“Cuộc chiến” tại Sacombank: Nhà đầu tư nên làm gì?
Trước “cuộc chiến” Eximbank - Sacombank (EIB - STB) đang diễn ra, các NĐT chúng ta nên làm gì? Trước hết, chúng ta hãy phân tích các kịch bản (theo ĐTCK) có thể xảy ra.

- Kịch bản 1: Hợp nhất có sự đồng thuận. Động thái chống thâu tóm của HĐQT STB khi huy động nhân viên xin ủy quyền bỏ phiếu của cổ đông nhỏ cho thấy kịch bản này khó xảy ra. Có nghĩa là, STB không muốn chia sẻ quyền lợi cho đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, EIB tuyên bố đã có đủ 51% cổ phần (cả sở hữu và ủy quyền) và STB hủy ngày chốt danh sách cổ đông cho thấy, STB đang bị yếu thế, cần thêm thời gian để phản công.
- Kịch bản 2: Thôn tính thù địch. Những gì đang diễn ra có vẻ ủng hộ kịch bản này, dù hậu quả là rất lớn đối với STB và NĐT. EIB (chiếm 9,61% cổ phần STB) và các cổ đông lớn đã có dự tính từ khá lâu trước khi cuộc chiến thực sự diễn ra (không loại trừ khả năng EIB cũng chỉ là một quân cờ trong tay các nhà đầu tư lớn). Khi EIB ra mặt yêu cầu thay đổi cơ cấu HĐQT của STB, hiển nhiên họ đã nắm ưu thế không nhỏ.
Để bảo vệ mình, HĐQT của STB chỉ còn cách mua lại thật nhiều cổ phần hoặc tìm kiếm được sự ủy quyền của các NĐT như họ đang làm, để nâng cao số phiếu lên con số tương đương với EIB. Việc mua lại cổ phần sẽ làm giá cổ phiếu STB tăng cao (các NĐT nhỏ được lợi), nhưng nếu có mua hết số cổ phần còn lại trên thị trường thì STB cũng chỉ nắm 49%. Do đó, việc mua lại của STB (nếu có) sẽ không diễn ra sôi động, rộng rãi.
Chiến lược thứ haiSTB có thể áp dụng là làm cho EIB hiểu rằng, nếu nắm quyền kiểm soát STB thì họ chỉ mang một cục nợ (điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu STB đi xuống và các NĐT nhỏ bị thiệt hại), bằng cách tăng cường nợ xấu, cho vay giá rẻ để làm nản lòng EIB (việc này rất nhạy cảm và dễ bị NHNN tuýt còi). Cả STBEIB đều không có lợi trong trường hợp này.
STB có thể hoãn ngày họp ĐHCĐ đủ lâu để các NĐT lớn trong liên minh với EIB nản lòng mà rút lui, lúc đó STB sẽ công bố ngày họp và tự mình quyết định. Tuy nhiên, nếu không họp thì EIB sẽ khởi kiện yêu cầu họp đột xuất và bầu lại HĐQT.
- Kịch bản 3: Cuộc chiến pháp lý. Hiển nhiên, EIB không mong muốn điều đó, vì nó sẽ kéo dài và làm bất lợi cho mình. Ngược lại, với STB, dù không muốn nhưng nếu có xảy ra có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều.
Với các kịch bản nêu trên, các NĐT chúng ta phải làm gì để được hưởng lợi?
Nếu đang nắm cổ phiếu STB lúc này, bạn không cần quan tâm đến chỉ số cơ bản hay đồ thị kỹ thuật. Vấn đề mà bạn quan tâm là STB sẽ làm gì tiếp theo. Trong các trường hợp trên, NĐT chúng ta chỉ có lợi khi mà STB mua lại cổ phiếu trên thị trường (EIB và liên minh có thể không cần mua nữa), còn các trường hợp khác, NĐT đều không có lợi. Nếu cuộc chiến lâu dài, EIB và liên minh bỏ cuộc, thì một lượng lớn cổ phần STB sẽ bị bán ra nhằm thu hồi vốn. Còn nếu STB tự gây hại cho mình, cổ phiếu cũng sẽ giảm giá. Do đó, các NĐT phải cẩn trọng khi cổ phiếu STB bị đẩy lên quá đà. Có thể lúc đó các NĐT lớn thỏa mãn với mức lợi nhuận đạt được và bán ra.
Trong tình hình hiện nay, “cuộc chiến” giữa EIBSTB làm TTCK được chú ý, có thể cổ phiếu các ngân hàng khác sẽ được “ăn theo”, đẩy giá lên một mặt bằng mới cao hơn.
Bạn đọc Nguyễn Duy Thành (Đà Nẵng)
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN



Xem bài viết: “Cuộc chiến” tại Sacombank: Nhà đầu tư nên làm gì?