Góc nhìn ngày 16/02: Sẽ tăng áp lực bán tháo?
(Vietstock) – Các công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra cái nhìn thận trọng cho thị trường trong vài phiên tới. Chiến lược giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tiền mặt đều hầu hết các chuyên gia này khuyến nghị. Điều này liệu có dẫn đến một hoặc vài phiên bán tháo nữa trên thị trường?

Tăng cường tiền mặt
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch này không còn hào hứng và tích cực như phiên trước đó. Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư mặc dù kỳ vọng vào sự tiếp diễn xu thế tăng của thị trường nhưng đồng thời vẫn khá thận trọng, e ngại với rủi ro ngắn hạn.
Điểm tích cực trong phiên này phải kể đến hiệu quả nâng đỡ khá tốt đến từ ngưỡng hỗ trợ mạnh 390 điểm. Mỗi khi VN-Index rơi mạnh về ngưỡng này thì đều xuất hiện lực cầu bắt đáy đưa thị trường hồi phục trở lại. Nhờ đó, VN-Index đã tránh được một phiên giảm sâu.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì khả năng bứt phá đi lên của thị trường vẫn không được đánh giá cao do chưa hội tụ đủ yếu tố hỗ trợ cần thiết. Thông tin từ NHNN cho thấy dòng tiền trong thời gian tới sẽ vẫn được ưu tiên cho sản xuất và nông nghiệp là chủ yếu và chưa có tín hiệu nào cho thấy dòng tiền vào chứng khoán và BĐS có thể được khơi thông. Ngoài ra, chỉ số CPI tháng 2 được dự báo tăng tới 1.5% có thể sẽ là yếu tố cản trở VN-Index tăng điểm trở lại.
Trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật vẫn đưa ra tín hiệu tiêu cực và các yếu tố tác động đến thị trường còn tiềm ẩn bất ổn thì nhà đầu tư nên tăng cường nắm giữ tiền mặt để tránh rủi ro thị trường giảm sâu.
Chiến lược đứng ngoài chờ đợi
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Mặc dù bên bán chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng lực cầu được cải thiện gần cuối phiên, giúp VN-Index đóng cửa giảm nhẹ.
Cây nến hình thành với phần thân nhỏ và phần bóng dài cho thấy sự cân bằng của bên bán và mua. Khối lượng giao dịch gần như không đổi, không cho thấy nhiều ý nghĩa.
Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang. Ở chiều giảm, chỉ số này có thể quay về vùng hỗ trợ 375-380, hình thành cơ hội mua vào khá tốt cho các chiến lược lướt sóng. Ở chiều tăng, VN-Index có thể quay về đỉnh trước đó ở 415.
Tiêu cực hơn VN-Index, HNX-Index bị bán liên tục kể từ đầu phiên và giảm khá mạnh khi đóng cửa ngày 15/02.
Hiện HNX-Index đang giao dịch ở vùng hỗ trợ 59-61, đồng thời là vùng giao nhau của mức Fibonacci 50% của sóng hồi phục từ 54 đến 65 và đường trung bình 20 ngày. Do đó, trong các phiên tới, HNX-Index có thể sẽ giao dịch giằng co.
Mức giá hiện tại có thể là điểm lướt sóng tốt. Mức chốt lời sẽ là vùng kháng cự 64-65. Tuy nhiên, nếu HNX-Index xuyên thủng 59-61, chỉ số này có thể giảm sâu về đáy trước ở 54. Do đó, nhà đầu tư nên cắt lỗ nếu breakout này xảy ra.
Với nhà đầu tư ngắn hạn, cơ hội tốt để mua vào là khi HNX-Index vượt vùng kháng cự 64-65. Trong lúc này, đứng ngoài thị trường vẫn là chiến lược tốt.
Rủi ro giảm điểm vẫn cao
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn (60 điểm trên HNX) tỏ ra khá mong manh và thực tế trong phiên đã có lúc bị phá vỡ. Như chúng tôi đã nhận định, trong giai đoạn này, thị trường sẽ khá nhạy cảm trước các thông tin mới và có vẻ như một loạt thông tin không tích cực (lạm phát, kỳ vọng chính sách…) đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên.
Rủi ro tiếp tục giảm điểm của thị trường hiện đang cao hơn xác suất tăng trở lại xét trên cả góc độ kỹ thuật và thông tin tác động. Do đó, các nhà đầu tư không nên giải ngân tại thời điểm này.
Tranh thủ giảm tỷ trọng cổ phiếu
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Thông điệp rõ ràng và cứng rắn của NHNN đối với lĩnh vực không ưu tiên trong đó có lĩnh vực chứng khoán đã khiến những kỳ vọng của nhà đầu tư chuyển thành thất vọng. Mặc dù “room” tăng trưởng tín dụng cho chứng khoán có thể tăng từ 15-17% so với năm ngoái, nhưng với bối cảnh thị trường như hiện nay việc tiếp cận vốn của nhà đầu tư vẫn rất khó khăn.
Theo quan điểm của BVS, hiện thị trường vẫn nằm trong xu hướng giảm điểm dài hạn, tuy nhiên trong ngắn hạn thị trường cũng khó phá ngay vùng hỗ trợ 58-59 đối với HNX-Index và 380-390 đối với VN-Index. Do đó, các nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức cao, tranh thủ các phiên bật tăng để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Khó có thêm dòng tiền mới
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): TTCK Việt Nam thể hiện sự phản ứng không mấy tích cực từ phía nhà đầu tư đối với chỉ thị vừa đưa ra của NHNN về việc điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát tín dụng trong năm 2012.
Hầu hết các mã cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục được nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời, trong đó, STB bị bán mạnh ở mức giá sàn 2 phiên liên tiếp. Khả năng diễn biến không thuận lợi ở cổ phiếu STB là do chịu tác động từ thông tin sát nhập 3 ngân hàng ACB, EIB, STB bị các lãnh đạo của các ngân hàng trên bác bỏ, thêm vào đó, mức giá hiện tại của STB đang được xem là khá cao nên việc thoát hàng khi tin tức không thuận lợi được đưa ra là điều không thể tránh khỏi.
Hiện tại, lực cầu ở vùng giá thấp vẫn chưa đủ mạnh để kéo thị trường tăng điểm trở lại, thanh khoản duy trì tương đối ổn định tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức trung bình tuần trước. Do đó, khả năng dòng tiền mới tham gia vào thị trường khó có khả năng xảy ra, BVS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dao động quanh vùng 380 - 440 điểm trong ngắn hạn.
Viết Vinh (tổng hợp)



Xem bài viết: Góc nhìn ngày 16/02: Sẽ tăng áp lực bán tháo?