CTG: Trả cổ tức bằng cổ phiếu đến 2015

Nhận định năm 2012 vẫn là một năm còn rất nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) Phạm Huy Hùng cho rằng “lãi suất phải được giảm càng nhanh càng tốt vì nếu để lãi suất cao như hiện nay thì doanh nghiệp không thể sống nổi.”
Trả cổ tức bằng cổ phiếu đến năm 2015
- Năm vừa qua VietinBank đã đạt được con số rất ấn tượng, ông có thể chia sẻ mức tăng trưởng này ở một vài chỉ tiêu quan trọng nhất?
Ông Phạm Huy Hùng: Năm 2011 có thể nói là một năm có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng do có sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng với 18.000 cán bộ công nhân viên VietinBank, cùng với sự điều hành cụ thể, sâu sát, nắm bắt các chủ trương định hướng của Chính phủ cũng như của ngành, quản trị nội bộ tốt.
Chính vì vậy VietinBank đã đạt kết quả tăng trưởng rất cao và hết sức ấn tượng. Tổng tài sản đạt 460 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 420 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay và đầu tư đạt 430 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 8.392 tỷ đồng; nợ xấu là 0,75%.
Đặc biệt, năm 2011 VietinBank đã dành một lượng rất lớn phục vụ an sinh xã hội ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 664 tỷ đồng.
- Để chuẩn bị Đại hội cổ đông sắp tới, phương hướng kinh doanh trong thời gian tới của VietinBank là như thế nào và dự kiến mức trả cổ tức năm nay là bao nhiêu thương ông?
Ông Phạm Huy Hùng: Theo nhiều dự đoán thì năm nay vẫn còn rất khó khăn. Ban lãnh đạo chúng tôi cũng dự báo sẽ có nhiều khó khăn với hoạt động của ngân hàng, tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết tâm phấn đấu đạt được mức tăng trưởng khá.
Chúng tôi đưa ra dự kiến vốn điều lệ là 30.000 tỷ đồng, tăng 48% so với thực hiện năm 2011. Để có được nguồn vốn trên, chúng tôi đã tính toán, một phần nguồn vốn tăng thêm là từ việc trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% (vốn điều lệ đến cuối 2011 của VietinBank là 20.230 tỷ đồng), khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoảng 1.500 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần từ đợt phát hành 10% cổ phần cho IFC trong quý I/2011 (theo quy định, sau 1 năm ngân hàng sẽ được tính phần thặng dư cổ phần vào vốn điều lệ).
Như vậy, chắc chắn ngay sau đại hội cổ đông vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên hơn 25.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang tích cực đàm phán với các tổ chức nước ngoài để phấn đấu bán tiếp 15% vốn, trong năm nay chắc chắn phải làm cho xong.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2012, VietinBank đặt kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 16%, nhưng ngân hàng sẽ phấn đấu trả cổ tức ở mức 20%. Ngoài ra, từ nay tới 2015, cổ tức sẽ không trả bằng tiền mặt mà toàn bộ sẽ được trả bằng cổ phiếu, tỷ lệ 1:1.
Năm 2012, ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản tăng lên 550 nghìn tỷ đồng và từ nay tới 2015 ngân hàng phấn đấu tăng tổng tài sản lên 50 tỷ USD.
Ngoài ra, ngân hàng đặt kế hoạch tổng nguồn vốn huy động và cho vay năm 2012 tăng 19%, tổng dư nợ cho vay và đầu tư tăng 21%, trong đó dư nợ cho vay tăng 17% so với cuối 2011.
Đã tập trung tái cấu trúc từ lâu
- Như ông đã nói năm nay sẽ còn nhiều khó khăn dẫn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vậy VietinBank giao chỉ tiêu cho các chi nhánh như thế nào?
Ông Phạm Huy Hùng: Năm 2011 nợ xấu của VietinBank là 0,75%, chúng tôi dự kiến nợ xấu năm nay sẽ dưới 2%. Xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn nên nợ xấu tiếp tục gia tăng.
Chình vì vậy, chúng tôi sẽ càng siết chặt hơn đến các cơ chế, quy chế, chỉ đạo điều hành sẽ sâu sát hơn, khung quản trị rủi ro trong từng tháng, từng quý phải được xem xét một cách hết sức thận trọng và chỉ đạo nghiêm túc những lĩnh vực nào tiếp tục đầu tư cho vay và lĩnh vực nào khống chế và thậm chí có những lĩnh vực phải tuyệt đối không được cho vay như lĩnh vực bất động sản.
Ở chi nhánh sẽ tách bạch từng khâu một như khách hàng, thẩm định, xét duyệt hồ sơ, như vậy mới có thể kiểm soát được. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rút hạn mức ủy quyền phán quyết xét duyệt cho vay của các chi nhánh chỉ còn 10 tỷ đồng, trụ sở chính sẽ là đầu mối tập trung để xử lý những hạn mức lớn. Bên cạnh đó sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện kịp thời những vi phạm và xử lý dứt điểm từng nơi một để làm sao quản trị tốt nhất trong toàn hệ thống.
- Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn ngành phải tái cấu trúc lại hệ thống, vậy VietinBank đã chuẩn bị bước đi này đến đâu?
Ông Phạm Huy Hùng: Tôi cho rằng, từng ngân hàng phải quan tâm đến vấn đề tái cấu trúc của mình, đó là vấn đề hết sức cần thiết. Để có được ngày hôm nay chúng tôi tái cấu trúc mấy năm rồi chứ không phải bây giờ mới bắt đầu làm. Chúng tôi đã tái cấu trúc toàn diện hệ thống chứ không phải một vài bộ phận.
Trong đổ vỡ lớn trước đây, cụ thể là vụ án Minh Phụng - Epco từ năm 1997, rồi từ phản ứng dây truyền của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á như Indonexia, Thái Lan, Hàn Quốc... đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Vốn lúc đó mới có 1.000 tỷ đồng nhưng lại mất hơn chục nghìn tỷ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết định cho ngân hàng tồn tại để mà trả nợ.
Thời điểm đó, tôi lên làm Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, chúng tôi đã khắc phục được sự đổ vỡ, tiếp tục kinh doanh, lấy hiệu quả để trang trải trả nợ.
Từ đó các cơ chế quản lý, nghiệp vụ, nhân lực, hệ thống bộ máy... đều được siết lại. Tôi không phải tự hào nhưng khẳng định rằng đến thời điểm này, mọi cơ chế, quy chế, nghiệp vụ quản trị nội bộ của chúng tôi ngày càng minh bạch, rõ ràng.
Từ 1/1/2012 chúng tôi đã chuyển đổi toàn bộ 19 chi nhánh Hà Nội để tách bạch giữa phục vụ khách hàng với bộ phận thẩm định tín dụng. Bắt đầu tư 1/4/2012 chúng tôi sẽ triển khai trong toàn hệ thống, chúng tôi quyết tâm làm bằng được./.
Minh Thúy
Vietnam+



Xem bài viết: CTG: Trả cổ tức bằng cổ phiếu đến 2015