Ngân hàng Nhà nước “bơm” tiền, “cứu” thanh khoản

Thứ Hai, 8/02/2010, 17:34

Động thái bơm tiền vào/rút bớt tiền ra khỏi nền kinh tế (thông qua các ngân hàng thương mại – của NHNN luôn được thị trường tài chính theo dõi chặt chẽ. Cuối tuần qua, có tin đồn NHNN đang tăng lượng cung tiền trên thị trường mở.

Không nhiều người biết một ngân hàng trung ương (NHTƯ) bơm/hút tiền ra lưu thông thế nào. Cơ quan này có nhiều công cụ để tác động đến lượng tiền trong nền kinh tế, nhưng hiệu quả và gây tác động nhanh nhất là nghiệp vụ thị trường mở (open market operation, gọi tắt là OMO).

Đây là nghiệp vụ mua, bán ngắn hạn chứng từ có giá (CTCG) do NHTƯ thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (CSTT), được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu khối lượng hoặc đấu thầu lãi suất.

OMO vừa là công cụ NHNN thực hiện chức năng tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản và vốn ngắn hạn cho các NHTM, đồng thời là công cụ chủ yếu để NHNN điều tiết cung ứng tiền, điều hành thị trường tiền tệ. Thành viên tham gia OMO là các TCTD có đủ điều kiện theo quy định. NHNN tham gia OMO với vai trò người cho vay thông qua các phiên chào mua/chào bán CTCG để hỗ trợ thanh khoản/hoặc tạo điều kiện cho các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn, hoặc nhằm mở rộng hay thu hẹp tiền cung ứng.

Trong thị trường mở, NHNN là người chủ động, không phải các TCTD đưa ra nhu cầu vay vốn. Danh mục CTCG qua OMO do Thống đốc NHNN quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, các loại CTCG được giao dịch qua OMO là những chứng từ được bảo lãnh của Chính phủ và chính quyền địa phương như: Tín phiếu NHNN, tín phiếu và trái phiếu KBNN, trái phiếu công trình trung ương và địa phương, trái phiếu của NH Phát triển VN, trái phiếu của NHCSXH VN.
Tăng quy mô để hỗ trợ thanh khoản

Cho đến đầu quý IV/2009, NHNN vẫn muốn các TCTD cố gắng tự cân đối nguồn vốn để cho vay và đảm bảo thanh khoản cho bản thân, nhưng trong bối cảnh nguồn vốn huy động tăng rất chậm, một số NH (trong đó có cả vài NH thuộc sở hữu Nhà nước) khó khăn về thanh khoản nếu không có sự can thiệp mạnh tay của NHNN thì hệ thống sẽ dễ lặp lại tình hình cuối năm 2008 đầu 2009.

Vì vậy, NHNN đã quyết định điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD, với kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá dài hơn, tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, hiện lên 28 ngày, thực hiện giao dịch 2 phiên/ngày từ ngày 21/12/2009.

Tuy không công bố cập nhật và công khai, nhưng có thông tin khối lượng chào mua của NHNN cũng tăng khá cao (có những phiên lên tới 25 nghìn tỷ – 30 nghìn tỷ đồng) so thường lệ các tháng trước đó (7 nghìn đến 9 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, NHNN thực hiện tái cấp vốn trực tiếp cho các NHTM bị thiếu hụt thanh khoản tạm thời (đây là các NH nhỏ không có các loại CTCG theo quy định của NHNN để tham gia OMO); tái cấp vốn cho các NHTM để cho vay chi phí mùa vụ đối với khu vực nông nghiệp… Nhờ các biện pháp của NHNN nên thanh khoản của hệ thống đã bớt căng thẳng và lãi suất trên thị trường liên NH cũng giảm xuống.

Do dự với thị trường mở?

Nếu nhìn bề ngoài thì việc NHNN tăng cường độ (thời gian và quy mô) nghiệp vụ OMO từ tháng 12 đến nay thì có vẻ giống thông lệ (trong dịp Tết Nguyên đán, theo tính quy luật hàng năm, nhu cầu rút tiền để thanh toán, chi tiêu và đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp và dân cư ở mức cao, trong khi huy động vốn của NHTM tăng chưa kịp đáp ứng nhu cầu này thì NHNN phải tạm thời bơm tiền ra).

Nhưng nếu nhìn vào diễn biến cung-cầu vốn của hệ thống suốt từ quý III/2009 đến nay thì có vẻ như bản chất của vấn đề là ở chỗ thanh khoản của hệ thống chưa giải quyết được căn bản.

Công cụ lãi suất cơ bản dường như đã không còn mấy hiệu quả; nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (NHNN thỏa thuận mua USD của các NH theo hình thức giao ngay, đồng thời bán lại lượng USD đó cho các NHTM theo hình thức kỳ hạn) cũng không có điều kiện thực hiện nhiều… đã khiến nghiệp vụ OMO trở thành công cụ phải sử dụng thường xuyên hơn để hỗ trợ thanh khoản VND cho các TCTD (chứ không đơn thuần là người cho vay cuối cùng nữa).

Một chuyên gia ngân hàng nói: “Nếu tình hình thanh khoản cứ thế này thì ý đồ chỉ tăng cường OMO trong dịp tết của NHNN không đủ, có thể phải kéo dài cả năm 2010. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý đang lấn cấn với việc làm thế nào để vừa tăng trưởng kinh tế 7% lại vừa ngăn ngừa lạm phát cao quay trở lại. Chắc NHNN cũng rất do dự khi sử dụng OMO như thế nào”.
Như vậy, việc thị trường nhìn vào các động thái OMO của NHNN để đoán định hướng của CSTT không phải không có cơ sở. Có lẽ tin đồn NHNN tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế qua OMO xuất phát từ suy luận cho rằng mức tăng tín dụng tháng 1 đang quá thấp (chỉ 1%).

Để đạt 1% tăng GDP ở VN thì mức tăng tín dụng trong bối cảnh kinh tế bình thường tương ứng từ 4-5 lần (riêng năm 2009 mức tăng tín dụng gấp 7 lần mức tăng GDP). Như vậy, để đạt GDP tăng 7% thì mức tăng tín dụng của năm ít nhất cũng phải khoảng 30%. Tháng đầu chỉ tăng 1% là quá thấp, nếu không kịp điều chỉnh thì mục tiêu kinh tế khó đạt được.

Một số chuyên gia cho rằng hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn người ta tưởng. Vì vậy, tiếp tục đầu tư để kích thích kinh tế tạo đà tăng trưởng nên được chú trọng hơn lạm phát.

P.M.T

Lao Động