Xu hướng giảm lãi suất đã hình thành?
(Vietstock) – Lạm phát thực sự đi vào giai đoạn ổn định và vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết sẽ là tiền đề vững chắc cho việc giảm dần mặt bằng lãi suất theo đúng ý nghĩa thực của nó.

Những tháng cuối năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã “bắn phát súng" đầu tiên khi công bố hạ lãi suất cho một số nhóm đối tượng và lĩnh vực.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) cũng vừa tuyên bố hạ lãi suất cho vay bắt đầu từ ngày 9/2/2012. Lãi suất ưu đãi này được áp dụng ở các kỳ hạn ngắn và chủ yếu dành riêng cho các đối tượng ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Đăng ký ngay để tham dự MIỄN PHÍ hội thảo "Cơ hội nào cho Thị trường Bất động sản Việt Nam 2012?" do Vietstock Communications tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của hai diễn giả hàng đầu GS.TS Đặng Hùng VõTS Lê Xuân Nghĩa.
Thời gian: 8h30 – 12h00 Thứ Bảy ngày 25/02/2012
Địa điểm: Queen Plaza - Số 3-5 Hồng Hà, P.9, Q. Phú Nhuận, TPHCM

Mới đây, một số ngân hàng lớn khác như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) cũng đã lần lượt công bố giảm nhẹ lãi suất. Tuy vậy, mức lãi suất cho vay mới chỉ giảm đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và một số đối tượng ưu tiên khác.
Có thể thấy những ngân hàng lên tiếng hạ lãi suất đều là những ngân hàng có quy mô lớn, thanh khoản đảm bảo và có kết quả kinh doanh tương đối tốt so với mặt bằng chung của ngành.
Liệu những điều này có tạo hiệu ứng lan tỏa và hình thành nên xu hướng giảm lãi suất bền vững trong hệ thống ngân hàng?
Xu hướng giảm lãi suất đã hình thành?
Sau khi lạm phát có xu hướng ổn định hơn trong những tháng gần đây, thì vấn đề thanh khoản đang là “nút thắt” quan trọng trong bài toán hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cho vay của nền kinh tế.
Không thể phủ nhận, một nhóm các ngân hàng khỏe mạnh đã đạt được mức ổn định thanh khoản cần thiết. Điều này phần nào được minh chứng bằng sự sôi động trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp và hành động hạ nhẹ lãi suất cho vay.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN và Công văn 674/NHNN-CSTT về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ năm 2012. Theo đó, cơ quan này đã tiến hành phân loại, xếp hàng và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng.
Động thái này sẽ góp phần “củng cố” vị thế của các ngân hàng khỏe mạnh và “khoanh vùng” nhóm các ngân hàng yếu kém. Khi mà đầu ra ở nhóm ngân hàng yếu kém bị hạn chế, cuộc chạy đua trên thị trường huy động vốn sẽ bị triệt tiêu và giảm bớt áp lực căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, cái gốc vấn đề là kênh gửi tiết kiệm vẫn chưa thực sự được coi là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút được nhiều chú ý trên thị trường dân cư, do lo ngại lạm phát và mất giá đồng nội tệ. Trong khi đó, khối doanh nghiệp vẫn đang khát vốn trước chính sách thắt chặt tiền tệ duy trì trong hơn một năm qua. Do đó, khả năng huy động vốn vẫn vấp phải những khó khăn nhất định.
Đây là những nguyên nhân chính khiến cho cơ hội giảm sâu và rộng của mặt bằng lãi suất cho vay khó trở thành hiện thực trong thời gian ngắn sắp tới. Lạm phát thực sự đi vào giai đoạn ổn định và vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết sẽ là tiền đề vững chắc cho việc giảm dần mặt bằng lãi suất theo đúng ý nghĩa thực của nó.
Hoàng Vũ



Xem bài viết: Xu hướng giảm lãi suất đã hình thành?