Vụ giành quyền kiểm soát Sacombank: “Nghĩ mà thương bác Thành”
“Cuộc chiến Sacombank” bùng nổ khiến thị trường tài chính có một tuần xôn xao. Xung quanh sự kiện này, rất đông nhà đầu tư “đăng đàn” bày tỏ nhiều ý kiến trái ngược như STBEIB bên nào sẽ thắng? cổ phiếu STB sẽ đi về đâu? ai là người có khả năng bị thâu tóm tiếp theo? Nhiều ý kiến cũng tỏ thái độ thông cảm với ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT STB.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT STB

“Nghĩ mà thương bác Thành”
“Nghĩ mà thương bác Thành”, một nhà đầu tư đã phải thốt lên như vậy khi cho rằng, “cuộc chiến” gần như đã kết thúc. Bác Thành đã thất bại. Công sức xây dựng ngân hàng từ những năm đầu thập kỷ 90, giờ lại bị người khác thôn tính.
Nhiều nhà đầu tư cũng đồng tình khi cho rằng “số phận của Sacombank coi như xong rồi” vì ngoại trừ việc sáp nhập ngân hàng, thay đổi điều lệ thì các vấn đề khác bao gồm thay đổi HĐQT chỉ cần 51% cổ phần biểu quyết tại ĐHCĐ thông qua là đủ.
Có người “mách nước” rằng lúc này cho ông Thành chỉ có một con đường duy nhất là ra sức thu gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu. Điều này sẽ kéo theo một vài % trong 51% của EIB sẽ chốt lời và ông Thành có thể lấy lợi những gì đã mất. Theo nhà đầu tư này, với chữ tín của mình, ông Thành có thể lôi kéo một số quỹ khác để thành lập liên minh thu gom cổ phiếu tăng tỷ lệ nắm giữ sẽ không khó.
Một nhà đầu tư lại có suy nghĩ khác khi cho rằng, vụ này EIB chủ yếu muốn làm mất uy tín của STB đồng thời nâng cao uy tín của mình. Nhưng thực tế họ đã bộ lộ bản chất là "buôn bán chuyển nhượng ngân hàng" là chính, vì mới có hơn 9% cổ phần mà đã muốn làm xáo trộn một tập đoàn. Người này đặt vấn đề: ”Điều gì sẽ xảy ra khi họ nắm được 75% cổ phần của STB?”.
Cùng quan điểm này, nhà đầu tư Trà My cho rằng EIB muốn thông qua vụ việc này để kéo giá cổ phiếu. Mục đích của EIB chỉ muốn hạ bệ STB chứ không có lòng cùng nhau phát triển.
Vẫn tin vào giá cổ phiếu
Sau sự việc EIB ra “tối hậu thư” đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT STB cũng như các điều khoản khác, ngay lập từ giá cổ phiếu diễn biến chậm lại trong 3 phiên giao dịch sau đó. Tuy nhiên, phiên cuối tuần, STB bất ngờ tăng kịch trần. Tính chung cả tuần, giá của STB vẫn tăng khoảng 1.5% so với tuần trước, khối lượng bình quân đạt hơn 1 triệu cổ phiếu/ngày.
Nhiều nhà đầu tư có chung nhận định rằng cổ phiếu STB sẽ tiếp tục tăng giá cho đến khi diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2012.
Theo nhà đầu tư Cá Mập, nếu Sacombank bị thâu tóm thì cổ phiếu STB sẽ tăng giá chóng mặt như thời “anh hùng” VIC sáp nhập với VPL. Một nhà đầu tư khác cho rằng giá của STB sẽ không dưới 40,000 đồng/cp vì STBEIB mỗi “anh” chiếm tỷ trọng 10% trong rổ VN30.
Tương tự, nhà đầu tư có nickname Rogelio cũng bày tỏ quan điểm: “Từ đây tới lúc ĐHĐCĐ của STB diễn ra, cả EIBSTB sẽ được các nhà đầu tư đua giá trần giống như VIC ở thời điểm sáp nhập trước. Điều này sẽ kéo thị trường đang dần ổn định về vĩ mô bùng cháy vượt mốc 500 điểm ở HOSE và 80 điểm ở HNX”.
Rogelio cũng cho rằng, từ đây tới hết quý I, cổ phiếu ngân hàng là sự lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư.
Khả năng thâu tóm các ngân hàng khác
Một số nhà đầu tư cho rằng, sự kiện giành quyền kiểm soát Sacombank sẽ khởi đầu cho làn sóng thâu tóm, sáp nhập các ngân hàng tư nhân niêm yết. Sau STB có thể đến lượt các nhân hàng tư nhân khác bị thâu tóm do giá trị cổ phiếu quá thấp trên giá trị sổ sách như SHB, HBB... Vì thế cổ đông sáng lập, HĐQT, Ban giám đốc các ngân hàng này sẽ đẩy mạnh gom cổ phiếu vào nếu không sẽ mất quyền kiểm soát ngân hàng do mình lập ra.

Mạnh Kiên tổng hợp (Vietstock)
Finfonet



Xem bài viết: Vụ giành quyền kiểm soát Sacombank: “Nghĩ mà thương bác Thành”