Trung Quốc mua 9,6 tỷ đôla cổ phiếu Mỹ


Danh mục đầu tư có cả Morgan Stanley, Bank of America, Citigroup, Apple, Coca-Cola, Motorola, Visa và BlackBerry.



Dù suy thoái kinh tế toàn cầu những túi vẫn đầy tiền, các quỹ tài sản nhà nước (sovereign wealth fund) của Trung Quốc năm ngoái đã âm thầm mua hơn 9 tỷ đôla cổ phiếu ở một số tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, bao gồm cả Morgan Stanley, Bank of America và Citigroup.
Mặc dù phần lớn đều chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng hiện giờ Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc đang sở hữu cổ phiếu của một số thương hiệu nổi tiếng nhất của Mỹ, bao gồm Apple, Coca-Cola, Johnson&Johnson, Motorola và Visa.
Danh sách chi tiết các khoản đầu tư với tổng trị giá 9,6 tỷ đôla tính đến 31/12 năm ngoái được công bố hôm 05/02 trong một thông cáo của Ủy ban chứng khoán; danh sách này chỉ tính tới các doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch tại Mỹ.
Thông cáo này cho biết sơ lược về những gì Trung Quốc đang làm để đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối 2 ngàn tỷ đôla bằng cách đầu tư vào cổ phiếu thay vì chỉ dồn vào trái phiếu chính phủ hay các chứng khoán nợ khác do chính phủ hoặc các định chế được chính phủ bảo trợ như Fannie Mae phát hành.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và các quan chức khác liên tục bày tỏ quan ngại về số trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ có thể bị ảnh hưởng xấu vì lạm phát hay vì núi nợ khổng lồ của Mỹ.
Trung Quốc đang cố “rải tiền” trên phạm vi rộng hơn khi mua chứng khoán do các tập đoàn quốc tế phát hành.
Nước này cũng đang tìm cách nắm cổ phần chiến lược trong các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cơ bản cho nền kinh tế nước mình.
Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC), một trong các quỹ nhà nước lớn nhất thế giới, được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 200 tỷ đôla.
Tổng tài sản của quỹ này nay ở mức gần 300 tỷ đôla và được chờ đợi sẽ sớm được bơm thêm rất nhiều vốn nữa.
Nữ phát ngôn viên của tập đoàn này không trả lời thư điện tử hay các cuộc gọi xin phỏng vấn.
Nhưng giới phân tích cho rằng thông cáo trên cho thấy tập đoàn này chỉ đầu tư một phần nhỏ từ khoản vốn 300 tỷ đôla vào cổ phiếu Mỹ.
Có vẻ quỹ này đang đi theo chiến lược đầu tư thận trọng để đa dạng hóa ra toàn thế giới sau khi đã bỏ phần lớn vốn để hỗ trợ vốn cho các ngân hàng Trung Quốc.
“Đó là một con số tương đối nhỏ nếu so với quy mô của quỹ,” GS Tài chính Chang Chun tại Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc-Châu Âu tại Thượng Hải, nói.
Quỹ tài sản nhà nước (SWF) này khởi đầu gian truân vào năm 2007 và đầu năm 2008 khi mua 3 tỷ đôla cổ phiếu không có quyền biểu quyết tại Blackstone và thêm 5 tỷ đôla nữa cho 9,9% cổ phần tại Morgan Stanley.
Cổ phiếu cả hai công ty này rớt thảm hại trong cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo những lời chỉ trích dữ dội nhắm tới quỹ này.
Nhưng giới phân tích cho rằng CIC hoạt động tốt trong năm 2009, đặc biệt là vì quỹ này đã mạnh tay mua vào khi thị trường hồi phục.
Thời điểm mua vào chính xác không được công bố trong thông cáo. Số cổ phần không có quyền biểu quyết tại Blackstone và cổ phiếu ưu đãi tại Morgan Stanley không được liệt kê trong thông cáo, có lẽ là vì chúng chưa được giao dịch.
Thông cáo cho thấy tập đoàn này sở hữu 19 triệu đôla cổ phiếu tại Bank of America, gần 30 triệu đôla tại Citigroup và khoảng 333 triệu tại đôla Visa cùng cổ phiếu tại nhiều quỹ chỉ số khác.
Khoản đầu tư đang niêm yết lớn nhất của quỹ này là 1,7 tỷ đôla cổ phiếu Morgan Stanley và gần 650 triệu đôla cổ phiếu BlackRock.
Cổ phiếu Morgan Stanley được mua tháng 6 năm ngoái khi ngân hàng đầu tư này phát hành 2,2 tỷ đôla cổ phiếu phổ thông để trả lại tiền từ chương trình TARP cho chính phủ Mỹ. Khi ấy CIC mua 1,2 tỷ đôla cổ phiếu này.
Một số chính trị gia Mỹ từ cả hai **** cảm thấy căng thẳng với động thái này của Trung Quốc và đặc biệt đề phòng việc Trung Quốc có thể dành ảnh hưởng chính trị tại phương Tây tương ứng với số cổ phần họ sở hữu trong doanh nghiệp.
Bốn năm trước, Quốc hội Mỹ đã ngăn CNOOC, một doanh nghiệp dầu khí quốc doanh của Trung Quốc, mua lại Unocal.
Trừ Nauy, phần lớn các quỹ SWF không công khai chi tiết khoản đầu tư của mình.
Ben Simpfendorfer, một nhà kinh tế tại Royal Bank of Scotland, cho rằng quyết định công khai danh mục đầu tư có thể hạn chế những lo ngại về tính bí mật của các khoản đầu tư nhà nước.
“Điều đó sẽ trấn an các chính trị gia rằng các quỹ SWF của Trung Quốc chỉ là cổ đông thiểu số,” ông nói.
Các khoản đầu tư ngoài Hoa Kỳ của Trung Quốc rất lớn và đang tăng nhanh. Ở Canada, quỹ này sở hữu 3,5 tỷ đôla cổ phiếu công ty khai mỏ và khoáng sản Teck Resources và 1 triệu cổ phiếu nhà sản xuất BlackBerry, công ty Research in Motion.
CIC cũng đang mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất Australia và mùa thu năm ngoái đã mua 646 triệu đôla cổ phiếu tại Noble Group tập đoàn chuyên về các loại hàng hóa cơ bản với chi nhánh vươn khắp toàn cầu trong các ngành như khai thác quặng sắt hay chế biến đường.
Giới chức các doanh nghiệp đã nhận đầu tư từ Trung Quốc lên tiếng rằng chuyện kinh doanh không dính dáng gì tới chính trị.
Richard S. Elman, Chủ tịch và người sáng lập ra Noble, phát biểu tháng trước rằng CIC cũng đầu tư như các doanh nghiệp khác.
“Họ là doanh nhân, họ muốn thấy kết quả,” ông nói. “Họ không can thiệp vào hoạt động hàng ngày (của công ty).”
Ngô Minh Tuấn (dịch)
Theo NewYork Times