Chứng khoán: Chưa kịp vui đã vội lo
Hàng loạt các thông tin và định hướng chính sách được đưa ra trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2012 của Chính phủ chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế. Mặc dù vậy, thông tin tăng giá đã khiến cho chứng khoán chới với, tâm lý nhà đầu tư dường như sớm giảm hưng phấn.
Chốt lời - rút sớm
Trọng điểm của TTCK phiên 7/3 là thông tin về lãi suất. Tiếp nối theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc "giảm lãi suất ngay lập tức", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo "lãi suất sẽ đồng loạt giảm 1% trong một vài ngày tới."
Thông tin này trên thực tế là rất tích cực. Nó sẽ giúp hiện thực hóa việc giảm chi phí vốn vay lên các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, thông báo của Thống đốc dường như không có gì bất ngờ đối với các nhà đầu tư. Kỳ vọng đã được phản ánh trước đó và áp lực chốt lời vẫn diễn ra khá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch chiều 6/3, đa số các cổ phiếu giảm giá cho dù đã hồi lại rất nhiều so với buổi sáng. Chỉ số VN-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp với gần 1 điểm (-0,22%) xuống 444,02 điểm (trong phiên liền trước chỉ số này đã giảm hơn 12 điểm). HNX-Index cũng giảm ở mức gần tương tự với -0,23% xuống 75,03 điểm.
Ngoại trừ các mã cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tăng trần ấn tượng (theo kỳ vọng lợi nhuận Quý I/2012 sẽ cao sau đợt sóng chứng khoán kéo dài 2 tháng vừa qua) và một số mã bất động sản, ngân hàng có tin tốt (SHB được nâng cấp tín dụng lên nhóm 1, HBB vẫn nằm trong vòng xoáy tin đồn bị thâu tóm) tăng mạnh, còn lại đa số các mã khác theo chiều đi xuống.
Áp lực chốt lời mạnh mẽ nhất diễn ra tại hai cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank và EIB của Eximbank. Hai cổ phiếu này chốt phiên 7/3 đều giảm sàn với dư bán còn tương đối lớn.
Hiện tượng chốt lời trong hai phiên giao dịch vừa qua đã được dự báo từ trước và cũng dễ hiểu bởi TTCK đã bùng nổ khá dữ dội với mức tăng đều vài chục phần trong một thời gian khá ngắn.
Ở chiều ngược lại, sau một thời gian nóng bỏng, TTCK dường như đang thu hút một dòng tiền mới chảy vào không hề nhỏ. Hơn 200 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.500 tỷ đồng đã được mua vào trong phiên sáng nay. Trong phiên liền trước, hai sàn đã xác lập kỷ lục với hơn 330 triệu cổ phiếu (trị giá gần 4.000 tỷ đồng) được chuyển nhượng.
Thêm nhưng lo lắng
Rõ ràng, đang có một thực tế là một dòng tiền đang mạnh mẽ chảy vào thị trường cho dù giá đa số cổ phiếu đã tăng 20-30%, có mã tăng tới hơn 100%.
Tuy nhiên, có thể thấy, áp lực chốt lời khi giá cổ phiếu đã tăng vài chục phần trăm là một điều dễ hiểu. Trong khi đó, những người chậm chân (hoặc muốn ăn nhịp sóng thứ 2) đang có niềm tin khá lớn vào sự ổn định trở lại của nền kinh tế.
Nếu như năm ngoái, sự khó khăn lên tới đỉnh điểm khi mà tỷ giá tăng tới 9% ngay đầu năm, xăng dầu tăng tới 5.000 đồng, lạm phát sau đó gia tăng không ngừng và đạt đỉnh điểm là 18,5% và lãi suất cho vay lên mức cao khủng khiếp là 25-27%, thì năm nay tình hình đã căn bản thay đổi.
Tỷ giá từ đầu năm tới nay khá ổn định, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Lạm phát được kiểm soát đa số ở mức dưới 1%/tháng trong 7 tháng qua. Lãi suất cho vay thực tế, theo Thống đốc NHNN hiện đã về mức 17-19%, và dự kiến sẽ còn xuống nữa sau khi NHNN công bố trần lãi suất về 13% (và giảm 1% theo quý trong thời gian còn lại).
Nguy cơ tăng giá xăng dầu được coi là yếu tố xấu. Nó có thể ảnh hưởng tới nỗ lực kiềm chế lạm phát và theo đó ảnh hưởng tới mục tiêu kéo giảm lãi suất của NHNN. Và điều lo ngại nhất đã đến. Xăng dầu đã có một cú tăng giá "sốc" với mức 2.100 đồng.
Với mức tăng giá cao của nhiên liệu quan trọng này, cộng với những tác động từ tác động tăng giá khác như gas, sữa, thực phẩm và nguy cơ có thể đến từ giá than và điện trong thời gian tới quả là một điều đáng thất vọng cho chứng khoán.
Nhìn chung, có nhiều cơ sở để dòng tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán, đặc biệt khi mà các kênh đầu tư khác như vàng, bất động, USD vẫn còn đang kém hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng sẽ giảm và lựa chọn gửi tiết kiệm có thể không ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù vậy, cũng không khỏi lo ngại khi chứng khoán đã tăng khá nhiều. Dòng tiền vào thị trường trong thời gian vừa qua một phần được cho là từ tiền gửi ngân hàng rút ra, từ sự dư dả về thanh khoản của một số ngân hàng lớn, từ khối ngoại chảy vào. Sự rút ra (có thể là tạm thời) sẽ khiến chứng khoán khó lòng tăng tiếp.
Trong một thông điệp được đưa ra chiều 6/3, Thống đốc cho biết, sắp tới, NHNN sẽ phát hành tín phiếu với mức lãi suất hợp lý để góp phần kiểm soát dòng tiền. Nó cũng đồng nghĩa với việc tiền sẽ được rút bớt về.
Ở chiều ngược lại, một yếu tố cân bằng khác cần được tính tới là, trong thời gian tới NHNN sẽ áp dụng nhiều biện pháp điều phối nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường. Cụ thể là đưa thời gian tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng lên từ 3 đến 6 tháng, thay vì 15 ngày đến 1 tháng như hiện nay.
Bên cạnh đó, một yếu tố cũng cần được quan tâm là hiện tại đa số các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, chưa thể hồi phục. Nguồn vốn lãi suất thấp vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp. Nền kinh tế chưa thể vững chắc nếu các doanh nghiệp không khỏe mạnh.
Việc giảm lãi suất là sự sống còn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp sống tốt thì lãi suất phải giảm tiếp chứ không thể là 1%. mà điều đó khó có thể xảy ra trong ngắn hạn khi mà vấn đề lạm phát vẫn đang đe dọa sự ổn định của cả nền kinh tế.
Nếu coi cuối 2011 là đáy của TTCK thì đầu tháng 3/2012 là đỉnh ngắn hạn. Khoảng cách giữa đỉnh này với đỉnh mới trong tương lai dài bao xa thì khó có thể đoán định.
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Chứng khoán: Chưa kịp vui đã vội lo