Doanh nghiệp đối mặt làn sóng “rớt” sàn
Nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết công bố thua lỗ, thậm chí thua lỗ nhiều năm liên tiếp và đang phải đối mặt với nguy cơ “rớt” khỏi sàn chứng khoán.
4 năm lỗ liên tiếp
Mặc dù mùa báo cáo tài chính chưa khép lại, nhưng theo thống kê của các Công ty chứng khoán (CTCK), số DN niêm yết thua lỗ nhiều như nấm mọc sau mưa. Nếu như năm 2010, trên cả 2 sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HOSE) chỉ có 2 DN chịu cảnh thua lỗ 3 năm liên tiếp thì năm nay, hiện có 4 DN thua lỗ 3 năm liên tục gồm Công ty cổ phần (CTCP) nhựa Tân Hóa (VKP) với mức lỗ năm 2009 là 50 tỉ đồng, 2010 lỗ 37 tỉ đồng và 2011 là 52,7 tỉ đồng; CTCP Basa (mã BAS) lỗ trong thời gian tương ứng là 3 tỉ, 14 tỉ và 22 tỉ đồng; CTCP vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP) thì riêng năm 2011 lỗ tới 535 tỉ đồng và CTCP hàng hải Hà Nội (MHC) đã bị HOSE tuyên bố có nguy cơ hủy giao dịch vào ngày 21.2. Thê thảm nhất là trường hợp của CTCP Full Power khi lập kỷ lục 4 năm lỗ, tổng lỗ lũy kế 2011 khoảng 872 tỉ đồng. Trước đó, FPC đã bị hủy niêm yết tại HOSE vào tháng 8.2011.
Mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ căng thẳng với vấn đề thua lỗ của nhiều doanh nghiệp

Một số DN khác không chỉ thua lỗ liên tiếp mà còn có thể mất cả vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn CTCP chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản - Cadovimex (CAD) lỗ liên tiếp trong 3 năm, riêng năm 2011 lỗ tới 305 tỉ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị âm 165 tỉ đồng. CTCP cà phê An Giang (AGC) âm vốn chủ sở hữu 20,5 tỉ đồng, Tribeco (TRI) cũng đang rơi vào báo động đỏ, âm vốn chủ sở hữu 20,4 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính của tình trạng thua lỗ nặng nề này, theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành, là nền kinh tế khó khăn, đại đa số DN không phát triển được vì lãi suất vay quá cao. “Huyết mạch của nền kinh tế là tín dụng, nhưng thời gian qua tín dụng phần lớn chảy vào bất động sản. Thị trường này bị đóng băng khiến dòng tiền không thể lưu thông, phục vụ cho nền kinh tế dẫn tới kinh doanh sản xuất đình đốn, hàng loạt DN thua lỗ, phá sản”, TS Thành nói. Cũng theo ông, thời gian tới đây các ngân hàng chắc chắn không dám mạnh tay cho vay mới, điều này thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ hơn 10% trong năm 2011. “Nếu ngân hàng quyết thu hồi nợ thì DN chỉ còn nước phá sản, vì vậy nhiều ngân hàng đã chấp nhận đảo nợ, cho vay nợ mới trả nợ cũ để giảm nợ xấu. Cùng với khó khăn thanh khoản, chắc chắn lãi suất sẽ vẫn còn cao và DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, TS Thành nói thêm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, TGĐ một CTCK tại Hà Nội cho rằng hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 100 DN có báo cáo tài chính năm 2011, nhưng với tình hình khó khăn năm qua, chắc chắn con số DN thua lỗ, đặc biệt thua lỗ liên tiếp nhiều năm còn tăng lên. Theo quy định, các DN niêm yết bị lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm gần nhất sẽ bị xem xét cho “rớt” sàn. Ngoài trường hợp MHC đã bị hủy niêm yết, nguy cơ một số DN khác bị “rớt” sàn trong thời gian tới là rất cao.
Cẩn trọng lựa chọn đầu tư
Nhiều DN làm ăn thua lỗ đã nợ tiền cổ tức của cổ đông từ năm 2010, có công ty đã thông báo lùi ngày chi trả cổ tức đến lần thứ 4. Tình trạng này đang gây thiệt hại cho cổ đông trong khi luật chưa có quy định chế tài việc DN thất tín như vậy. Lãnh đạo một CTCK cho rằng, trước khi chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức, DN đã suy tính rất kỹ lưỡng, nhưng sau đó không thực hiện như kế hoạch mà tìm cách xin gia hạn kéo dài chứng tỏ DN không giữ chữ tín, làm mất niềm tin của nhà đầu tư với DN và thị trường. Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải xử phạt thật nặng các trường hợp này để giữ niềm tin cho nhà đầu tư.
Hàng loạt DN làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, mùa đại hội cổ đông năm nay dự báo diễn ra vô cùng u ám. TGĐ CTCK Tràng An (TAS), ông Lê Hồ Khôi nhận định: Thị trường giảm sâu khi nền kinh tế đình đốn, giảm sút là cơ hội để cho nhà đầu tư chọn mua cổ phiếu. Điều nhà đầu tư cần lưu ý là phải thận trọng lựa chọn DN tốt đề đầu tư. Tiêu chí hàng đầu để lựa chọn là DN phải có khả năng tài chính lành mạnh, không có nợ nần. Kể cả trong lĩnh vực bất động sản, dù khó khăn nhưng nếu DN không có nợ ngắn hạn, dài hạn nhiều vẫn có thể đầu tư lâu dài; hay các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp thiết yếu thuộc ngành than, khoáng sản từ cổ phần hóa đi lên... “Nhà đầu tư nên xem xét chỉ số tài chính như nợ trên vốn chủ sở hữu không quá cao, chỉ số giá P/E (hệ số giữa giá cổ phiếu và thu nhập) cùng với cơ hội và khả năng phát triển DN. Nếu chỉ số đó lành mạnh thì đầu tư lâu dài là rất tốt”, ông Khôi nói.
Thị trường khó tăng trưởng mạnh
Theo TS Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế: “Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, khi vĩ mô còn chưa thực sự ổn định, lạm phát cao, lãi suất cao khó có chuyện thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh được. Trong bối cảnh hiện nay, DN làm ăn thua lỗ, chắc chắn sẽ làm mất niềm tin của nhà đầu tư, không thu hút được dòng tiền, nếu có thì nhà đầu tư hãy thận trọng vì dòng tiền ảo, dòng tiền đầu cơ. Đằng sau các đợt sóng chứng khoán, luôn có dấu ấn của giới đầu cơ, nhất là khi thị trường có được một số thông tin tốt về chính sách”.

Anh Vũ
thanh niên



Xem bài viết: Doanh nghiệp đối mặt làn sóng “rớt” sàn