Lòng kiêu hãnh của tập đoàn kinh tế
Trong hai tuần, ông Vương Đình Huệ dự đủ tám lễ công bố cắt giảm chi tiêu của các tập đoàn kinh tế. “Phải chạy sô nhiều, tôi hơi mệt, nhưng vui vì các đồng chí đã biết tiết kiệm, các đồng chí đã thể hiện được lòng tự trọng và kiêu hãnh của mình”, câu nói của vị bộ trưởng Tài chính xuất hiện trong bài báo điểm lại sự kiện các tập đoàn cam kết tiết giảm chi phí trong năm 2012 trên Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Thông tin tập đoàn Dầu khí công bố giảm chi phí khoảng 3.700 tỉ đồng xuất hiện vào ngày cuối cùng của tháng 2.2012. Đây là tập đoàn thứ chín thực hiện “mệnh lệnh thực thi nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội”, như lời của bộ trưởng Vương Đình Huệ. Nếu thực hiện đúng cam kết, chín tập đoàn tiết giảm gần 7.000 tỉ đồng.
Chưa rõ khi 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước công bố đủ, tổng số tiền tiết kiệm được từ cắt giảm chi tiêu sẽ là bao nhiêu nhưng quan trọng hơn cả, người ta quan tâm đến khoảng cách từ sự cam kết tới kết quả không chỉ là thời gian thực hiện ngắn ngủi mười tháng, mà còn là các giải pháp thực hiện. Bởi dù là thể hiện quyết tâm chính trị hay thực hiện mệnh lệnh thì sự cắt giảm chi tiêu đó được hay không phải phụ thuộc nhiều khâu, từ quản lý, cơ cấu, cho tới giám sát, thậm chí chế tài và tưởng thưởng.
Nếu nhìn ở góc độ này, có thể thấy “cung cách thể hiện lòng tự trọng” của một vài lãnh đạo tập đoàn – như ông Vương Đình Huệ đề cập – chưa đủ sức thuyết phục. Thật khó mà tin tưởng vào cam kết thực hiện tiết giảm lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng khi chỉ riêng lễ công bố đã được một số đơn vị tổ chức khá rình rang và dĩ nhiên, khá tốn kém. Việc tập đoàn Bảo Việt thuê khách sạn năm sao làm nơi tổ chức công bố cắt giảm chi tiêu có thể không ảnh hưởng nhiều tới khả năng tiết giảm được 145 tỉ đồng, tương ứng với 5% chi phí, như cam kết của lãnh đạo đơn vị, song bước khởi đầu như vậy cho thấy muốn thực hiện được mục tiêu trên, con số phải tiết giảm sẽ phải tăng lên, trừ phi kế hoạch cắt giảm đã phản ánh đầy đủ chi phí này.
Lượng thông tin liên quan đến tập đoàn kinh tế cam kết cắt giảm chi tiêu, theo Google, có 2,1 triệu kết quả. Điều này cho thấy, chủ đề này nằm trong trường quan tâm chính của các phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn, đối sách của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, sẽ có tác động tới thị trường nên công bố thông tin của các tập đoàn, tổng công ty ắt sẽ khó lọt khỏi dòng chủ lưu thời sự. Việc truyền thông chú trọng vào vấn đề tiết kiệm của doanh nghiệp nhà nước, một dạng thức của tổ chức kinh tế, tự thân đã có nội hàm tiết kiệm, còn thể hiện mối quan tâm về hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cuối năm rồi, trong báo cáo trình Chính phủ về thực trạng của các tập đoàn kinh tế nhà nước, bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định: “Để đánh giá được chính xác hiệu quả sản xuất – kinh doanh của tập đoàn còn nhiều vấn đề đặt ra”. Giới quản trị thuộc nằm lòng rằng nếu không lượng hoá được sẽ không thể quản trị, thì báo cáo của cơ quan quản lý về đầu tư cho rằng, vẫn chưa hình thành được cơ sở thông tin, dữ liệu có tính hệ thống, đầy đủ, cập nhật, sát thực có thể sử dụng để phân tích, đánh giá về kết quả và hiệu quả của tập đoàn kinh tế. Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, do phải đảm đương nhiệm vụ chính trị, nên báo cáo nhận định “cho đến nay vẫn chưa có phương thức tính toán lượng hoá chi phí để bù đắp hoặc đánh giá kết quả, tác động với tập đoàn kinh tế nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ này”.
Báo cáo của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu độc lập và bên ngoài cho thấy, doanh nghiệp nhà nước nói chung sử dụng vốn không hiệu quả. Báo cáo của công ty tư vấn quốc tế McKinsey công bố hồi tháng 2 vừa rồi, cho thấy, để tăng thêm 1 đồng doanh thu, doanh nghiệp nhà nước cần tới 1,65 đồng vốn. Trong khi con số tương ứng ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân lần lượt là 0,62 và 0,47 đồng.
Nói đến hiệu quả hoạt động chưa cao của doanh nghiệp nhà nước, người ta thường viện dẫn ý rằng các đơn vị này còn phải đảm đương nhiệm vụ chính trị. Có lẽ vì gánh nhiệm vụ này mà lãnh đạo một số tập đoàn buộc phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách đầu tư ra ngoài ngành, như lời giải thích xuất hiện trên các báo của một số vị lãnh đạo tập đoàn trong nửa năm đầu 2007. Cho đến cuối năm rồi, theo số liệu được bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội, số tiền các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành lên tới hơn 21.800 tỉ đồng, trong đó, gần phân nửa là đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng! Chưa thấy được việc nuôi ngành nghề kinh doanh cốt lõi trong lâu dài nhưng việc “lấy ngắn” đã góp phần không ít vào khoản lỗ của nhiều tập đoàn. Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ 11.669 tỉ đồng; tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex) năm 2011 ước lỗ 1.200 tỉ đồng; tập đoàn Vinashin lỗ 3.092 tỉ đồng; tổng công ty Hàng hải (Vinalines) lỗ 613 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong khoản đầu tư 2.100 tỉ đồng của tập đoàn Điện lực, 98% là ngoài ngành và chủ yếu là bất động sản, bảo hiểm.
Nếu xem thị trường là môi trường mà doanh nghiệp hoạt động, thì việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp chỉ có được dựa vào khả năng sinh tồn. Khả năng này trong thực tế đến từ hai phía. Tác động bên ngoài là môi trường có tính cạnh tranh. Còn bên trong là áp lực đến từ cổ đông. Một khi bên ngoài vẫn còn lợi thế trong tiếp cận vốn, đất, chưa kể các dự án lớn, còn bên trong, cổ đông – nhà nước vẫn chưa có phương cách thích hợp để quản trị, giám sát doanh nghiệp nhà nước, thì doanh nghiệp nhà nước chỉ thể hiện lòng tự trọng khi có các tác động từ bên ngoài.
Theo đại từ điển tiếng Việt, kiêu hãnh ngoài nghĩa “tự hào, thể hiện giá trị cao quý” còn đồng nghĩa với kiêu căng (khoe khoang). Có lẽ phải đợi đến cuối năm, khi kết quả giám sát việc tiết kiệm được công bố, mới có thể hiểu rõ các tập đoàn, tổng công ty thể hiện sự kiêu hãnh theo nghĩa nào.
Quốc Khánh
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Lòng kiêu hãnh của tập đoàn kinh tế