[table]



MobiFone sẽ cổ phần xong vào năm sau
[/table]




Công ty Thông tin Di động Việt Nam (VMS) - đơn vị chủ quản mạng điện thoại di động MobiFone - sẽ cổ phần hóa xong trong năm 2007.


Đó là thông tin từ Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai. Theo ông, năm tới các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hóa như chương trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Ông khẳng định VMS -doanh nghiệp được lựa chọn làm thí điểm cổ phần hóa trong lĩnh vực viễn thông di động -chắc chắn sẽ được cổ phần hóa vào năm 2007.


Còn Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Lâm Hoàng Vinh cho hay: “Chúng tôi sẽ tiến hành nhanh việc cổ phần hóa Mobifone, và dự kiến năm 2007 sẽxong”.


Thông tin trên phần nào trấn an các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi mua cổ phần của VMS và hối thúc Bộ Bưu chính Viễn thông cần đưa ra thời gian biểu chính thức về lộ trình cổ phần hóa và các khung pháp lý.


Không chỉ thế, nó còn đưa ra câu trả lời gián tiếp cho câu hỏi của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trước đây đã gửi lên Bộ Bưu chính Viễn thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông: “VNPT và các doanh nghiệp không thích cổ phần hóa?”.


Trước đó, VMS, một trong những đơn vị trực thuộc VNPT, đã nhận lệnh tiến hành cổ phần hóa, nhưng kế hoạch này đang chững lạido phảichờ đợi các văn bản hướng dẫn. Đây chính là vấn đề mấu chốt làm các nhà đầu tư sốt ruột.


Lý do, theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, là việc cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông di động rất phức tạp. “Cổ phần hóa ở các doanh nghiệp thông thường đơn giản chỉ là định giá tài sản cố định, thì doanh nghiệp thông tin di động phức tạp hơn nhiều do các tài sản vô hình như vấn đề thương quyền, tần số, khả năng mở rộng thị trường,... rất khó đánh giá”, ông nói.


Bên cạnh đó, “Việt Nam chưa có tiền lệ cổ phần hóa một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông”, Phó tổng giám đốc Lâm Hoàng Vinh cho biết.


Có lẽ cũng vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép VMS thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng đề án cổ phần hóa. Còn VAFI trước đó thì đề nghị, nếu việc cổ phần hóa gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, họ sẵn sàng tư vấn miễn phí để đẩy nhanh quá trình.


Song “cái khó” của “người tiên phong” không chỉ thế. Tháng 5/1995, VMS đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) trong 10 năm. Đây là một trong những hợp đồng hợp tác kinh doanh có hiệu quả tại nước ta, do thông qua hợp đồng này, MobiFone đã tranh thủ được các nguồn lực quan trọng để xây dựng, vận hành mạng lưới và cung cấp dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam.


Nhưng chính bản hợp đồng đã làm việc cổ phần hóa của VMS trở nên “rùa bò”. Bộ Kế hoạch Đầu tư giải thích, nguyên do của việc chậm trễ cổ phần hóa VMS phụ thuộc vào việc thanh lý BCC, trong khi đó vấn đề này lại chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch.


Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy vào chiều 26/12, Phó tổng giám đốc Lâm Hoàng Vinh thông báo, hợp đồng BCC đã kết thúc, 2 bên đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để làm thanh lý và báo cáo với Bộ Kế hoạch Đầu tư.


Song còn một vấn đề nữa chưa “an lòng” các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông là việc lựa chọn đối tác chiến lược khi thực hiện cổ phần. Trong một diễn đàn mới đây, họ đề nghị Chính phủ Việt Nam cần đưa ra định nghĩa rõ ràng và các tiêu chí về đối tác chiến lược.


Bộ Bưu chính Viễn thông trả lời rằng Việt Nam có thể chọn đối tác chiến lược theo chủ quyền của mình. Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và một trong những cam kết WTO của Việt Nam là đảm bảo tình minh bạch, do vậy Việt Nam sẽ chọn lựa đối tác chiến lược theo hướng này.


Một nhà đầu tư đề xuất, có thể tiến hành quá trình cổ phần hóa thông qua đấu thầu công khai, và bằng cách này có thể chọn đấu thầu công khai trước, sau đó mới chọn đối tác chiến lược, hoặc ngược lại.


Thứ trưởng Trần Đức Lai cho hay, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp khi xây dựng đề án cổ phần hóa phải xây dựng các tiêu chí xác định đối tác chiến lược, và khi xây dựng xong thì tổ chức đấu thầu. “Nhà tư vấn nước ngoài sẽ giúp Việt Nam xây dựng các tiêu chí trong đề án, tất nhiên chúng ta sẽ xem xét và quyết định. Khi nào có các tiêu chí này chúng tôi sẽ thông báo”, ông nói.


Việc cổ phần hóa VMS vẫn đang được các nhà đầu tư mong ngóng, và những kinh nghiệm của VMS trong vấn đề này chắc chắn sẽ là bài học cho Vinaphone đẩy nhanh quá trình cổ phần.


Và nếu 2 đơn vị này lên sàn, quy mô thị trường chứng khoán sẽ tăng gấp 3 lần tính tại thời điểm tháng 5/2006, theo dự tính của VAFI.