế các sản phẩm “tiền gửi có kỳ hạn” nhưng được “rút gốc linh hoạt” hay “lãi suất theo thời gian gửi”… Mục đích cuối cùng là dùng chênh lệch lãi suất để rút ruột các ngân hàng bạn.
Xót xa và không chịu để vốn của mình chảy sang nơi khác, các ngân hàng còn lại đành “cuốn theo chiều gió”… cả hệ thống ngân hàng đua nhau lách luật.
Chỉ đến khi NHNN ban hành thông tư 30/2011, quy định lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm và xử lý mạnh tay đối với một số trường hợp bị phát hiện làm trái quy định thì tình trạng lách luật trong hệ thống mới giảm đi.
… đến chữ “L” trong chứng khoán
Trò lách luật của các CTCK thì nhiều vô kể, nhưng có hai “tuyệt chiêu” xứng đáng được đưa vào… sách giáo khoa.
Đầu tiên là việc lách luật để hợp thức hóa bán khống. Các CTCK sẽ đứng ra làm trung gian giữa NĐT có chứng khoán và NĐT không có chứng khoán (hoặc chứng khoán đó chưa về tài khoản) nhưng muốn bán. NĐT bán khống sẽ phải nộp khoản đặt cọc và chịu phí trung gian cho CTCK, sau đó một thời gian sẽ phải mua (hoặc đợi chứng khoán về đến tài khoản) để trả chứng khoán cho NĐT cho vay và kèm theo một khoản lãi. Chứng khoán được bán là thật, và hợp đồng “bán khống” trở thành hợp đồng dân sự giữa hai bên NĐT. Chiêu này không những hợp thức bán khống mà còn rút ngắn thời gian thanh toán T+4.
Thứ hai là việc CTCK cho NĐT vay tiền để đầu tư. Dù thông tư 74 ra đời đã hợp pháp hóa nghiệp vụ mua ký quỹ, nhưng lại hạn chế về tỷ lệ và số lượng chứng khoán được giao dịch ký quỹ. Để lách quy định này, các CTCK sẽ đứng dưới danh nghĩa nhân viên công ty cho NĐT vay tiền. Về bản chất, CTCK cho NĐT vay quá tỷ lệ, hoặc mua ký quỹ các chứng khoán không được cho phép margin; nhưng về hình thức thì lại là hợp đồng vay tiền giữa nhân viên CTCK và NĐT, nên nó lại là hợp đồng dân sự. Đây chính là “nghiệp vụ”… margin trá hình.
Đằng sau chữ “L”
2,900,000 là kết quả hiển thị của google với từ khóa “nhân viên ngân hàng lừa đảo”. Nhiều vụ án biển thủ, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra trong ngân hàng đã được phanh phui khiến chúng ta không khỏi giật mình trước trình độ… phạm pháp của nhân viên ngân hàng.
Còn trên TTCK, nhiều vụ lùm xùm giữa NĐT với nhân viên CTCK hay giữa NĐT với chính CTCK cũng đã xảy ra. Nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn một phần từ những chiêu trò lách luật của CTCK…
Vấn đề “đạo đức” trong ngành tài chính nói chung, trong ngân hàng và chứng khoán nói riêng không mới nhưng lúc nào cũng đầy nhức nhối. Ranh giới giữa “lách luật” và “phạm pháp” rất mỏng manh. Chỉ vì theo đuổi lợi nhuận trước mắt, nhiều ngân hàng và CTCK đã đẩy mình vào thế bước đi trên xà lan tầng thượng…
Một tổ chức thường xuyên lách luật thì chẳng khác nào đang nuôi dưỡng những ý đồ phạm pháp tiềm ẩn trong nhân viên. Rủi ro đạo đức tăng lên, văn hóa công ty xói mòn… tổ chức ấy không thể tiến xa.
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
Finfonet



Xem bài viết: Chữ “ L” trong Ngân hàng và Chứng khoán!