“Bấm độn” về ảnh hưởng tăng giá xăng dầu lên lạm phát

Ngay khi giá xăng dầu tăng (07/03) đã xuất hiện rất nhiều ý kiến bình luận, đặc biệt không ít chuyên gia và tổ chức lượng hóa sự tác động lên chỉ số CPI. Tuy nhiên, các con số dự báo lại khác xa nhau, vậy con số nào được xem là phù hợp?
Độ lệch chuẩn của các dự báo quá lớn
Như thường lệ, sau khi giá xăng dầu tăng xuất hiện hàng loạt dự báo tác động của việc tăng giá xăng dầu đến lạm phát. Từ các cơ quan chính phủ, công ty chứng khoán, chuyên gia tài chính và kể cả những nhà báo.
Đầu tiên phải kể đến là đại diện Bộ Công thương cho rằng mức tăng trung bình giá xăng dầu 7.3% giữ nguyên hết năm thì CPI của 2012 sẽ tăng khoảng 0.85%. Trong đó, tác động trực tiếp là 0.24%, gián tiếp là 0.61%.
Trong khi đó CTCK Bản Việt (VCSC) lại cho rằng tác động trực tiếp lên CPI sẽ là 0.37%, nhưng không đưa ra mức tổng thể là bao nhiêu. Tuy vậy, công ty này dự báo CPI tháng 3 tăng hơn 1% dù mới bị tác động ít bởi việc tăng giá xăng dầu.
Dự báo gây bất ngờ nhất là CTCK HSC (HCM), công ty này cho rằng nếu giá xăng tăng 1% thì CPI sẽ tăng 0.33%. Rất tiếc trong báo cáo của mình HSC lại không chỉ ra đó là mô hình nào để độc giả hay các nhà kinh tế có thể kiểm chứng. Đi xa hơn, HSC còn cho rằng CPI tăng thêm do việc tăng giá xăng tổng cộng là 2.5-3% trong vòng 3 tháng tới. HSC dự báo CPI theo tháng của tháng 3 sẽ ở mức 1% và tăng khoảng 1.8% vào tháng 4.
Một dự báo cũng đáng chú ý khác là hai tác giả Bùi Trinh và Nguyễn Việt Phong dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng của tháng 4 sẽ khoảng 0.85 và ảnh hưởng lan toả đến chu kỳ sản xuất sau vào khoảng 1.5-2%.
Tuy không đưa ra dự báo cụ thể nào nhưng TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) lại có sự so sánh phân tích thú vị. “Thời điểm tháng 7/2008, giá xăng tăng đến 4,500 đồng mỗi lít, CPI lên gần 23%. Tháng 2/2011, xăng tăng 2,900 đồng thì lạm phát cả năm cũng hơn 18%”.
Giá xăng dầu tác động đến tiêu dùng và lạm phát như thế nào?
Hầu hết mọi người đều cảm nhận xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng ít ai hình dung ra con số cụ thể về mức tác động của tăng giá xăng dầu đến đời sống của mình. Tuy nhiên, ngay khi tăng giá xăng dầu thì phản ứng đầu tiên người dân và dư luận là khá dữ dội và hầu hết là tiêu cực. Điều này chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý hơn là mức thiệt hại thực sự.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Đại học QG Hà Nội (VEPR), với bộ số liệu VHLSS năm 2006 (Điều tra mức sống hộ gia đình), thì tỷ trọng chi tiêu cho xăng dầu của một hộ gia đình trung bình là 2.45%, còn chi tiêu cho gas là 0.95% thu nhập của họ. Hiện nay, con số này có thể cao hơn do đời sống người dân tăng tuy nhiên mức tăng chắc không cao.
Như vậy, giả sử xăng dầu điều chỉnh tăng trung bình 7.3% và mức chi tiêu cho xăng dầu một hộ gia đình là 4% (đây là con số ước lượng cho năm 2011), thì mức chi tiêu tăng thêm tương ứng là 0.29%. Nói cách khác nếu một hộ gia đình có thu nhập 10 triệu đồng/tháng thì chi phí họ phải tăng thêm do giá xăng dầu tăng trong đợt điều chỉnh vừa qua là 29,000 đồng/tháng, một mức khá nhỏ.
