TS. Trần Du Lịch: Cứu nơi nào có thị trường bất động sản
Đối với các doanh nghiệp BĐS được cho là khó khăn nhất hiện nay, cần phải có sự gắn kết các doanh nghiệp này với thị trường tiền tệ. Bởi thị trường BĐS ảm đạm do hạn chế tín dụng, vì vậy cần có giải pháp để làm ấm thị trường ngay trong năm 2012.
ĐTTC xin giới thiệu ý kiến của TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội, xoay quanh vấn đề này.
Trách nhiệm của Nhà nước là cần phải rã băng từ từ, bởi dù ở quy mô nào thị trường BĐS luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Thực ra, hệ quả của sự yếu kém về quản lý dẫn đến tình trạng đầu cơ thái quá trong giai đoạn 2006-2007, mà hệ lụy của nó vô cùng to lớn kéo dài cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, BĐS với hệ thống NHTM như “môi với răng”, nên cần sớm có giải pháp “làm ấm” 2 thị trường. Đặc điểm lớn nhất của thị trường BĐS là do đầu cơ thái quá nên làm méo mó toàn bộ cung cầu.
Do vậy, để sửa chữa sai lầm, Chính phủ cần có ngay một chính sách tín dụng hướng vào chỗ nào đang có thị trường để cứu. Một khi BĐS phục hồi, các khoản nợ xấu tại ngân hàng cũng được thanh toán, như thế thanh khoản được cải thiện, việc giảm lãi suất cho vay là chuyện đương nhiên.
Khu đô thị mới Phước Kiểng, quận 7, TPHCM.

Bí quyết kinh doanh BĐS có 2 điều: chọn địa điểm đúng và sử dụng tiền của người khác. Nhưng không phải ai cũng làm được.
Thứ nhất, với chọn địa điểm đúng, thực tế không ít doanh nghiệp BĐS đã đi chệch đường. Bởi khi phát triển một khu dân cư, doanh nghiệp BĐS hầu như ít để ý đến cam kết của chính quyền địa phương về thời gian nào cung cấp cơ sở hạ tầng, giao thông. Vì thế, dù chính quyền chưa làm (hoặc không làm việc này) nhưng doanh nghiệp BĐS vẫn cứ đầu tư, cứ bán nền. Hệ quả là doanh nghiệp BĐS đầu tư rất hiện đại nhưng không ai ở.
Thứ hai, về dùng tiền người khác, trước đây các doanh nghiệp BĐS chủ yếu dùng tiền của người mua nhà, nhưng khi Nhà nước có luật siết chặt lại, họ dựa vào vốn ngân hàng dẫn đến tín dụng BĐS đột biến. Khi chính sách tiền tệ siết lại đã khiến doanh nghiệp BĐS lao đao.
Có thể thấy, nếu Nhà nước để doanh nghiệp BĐS chết không phải một mình doanh nghiệp đó chết, mà kéo theo một loạt doanh nghiệp khác. Nhưng cũng không thể bung tiền cứu toàn bộ trong khi có những loại hàng hóa trên thị trường BĐS đang bị dội chợ.
Thực tế có hàng trăm căn biệt thự xây cực kỳ đẹp tại khu đô thị cách trung tâm TPHCM 200 km nhưng hiện nay chỉ có 2 người ở mà người ta mua với giá 70.000-200.000 USD/căn cách đây 5 năm. Như vậy, với những phân khúc thị trường này dù khó cỡ nào cũng không thể gỡ ngay được.
Nếu bơm thêm tiền càng có nguy cơ chôn vốn. Tôi không tin những doanh nghiệp đang xây cao ốc hiện nay ở TPHCM có thể bán được sản phẩm với các mức giá hiện tại. Nhưng với khu nhà ở ngoại ô TP, xây căn hộ chừng 500-700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn là phù hợp với túi tiền đại bộ phận người dân và đang có sức mua thì Nhà nước nên bơm tiền để hoàn thiện.
Bởi mảng kinh doanh này sẽ làm ấm dần những mảng phân khúc BĐS cao cấp. Khi vòng quay của thị trường BĐS hoạt động sẽ làm thị trường vật liệu xây dựng, sắt thép, nhân công… ấm dần và tác động dây chuyền đến nền kinh tế.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay những doanh nghiệp BĐS không có tầm nhìn chiến lược tốt về vị trí cũng như phân khúc đành chịu. Còn những doanh nghiệp đang đi đúng hướng phát triển ở phân khúc trung bình, Chính phủ chắc chắn sẽ thông vốn để dự án hoàn thành.
Nói điều này để thấy các doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại vượt qua giai đoạn khó khăn này cần phải tự mình tái cấu trúc lại mục tiêu kinh doanh sao cho phù hợp với cung cầu thị trường.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương các nơi cũng nên lựa chọn các khu đô thị để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách tín dụng ưu đãi, thậm chí tập trung các nguồn vốn hỗ trợ cho người dân xây dựng nhà ở.
Thí dụ, nếu TPHCM sớm hoàn tất các đường vành đai, các khu đô thị ở quận 9, Nam Long… sẽ có cơ sở hạ tầng tốt thì người dân sẽ đổ xô xây nhà các khu đó để để ở chứ không chen chúc ở trung tâm TP. Theo đó, các dự án BĐS ở đây có thể bán được hàng, gián tiếp giúp rã băng dần thị trường BĐS TPHCM.
Mai Thao (ghi)
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH



Xem bài viết: TS. Trần Du Lịch: Cứu nơi nào có thị trường bất động sản