TS Nguyễn Đại Lai: Nguy cơ thiểu phát trong năm 2012
Tiền đầu tư vào sản xuất sẽ rất lớn do chi phí đầu vào tăng nhưng lại không bán được hàng hóa do giá bán quá cao.
Trao đổi với VOV online về CPI năm 2012, TS Nguyễn Đại Lai lo ngại cuối năm nay xảy ra tình trạng suy thoái và thiểu phát.
PV: Thưa ông, với những diễn biến kinh tế 2 tháng đầu năm 2012, ông có lo ngại năm nay mục tiêu kiềm chế lạm phát của chúng ta sẽ không đạt?
Ông Nguyễn Đại Lai: Việc tăng giá xăng nói riêng hay điện, than, các loại giá vận tải… đều nằm trong chi phí sản xuất của DN. Các chi phí đầu vào tăng lên thì sẽ đẩy giá lên. Điều này sẽ xảy ra 2 vấn đề: Một là làm cho giá cao rất khó tiêu thụ. Điều này ảnh ưởng trực tiếp tới người sản xuất, những người không muốn bán giá cao nhưng vì các chi phí đã bị tính vào trong giá rồi thì phải bán cao. Nếu so về giá thì là lạm phát nhưng nói khác đi là vốn liếng, chi phí sản xuất nhét hết vào giá.
Lạm phát năm 2011 lên đến 18,58%, đồng nghĩa với việc có tới ngót 20% tổng phương tiện thanh toán được nhét vào túi của những người mua hàng (không phải để đầu tư sản xuất mà chỉ để mua hàng).
Vì vậy, dẫn tới thái cực thứ hai là không khéo cuối năm nay dẫn đến khả năng đình trệ sản xuất, suy thoái và cuối cùng sẽ dẫn đến thiểu phát. Lạm phát và thiểu phát tác động xấu đến nền kinh tế không hề thua kém nhau. Sức mua của xã hội giảm hẳn đi. Ngoài ra, những người bị loại khỏi dây chuyền sản xuất lớn lên, hàng tồn kho cao lên, trong khi đó tiền đầu tư vào sản xuất hàng hóa lại rất lớn.
Ông Nguyễn Đại Lai

PV: Vậy trong tình hình hiện nay, có nên đưa ra một gói kích thích kinh tế giống như năm 2009 không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đại Lai: Xã hội cần được bung ra để tự tìm lấy điểm cân bằng của nó. Nhưng với điều kiện các chính sách phải dẫn dắt thị trường. Thị trường mới quyết định là bao nhiêu, ở đâu, bằng nào. Các chính sách phải bảo vệ được hành xử theo qui luật của thị trường.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc chuẩn bị hạ 1% lãi suất và tăng giá xăng lên 10% là cách điều hành khá nhịp nhàng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đại Lai: Tôi quan niệm là cơ chế thị trường đang bị mệnh lệnh hành chính bóp chặt lại. Một bên thì rất muốn thả ra để nền sản xuất có thể có chút dưỡng khí còn một bên thì túm ngay lấy phần thả ra đó bằng cách tăng giá lên.
PV: Vậy với những diễn biến như hiện nay ông dự đoán lạm phát năm nay sẽ ở mức nào?
Ông Nguyễn Đại Lai: Việc đoán lạm phát năm nay là rất khó, dưới 10% có thể là chắc chắn nhưng tôi lo là sẽ tụt rất mạnh theo biến tướng của đầu năm 2009. Nếu lúc đó không thật nhanh nới lỏng các chính sách ra thì sẽ dẫn tới giảm phát. Hiện nay đã báo hiệu một sự đình đốn rồi. Trong suốt năm qua thì có tới trên 50.000 DN phá sản và hai tháng đầu năm nay con số này tiếp tục tăng lên. Điều đó chứng tỏ tiềm lực sản xuất đang yếu đi rất nhiều bởi một số khó khăn, trong đó không ít khó khăn do nhân tạo.
PV: Chính sách tiền tệ ảnh hưởng khá lớn đến lạm phát. Ông có bình luận gì về chính sách này hiện nay?
Mục tiêu lạm phát năm 2012 là dưới một con số, tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm con số này đã là 2,36%. Như vậy, áp lực 10 tháng còn lại không vượt quá ngưỡng 6,64%. Đây là áp lực này là rất lớn trong bối cảnh giá xăng, dầu, gas và sắp tới là điện có khả năng tăng – TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường và Giá cả, (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Đại Lai: Theo tôi, chính sách tiền tệ hiện nay đang bộc lộ một số bất cập. Ví dụ, chính sách lãi suất, cần phải hạn chế lãi suất đầu ra, lãi suất cho vay trước, đầu vào có thể hạ sau hoặc không áp dụng trần như hiện nay. Chính trần lãi suất đã che đậy đi tất cả những gì yếu đuối của các ngân hàng. Với cách hạn chế lãi suất đầu ra thì anh nào dám huy động 20-30% thì cứ huy động nhưng đầu ra không được vượt quá 130% của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm. Hoàn toàn có thể ra một mệnh lệnh thị trường như vậy hơn là một mệnh lệnh chặn lại đầu mua vốn bằng việc định giá. Làm sao NHNN có thể quản được khắp thiên hạ phải bán bằng giá qui định được.
Trần lãi suất này tạo ra hai cái xấu: thứ nhất là làm cho người dân nghĩ rằng NHNN đang phanh lại để cho các NHTM khỏe, mở toác ra giữa mua vào rất rẻ và đầu ra xung quanh 20%/năm. Cái xấu thứ hai là làm cho các NH nhỏ có thể bị bóp chết một cách oan uổng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vũ Hạnh (thực hiện)
VOV



Xem bài viết: TS Nguyễn Đại Lai: Nguy cơ thiểu phát trong năm 2012