Ngành điện tử Việt nam:
Tấm vé nào lên chuyến tàu hội nhập?



Lao Động số 359 Ngày 29/12/2006Cập nhật:
8:30 AM, 29/12/2006





[table]



|





|


[/table]

(LĐ)
- Thời gian qua, tin tức về việc VN gia nhập WTO, diễn đàn APEC diễn ra
tại Hà Nội, và các con số lạc quan về đầu tư nước ngoài cũng như thị
trường chứng khoán VN tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi nhiều ngành nghề khởi sắc, thì tương lai của ngành sản xuất
và lắp ráp thiết bị điện tử tin học nước nhà vẫn đầy vẻ u ám...

Đánh mất tín nhiệm
Mới
đây, Chính phủ quyết định thanh tra Tổng Cty điện tử - tin học VN
(VEIC) về những dấu hiệu sai phạm trong quản lý và đầu tư tài chính.
Vào trang web của tổng Cty này, ngay trang chủ là bản tin về chế độ đối
với những lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp...

Thực ra
từ rất lâu rồi người tiêu dùng VN đã cảm nhận được những khó khăn của
ngành lắp ráp thiết bị điện tử và tin học nước nhà, khi trong các siêu
thị và cửa hàng điện tử tại các thành phố lớn hầu như vắng bóng các
thương hiệu nội địa. Nếu có xuất hiện thì chúng cũng nằm khiêm tốn
trong các góc tối phủ đầy bụi bặm, khách hàng nào vô tình hỏi đến chỉ
nhận được sự thờ ơ của nhân viên bán hàng.

Có lẽ vì hàng
thương hiệu Việt lời lãi chẳng bao nhiêu, mà chất lượng thì lại thiếu
tin cậy hơn nhiều so với hàng nước ngoài. Trong những gia đình trung
lưu ở thành phố, rất khó tìm thấy TV, đầu máy, ampli, loa, máy tính...
thương hiệu VN. Nguyên nhân không hẳn là tâm lý chuộng ngoại của người
dân VN, bởi rất nhiều mặt hàng khác vẫn được người tiêu dùng trong nước
ủng hộ. Có phải hàng điện tử VN đã đánh mất sự tín nhiệm của người tiêu
dùng?

Các công ty sản xuất (nói chính xác hơn là lắp ráp) hàng
điện tử tin học VN đã nhiều lần kêu gọi sự ủng hộ của người tiêu dùng
và nhà nước với ngành công nghiệp này. Thực tế thì hàng chục năm qua,
nhà nước đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo hộ thị trường cho họ,
với mức thuế rất cao đánh vào hàng ngoại nhập, kèm những hỗ trợ cho
việc nghiên cứu, sản xuất và thậm chí cả bán hàng.

Cách đây
vài năm, VEIC đã khởi động một chiến dịch rùm beng và rất tốn kém cho
thương hiệu máy tính Vitek VTB. Đây cũng là thương hiệu máy tính duy
nhất được nhà nước hỗ trợ đặc biệt và đưa vào chương trình sản phẩm
trọng điểm.

Bộ Công nghiệp quy định các doanh nghiệp để được
hưởng ưu đãi đối với máy tính sản xuất và lắp ráp trong nước, cần phải
đặt tên máy tính có chữ VEIC đứng đầu và phải có chất lượng, giá cả
được VEIC chấp nhận. Thậm chí VEIC còn được nhận hàng tỉ đồng cho một
dự án khó hiểu là: "Chuẩn hoá máy tính lắp ráp tại VN"! Đến giờ cũng
chưa ai được thấy dự án này đem lại gì cho ngành lắp ráp máy tính VN,
vì chủ dự án chẳng bán được hàng, thương hiệu thì chìm nghỉm trên thị
trường.

Thất bại trong sản xuất linh kiện
Những
công ty bán được nhiều máy tính VN nhất lại chính là các công ty nhỏ
lắp ráp bằng tuốcnơvít gần như ngay trước mắt khách hàng. Tuy nhiên,
công đoạn lắp ráp có ít giá trị gia tăng nhất trong quá trình sản xuất
hàng điện tử tin học.

Hiện nay, các linh kiện đã được chuẩn hoá
và hướng dẫn lắp đặt rất chi tiết, nên bất cứ ai cũng có thể tự lắp ráp
cho mình một chiếc máy tính. Chất lượng máy tính VN thật ra là chất
lượng của những nhà cung cấp linh kiện như Intel, Samsung, LG,
Seagate... VN chẳng sản xuất được gì trong máy. Thậm chí linh kiện thô
sơ nhất là thùng máy, thì sau khi đầu tư nghiên cứu, VEIC sản xuất ra
với giá thành đắt gấp đôi so với hàng nhập có chất lượng tương đương từ
Trung Quốc!

Đây là thực tế của hầu hết các công ty lắp ráp
điện tử, chứ không chỉ máy tính. Hiện nhiều mặt hàng như VCD, DVD,
TV... được nhập gần như nguyên chiếc từ Trung Quốc về, nếu có nhập linh
kiện để giảm thuế thì cũng thành từng cụm lớn. Thậm chí vỏ thùng, tài
liệu hướng dẫn sử dụng và cả những con ốc cũng là hàng nhập.

Theo
lời của một quan chức trong ngành, thì VN đừng bao giờ nghĩ đến việc
sản xuất linh kiện, vì chi phí đầu tư quá lớn mà thị trường nội địa lại
quá nhỏ. Thật đáng buồn là sau hàng chục năm tồn tại chỉ vì được bảo hộ
thuế, đến ngày hội nhập thì hàng loạt nhà sản xuất VN chỉ còn biết kêu
trời và khuyến khích nhân viên về hưu non.

Những hứa hẹn của
họ khi xin bảo hộ để có thời gian xây dựng thương hiệu, mở rộng sản
xuất, đầu tư vào thiết kế và sản xuất linh kiện... đã tan thành mây
khói. Thương hiệu chẳng thấy đâu, linh kiện không sản xuất nổi, mà bản
thân doanh nghiệp thì quản lý tài chính thiếu minh bạch và kém hiệu quả
đến mức nhà nước phải tiến hành thanh tra.

Trong lúc cả nước
đang chờ đón những cơ hội và thách thức mới từ việc hội nhập với nền
kinh tế toàn cầu, mặc dù có những cảnh báo về việc có thể gia tăng tỉ
lệ thất nghiệp cũng như tình trạng phá sản của một số doanh nghiệp
không theo kịp với cạnh tranh khốc liệt của toàn cầu hoá, nhưng quyết
định của TGĐ VEIC về chế độ với những lao động dôi dư ra khi sắp xếp
lại doanh nghiệp vẫn là nỗi đau không chỉ với những người trong cuộc.

Những
lao động về hưu trước tuổi đó không chỉ là những con số lạnh lùng trên
giấy, họ là những con người có những số phận riêng, mang những gia đình
đằng sau, và hàng chục năm trường êm ấm với cơ chế cũ. Về hưu ở lứa
tuổi 50 với vài chục triệu đồng trong tay, liệu họ có phải là những
người đầu tiên không lên kịp chuyến tàu hội nhập?





Tuỳ Phong