Tín dụng bất động sản nhìn từ VPH
Nhiều DN bất động sản mất thanh khoản, ngân hàng không siết nợ, kiện phá sản, mà còn cho vay thêm. Lý do rất dễ hiểu...
Khi doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản thì không chỉ ban lãnh đạo doanh nghiệp căng thẳng, mà người không kém phần lo lắng chính là những chủ nợ, trong đó chủ yếu là ngân hàng.

Từ câu chuyện Vạn Phát Hưng...
Thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2011 của CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) cho thấy, đầu năm 2011, VPH có khoản vay 244 tỷ đồng là nợ ngắn hạn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Chợ Lớn và không có khoản vay dài hạn nào từ ngân hàng này. Cuối năm 2011, khoản vay ngắn hạn giảm còn 6 tỷ đồng, nhưng lại xuất hiện khoản vay dài hạn trị giá 250 tỷ đồng.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý IV/2011 của VPH, năm 2011, Công ty thu về 296 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, thu khác 265 tỷ đồng, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn bị âm 161,9 tỷ đồng. Thanh khoản của VPH được duy trì nhờ việc vay thêm 439 tỷ đồng trong kỳ.
Không có một dòng nào trong thuyết minh báo cáo tài chính của VPH nói về việc Agribank - Chi nhánh Chợ Lớn đã cho đảo nợ khoản vay (gốc) trị giá 244 tỷ đồng nói trên. Nhưng nếu Ngân hàng không cho vay lại, chính xác hơn là đảo nợ, thì VPH cũng không có khả năng để trả nợ. Bởi lẽ, số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ của VPH chỉ còn hơn 2 tỷ đồng.
… đến bức tranh chung về tín dụng bất động sản
Trên thế giới, ngân hàng thường siết nợ doanh nghiệp khi không thu hồi được nợ cho vay, thậm chí là kiện doanh nghiệp phá sản. Nhưng ở Việt Nam, hoạt động này hiếm khi xảy ra.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn đã chia sẻ với ĐTCK về cách đòi nợ của ngân hàng ông. Cụ thể, một doanh nghiệp bất động sản có khoản nợ gần 300 tỷ đồng đã quá hạn đến lần thứ ba, nhưng ngân hàng không thể thu hồi dự án. “Không phải bởi không đủ căn cứ pháp lý, mà vì ngân hàng sợ ôm vào người một đống rác”, vị giám đốc trên nói.
Không có kinh nghiệm bán hàng, hoặc nếu bán thì tốn kém nhân sự, không hiệu quả…, nên cách tốt hơn cả là kéo dài thời gian trả nợ cho doanh nghiệp và tìm cách hỗ trợ bán hàng. Vừa áp dụng chính sách “bán ưu đãi” cho cán bộ, công nhân viên của chính ngân hàng, đối tác quen biết, vừa tranh thủ tuyên truyền miệng cho dự án, đồng thời ngân hàng đứng ra làm đầu mối thu tiền giúp. Với cách làm này, trong vòng 6 tháng, ngân hàng đã thu về gần 30 tỷ đồng. Con số này chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng để doanh nghiệp thoi thóp và có cơ hội trả nợ vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với việc đâm đơn kiện buộc doanh nghiệp phá sản.
Theo vị giám đốc trên, về lý thuyết, nếu có tài sản có chất lượng để thu hồi thì hoặc doanh nghiệp tự bán, hoặc ngân hàng siết nợ. Khi ngân hàng phải siết đến tài sản cuối cùng của doanh nghiệp, thì đó là bởi không còn đường nào để duy trì doanh nghiệp.
ĐTCK cũng ghi nhận thực tế rằng, ngồi cùng doanh nghiệp để lên phương án bán hàng, thậm chí chấp nhận bơm thêm vốn để có cơ hội thu được nợ… đi kèm với đảo nợ, hoán đổi nợ (giữa hai ngân hàng có thỏa thuận) là cách mà một số ngân hàng đang ứng xử với những khoản nợ khó đòi.
Đơn cử, một doanh nghiệp tại Hà Nội vay đầu tư dự án bất động sản, mới hoàn thành được 25% khối lượng công việc thì rơi vào tình trạng mất thanh khoản, do không bán được hàng và trót đầu tư dàn trải. Vậy nhưng, tổ chức tín dụng vẫn bơm thêm vốn cho doanh nghiệp, vì dừng dở dang thì cơ hội thu hồi được phần vốn đã cho vay nhỏ hơn rất nhiều.
Nếu áp nợ của doanh nghiệp sang nợ xấu, sẽ có nhiều hệ lụy đi kèm, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn để lộ những điểm đen trong bức tranh tài sản của ngân hàng. Cùng im lặng, nhân nhượng… là cách mà ngân hàng đang cố gắng “đẹp hóa” các khoản nợ khó đòi của doanh nghiệp bất động sản.
Bùi Sưởng
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN



Xem bài viết: Tín dụng bất động sản nhìn từ VPH