Ý đồ của Mỹ - Âu trong khủng hoảng Hy Lạp?

VIT - Cùng với việc giá cả hàng hóa thế giới liên tục tăng cao, Mỹ, Âu đang chấp nhận chịu áp lực lạm phát ngày càng trầm trọng. Làm thế nào để ngăn chặn lạm phát? Người Mỹ hiểu rõ rằng, khi bong bóng nợ của nền kinh tế ngày càng căng phồng, việc dựa vào biện pháp nâng lãi suất để khống chế giá cả là hành động “tìm đến cái chết’. Như vậy muốn vừa quản lý giá cả, nhưng không cần đến biện pháp nâng lãi suất, thì phải làm thế nào? Một dấu hiệu gần đây nhất cho thấy, Mỹ đang bắt tay với châu Âu, dùng chính sách phi lãi suất để ngăn chặn lạm phát.

Tại châu Âu, vấn đề nợ của Hy Lạp cũng như của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang trở thành một công cụ, thường xuyên bị lôi ra bàn chuyện. Điều này không phải vì “cuộc khủng hoảng nợ” quá nghiêm trọng, mà là do Mỹ, Âu muốn nhân việc này để đạt được mục đích “áp chế đồng EUR, lôi kéo đồng USD” một cách “có kiểm soát”. Tại sao lại làm như vậy, bởi vì, giá hàng hóa quốc tế thường dùng đồng USD để trao đổi thanh toán, đồng USD tăng giá có thể khống chế giá hàng hóa tăng một cách hiệu quả, còn đồng EUR mất giá lại có thể nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

Kỳ thực, ý đồ “phá giá đồng EUR, nâng giá đồng USD” còn có thể thăm dò từ động thái gây lộn xộn với “khủng hoảng nợ” của Đức, Pháp, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF: Họ lúc thì nói cứu, lúc lại thấy quá do dự; Lúc nói cung cấp khoản viện trợ 110 tỷ EUR, lúc lại nói vừa đưa ra gói viện trợ 750 tỷ EUR. Tại sao lại như vậy? thực tế là, họ hy vọng đồng EUR mất giá, đồng USD tăng giá, nhưng lại không mong muốn thị trường biểu hiện thái quá, không muốn các nhà đầu tư mất đi lòng tin vào châu Âu.

Theo quan điểm của Warren Buffett, “khủng hoảng nợ Hy Lạp” chỉ là “một bộ phim điện ảnh rất khó xem”, về cơ bản ông không thèm xem. Bởi vì nó không giống với cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài đã từng xảy ra ở một số nước (như Mexico, Hàn Quốc…), thứ mà Hy Lạp đã nợ là “nợ tiền tệ”, về cơ bản khủng hoảng nợ này sẽ không gây ra tình trạng phá sản cấp quốc gia.

Hiện tại, quốc gia vay nợ lớn nhất thế giới là Mỹ, lãi suất nợ của nước này không thấp hơn Hy Lạp là mấy, vậy tại sao nước này lại không có khủng hoảng nợ? bởi vì nợ của Mỹ hoàn toàn là nợ bằng đồng USD, nếu quá nhiều thì sẽ in tiền để trả nợ. Thứ mà Hy Lạp vay nợ lần này là nợ bằng đồng EUR, chỉ cần Ngân hàng ECB cam kết “Hy Lạp có thể dùng trái phiếu chính phủ của mình để vay thế chấp từ ECB”, khủng hoảng nợ này sẽ kết thúc. Nhưng, làm như vậy sẽ gây tổn hại tới lợi ích của các quốc gia khu vực Liên minh châu Âu khác. Hay nói cách khác, chính vì nguyên nhân, Đức, Pháp có thể lợi dụng quyền lợi trong tay họ, thông qua thái độ của mình để thao túng giá trị tiền tệ của đồng EUR, đồng EUR mất giá sẽ có lợi cho Đức, Pháp, bởi vì họ có thể nhân cơ hội này tăng cường xuất khẩu cho quốc gia của họ.

Tại Mỹ, sau khi Goldman Sachs liên tục bị điều tra, Morgan Stanley cũng đang bị điều tra do bị nghi ngờ gian lận trong các thương vụ hàng hóa. Hôm 11/5, có thông tin cho rằng, một chi nhánh của Ngân hàng Mellon New York cùng với hai cựu quan chức đã bị tổng chưởng lý bang New York Cuomo cáo buộc. Lời cáo buộc cho rằng, những người này đã che giấu khách hàng về vụ gian lận tài chính của siêu lừa Bernard Madoff.

Những đại gia tài chính Phố Wall, những công ty đã từng sống trong xa hoa hiện nay đang phải đứng trước một sự giám sát vô cùng chặt chẽ? Điều này đương nhiên có liên quan tới vai trò đáng hổ thẹn của các cơ quan này trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng việc này ít nhất về mặt khách quan cũng đã phát huy được tác dụng thứ hai: Ngăn chặn các ông lớn tài chính tại Phố Wall thao túng tùy tiền giá cả hàng hóa.

Thị trường đã chứng minh hiệu quả thực sự hành động liên thủ của Mỹ và châu Âu lần này: Từ thời gian cho thấy, sự sụt giảm giá hàng hóa xuất hiện trong mấy ngày gần đây trùng với thời điểm Goldman Sachs, Morgan Stanley bị điều tra, khủng hoảng nợ châu Âu khiến đồng EUR mất giá và đồng USD tăng giá.

Cho nên, đừng quá coi khủng hoảng nợ châu Âu là vấn đề nghiêm trọng, cũng đừng coi việc các cơ quan tài chính lớn của phố Wall như Goldman Sachs bị điều tra là những cống hiến quốc tế của người Mỹ. Điều quan trọng đó là, chúng ta cần phải làm gì.


Thu Hà (Theo CE)
Tin dịch