Dùng vốn ngân hàng “cứu” chứng khoán: Sai về bản chất
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khi lãi suất ngân hàng không hấp dẫn, người dân sẽ mang tiền tìm sang các kênh đầu tư khác. Tỷ lệ tích lỹ 20% của nền kinh tế sẽ “chảy” vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, theo đó, kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay với đầu tư chứng khoán không quá 16% so với tổng dư nợ năm 2012, tương đương năm 2011.

Về bản chất, không thể dùng vốn ngắn hạn của ngân hàng để cho vay trên thị trường chứng khoán.
Sau khi Chỉ thị được ban hành, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại về khả năng thị trường sẽ rơi vào một đợt "ngủ đông" với giá giảm và thanh khoản thấp như trước Tết, vì sẽ không có chuyện "cứu" chứng khoán theo cách bơm tiền trực tiếp vào thị trường…
Trang tin Diễn đàn Kinh tế Việt Nam cho biết gần như toàn bộ các công ty chứng khoán ngày 13/2 đưa ra những nhận định khá bi quan về thị trường như: Việc giải ngân sẽ là khá rủi ro so với lợi nhuận kỳ vọng (BSI), vẫn nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường (VNDirect), nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn tiếp tục giữ tỷ trọng tiền mặt cao (SSI), khả năng hồi phục mạnh của thị trường không được đánh giá cao (BVS), khả năng cao VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 390 điểm (FPTS)...
Có báo dẫn lời lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định, vẫn chưa có thông tin vĩ mô tích cực nào thực sự hỗ trợ cho chứng khoán và cho rằng Chỉ thị 01 của NHNN giúp nhà đầu tư vững tin hơn vào công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng, nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc tiền sẽ không chảy ngay vào thị trường chứng khoán. Thông điệp vực dậy thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục chịu thử thách và áp lực, ít nhất là cho đến khi NHNN cởi mở hơn dòng tín dụng chảy vào thị trường này.
Bày tỏ quan điểm trước câu hỏi của báo giới về việc “cứu” thị trường chứng khoán, tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi Chỉ thị 01 được ban hành, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, mục tiêu xuyên suốt những giải pháp hiện nay của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng là nhằm tập trung vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế vĩ mô, tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ưu tiên cho các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản.
Tuy nhiên, NHNN cũng sẽ có điều chỉnh thích hợp, như với cho vay chứng khoán, dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu sẽ được loại trừ khỏi nhóm “không khuyến khích”.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, việc ngân hàng bơm vốn để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp “sai về bản chất”.
Ông Nguyễn Văn Bình giải thích, thị trường tiền tệ là thị trường vốn ngắn hạn, dưới một năm, sử dụng tiền tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, trong khi thị trường vốn – trong đó có thị trường chứng khoán - mang tính trung và dài hạn. Doanh nghiệp phát triển lành mạnh chỉ đến vay ngân hàng khi cần sử dụng vốn lưu động.
Dĩ nhiên, trong “bể vốn” của ngân hàng, sau một thời gian thống kê, dù tỷ lệ thời hạn có thể khác nhau, nhưng có một tỷ lệ vốn “đọng lại” có thể dùng cho vay trung và dài hạn. Chính vì vậy, NHNN quy định tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn không được vượt quá 30% vốn ngắn hạn.
Ngân hàng có thể cho vay chứng khoán để giúp thị trường cải thiện hơn và nếu trong tỷ lệ cho phép sẽ không ảnh hưởng đến tính chất dòng vốn của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, nếu ngân hàng sử dụng quá tỷ lệ này, vừa có ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng, vừa ảnh hưởng thị trường chứng khoán.
Do vậy, về bản chất, không thể dùng vốn ngắn hạn của ngân hàng để cho vay trên thị trường chứng khoán, mà ngân hàng chỉ có thể cho vay một tỷ lệ nhất định.
Giải pháp căn bản
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, giải pháp căn cơ cho thị trường chứng khoán là phải lập lại trật tự trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ. - Ảnh: Chinhphu.vn/Nhật Bắc

Đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trước đây, tỷ lệ đầu tư toàn xã hội lên tới 44% GDP, trong khi tỷ lệ tích lũy chỉ 20%, tức là lúc nào tình trạng nhu cầu đầu tư cũng rất cao, trong khi khả năng về vốn rất thấp.
Từ đó, hệ thống ngân hàng nâng lãi suất lên, đua nhau hút phần 20% tích lũy vì hút bao nhiêu cũng cho vay ra được. Và khi lãi suất lên cao, thị trường vốn không còn nguồn để hoạt động, thị trường tiền tệ đồng thời thực hiện chức năng thị trường vốn.
Thực tế, khi NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại vẫn hút vốn, thì thị trường chứng khoán rất “xanh xao”, khi nào chính sách được nới lỏng thì tỷ lệ cho vay chứng khoán cao lên, thị trường chứng khoán lại “hồng hào”.
Do vậy, giải pháp căn cơ để thị trường vốn mới có thể phát triển là lập lại trật tự trên 2 thị trường này, đưa thị trường tiền tệ trở lại với vai trò của nó, không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗi.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, tất cả những biện pháp mà NHNN đang tiến hành, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, là những bước đi cơ bản, vững chắc để giúp không chỉ lập lại trật tự – nói cách khác là trả lại tên đúng nghĩa – cho thị trường tiền tệ mà còn cho thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ đã yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. (Trên thực tế, cho tới này 22/2, 4 ngân hàng là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đều đã tuyên bố giảm lãi suất. Sự tích cực của "tứ đại gia" chiếm 55 - 60% thị phần tín dụng này được kỳ vọng sẽ làm mặt bằng lãi suất hạ nhiệt).
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khi lãi suất ngân hàng không hấp dẫn, người dân sẽ mang tiền tìm sang các kênh đầu tư khác.
Với ngoại tệ, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nâng cao giá trị đồng Việt Nam. Thống đốc cho biết, thực tế trong năm 2011, đầu tư vào ngoại tệ thì không có lợi bằng đầu tư vào nội tệ, tức là ngoại tệ không còn hấp dẫn.
Với vàng, chính sách về quản lý trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường này không còn hấp dẫn nữa với tư cách là một kênh đâu tư. Về thị trường bất động sản, chính sách của NHNN cũng khiến thị trường này không còn nóng, sốt, biến động lớn.
Như vậy, tỷ lệ tích lỹ 20% của nền kinh tế sẽ “chảy” vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Cùng với đó, NHNN sẽ có những phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Đó là hướng mà NHNN đang đi, cũng là giải pháp căn bản, lâu dài nhất để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững.
Hà Lực
chính phủ



Xem bài viết: Dùng vốn ngân hàng “cứu” chứng khoán: Sai về bản chất