Để đánh giá chi tiết hơn, ta thử xem xét tác động của giá xăng dầu lên từng mặt hàng cụ thể. Phân tích của VEPR bằng mô hình I-O (Input-Output) với 112 nhóm hàng cho thấy. Tác động tăng giá xăng dầu lên mặt hàng tiêu dùng cuối cùng phần lớn nhỏ hơn 5%. Chỉ một số rất ít nhóm hàng có mức tác động giá quanh mốc 10% như ngành vận tải. Thực tế, tỷ trọng chi phí xăng dầu trong tổng chi phí sản xuất ra các hàng hóa này thường dưới 5%. Có một số nhỏ hàng hóa có tỷ trọng cao như xi măng (10.04%), vận tải đường thủy (32.64%), vận tải đường bộ (19.83%) …
Cũng theo nghiên cứu trên của nhóm tác giả VEPR thì tác động trực tiếp của tăng giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng khoảng 2%, tác động gián tiếp thông qua việc tăng giá lan truyền khoảng 12%.
Một ví dụ thực tế là giả sử một chiếc taxi đi 100 km mất 10 lít xăng (Thông thường xe 6 chỗ ngồi tiêu thụ 6-7 lít xăng cho 100km). Theo thống kê trung bình tỉ lệ km có khách trên tổng số km xe lưu thông hiện nay khoảng 50%. Như vậy, khi xăng tăng thêm 2,100 đồng/lít, thì chi phí trực tiếp tăng thêm cho mỗi km là 210 đồng và chi phí thực tế tăng thêm của vận tải taxi chỉ là 420 đồng/km.
Con số nào là hợp lý?
Điểm qua một vài dự báo trên cho thấy các tổ chức và chuyên gia ước lượng con số tác động của tăng giá xăng dầu đối với lạm phát rất khác xa nhau. Đặc biệt, nhiều khi vì tâm lý người ta thường thổi phồng các số liệu mà thiếu cơ sở vững chắc. Chẳng hạn khi xăng tăng 10%, các hãng taxi cho rằng họ phải tăng 1.000-2.000 đồng/km để bù chi phí. Trong khi đó thực tế chi phí do việc tăng giá xăng dầu thấp hơn con số này rất nhiều.
Điều này, đúng ngay với cả con số ước lượng của các chuyên gia và các tổ chức. Chẳng hạn, với con số ước lượng của HSC là 1% giá xăng tăng thêm, sẽ làm CPI tăng thêm 0.33%, điều này tương đương với trung bình giá xăng dầu chiếm 33% giá tiêu dùng cuối cùng. Kết quả này không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, HSC còn đưa ra những dự báo hết sức “liều” về CPI tháng 3 và tháng 4.
Con số mà Bùi Trinh và Nguyễn Việt Phong đưa ra cũng ở mức khá cao với tác động lan tỏa làm tăng CPI lên tới 1.5-2%, còn trực tiếp là 0.85% trong tháng 4. Lưu ý kết quả ước lượng này cao hơn rất nhiều so với mức tác động trong nhóm nghiên cứu của VEPR trong năm 2008 (trong đó có Bùi Trinh). Tôi cho rằng đây cũng là một kết quả không phù hợp.
TS. Ngô Trí Long thì lại so sánh một cách khập khiểng giữa tăng giá xăng dầu và lạm phát ở hai thời điểm hoàn toàn khác nhau. Thực tế, năm 2008 và 2011 ngoài việc tăng giá xăng dầu thì có rất nhiều yếu tố khác tác động đến chỉ số CPI. Do vậy, việc so sánh này cũng không thuyết phục và gây nhầm lẫn cho người đọc.
Trong các dự báo thì Bộ Công thương đưa ra mức thấp nhất chỉ có 0.85%. Con số này thường bị nghi ngờ là quá thấp do nó là một con số “đẹp”…
Tóm lại, việc ước lượng một con số chính xác giá xăng dầu tác động đến lạm phát là hết sức khó khăn vì có rất nhiều yếu tố cùng tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, khi xem xét một cách khoa học chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những con số thiếu thực tế. Ước lượng của tác giả cho thấy mức tác động đến lạm phát của việc tăng giá xăng dầu vừa qua khoảng 1%. CPI tháng 3 tăng quanh mức 0,5%, và có thể tăng khoảng 0,7% vào tháng 4.
Huỳnh Bá (Vietstock)
Finfonet



Xem bài viết: “Bấm độn” về ảnh hưởng tăng giá xăng dầu lên lạm phát