Chỉ có 43 báo cáo hợp nhất được công bố
(Vietstock) – Chỉ còn hơn 1 tuần nữa thời hạn nộp báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2011 sẽ kết thúc. Tuy nhiên tính đến thời điểm này chỉ có “vỏn vẹn” 43 doanh nghiệp trên cả hai sàn công bố chính thức. Đáng trách hơn, vẫn còn gần 60 doanh nghiệp thậm chí chưa công bố báo cáo công ty mẹ dù thời hạn đã qua rất lâu.
Những doanh nghiệp chây ì
Trong khi những cái tên như DPM, FPT, BHS, BBC, DHG, SMC, HPG… tại HOSE hay DBC, TMC, XMC, SD6… tại HNX khá nghiêm túc khi thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin, thì những gương mặt như NTB, MCV, ITA, JVC, AGC, BLF, BTS, HBE, LM3, NVC, PTS, PXH, S27, S74, S96… lại chây ì trong việc công bố kết quả kinh doanh, bất chấp hai Sở Giao dịch từng nhiều lần có công văn không chấp thuận đề nghị gia hạn.
Điển hình như Sở GDCK TPHCM (HOSE) đã có công văn bác bỏ đề nghị gia hạn báo cáo tài chính của CDC và MCV từ ngày 30/01/2012 nhưng hai doanh nghiệp này vẫn “giả đò” im hơi lặng tiếng.
Thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp vẫn nín thin thít, không hề có công văn gia hạn hoặc giải thích lý do chậm trễ công bố báo cáo tài chính. Và cũng đáng thất vọng hơn khi cơ quan quản lý không có động thái nhắc nhở, hoặc cảnh cáo đối với các doanh nghiệp như đã từng thực hiện khi cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn nhiều phiên liên tục khiến nhà đầu tư có cảm giác các hoạt động giám sát của các Sở thực hiện chưa nghiêm.
MSN có tiền mặt khủng
Thống kê 43 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011, tổng mức lãi ròng mà các doanh nghiệp này đạt được là 11,631 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng lợi nhuận toàn thị trường (chưa bao gồm chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư).
Trong số các doanh nghiệp này, DPM dẫn đầu về lợi nhuận năm 2011 với hơn 3,103 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra cho cả năm là 1,430 tỷ đồng. Trong năm 2012, Tổng công ty này dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 70% so với năm 2011. Và nếu việc phân phối Đạm Cà Mau được Chính phủ chấp thuận sẽ là một lợi thế rất lớn đối với DPM.
DPM cũng sở hữu một lượng tiền và tương đương tiền khá lớn với trên 4,070 tỷ đồng, vượt xa so với vốn điều lệ 3,800 tỷ đồng và chiếm chủ yếu trong tổng tài sản 6,049 tỷ đồng của DPM.
Bảng 1: Top 10 doanh nghiệp lãi hợp nhất lớn
Mặc dù chỉ đứng thứ hai sau DPM, nhưng lợi nhuận của MSN chênh lệch khá lớn. Năm 2011, MSN đạt lợi nhuận sau thuế gần 1,970 tỷ đồng, giảm gần 14% so với mức 2,283 tỷ đồng của năm trước. Tuy nhiên, MSN lại sở hữu lượng tiền và tương đương tiền mà rất nhiều doanh nghiệp thời điểm này mơ ước với trên 9,573 tỷ đồng, tăng hơn 6,200 tỷ đồng so với năm trước.
Tổng tài sản cũng như tổng nguồn vốn của MSN tính đến hết năm 2011 trên 32,995 tỷ đồng, tăng hơn 11 ngàn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2010.
FPT đứng thứ 3 trong top 10 với lợi nhuận sau thuế với trên 1,691 tỷ đồng, mới đạt 78.5% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, so với năm ngoái, FPT vẫn có sự tăng trưởng nhất định với tỷ lệ 33.75%.
FPT cũng sở hữu lượng tiền mặt và tương đương tiền đứng thứ 3 sau DPM với trên 2,900 tỷ đồng, tăng thêm 1,500 tỷ đồng so với năm trước, không loại trừ đây là số tiền thu hồi được sau thương vụ mua lại EVN Telecom thất bại. Trong đó, hơn 1,741 tỷ đồng được gửi tại ngân hàng, và trên 1,131 tỷ đồng cũng là tiền gửi ngân hàng nhưng có kỳ hạn dưới 3 tháng. Số tiền mặt này sẽ giúp FPT có thể dễ dàng xoay sở trong năm 2012.
HPG là doanh nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ thứ tư đã công bố báo cáo hợp nhất năm 2011, với hơn 1,223 tỷ đồng. Cũng như FPT, HPG cũng chỉ thực hiện được 65.6% kế hoạch cả năm, không những vậy lợi nhuận năm 2011 của HPG còn giảm gần 10% so với năm 2010.
Việc HPG tung ra dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội trong bối cảnh bất động sản trầm lắng năm 2011 khiến kết quả kinh doanh của công ty không đạt như ý muốn. Tuy nhiên, với lượng tiền và tương đương tiền tính đến hết năm 2011 hơn 1,064 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng giúp HPG có được nguồn tài chính vững mạnh bất chấp bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Bảng 2: 10 doanh nghiệp lãi hợp nhất thấp
Ở chiều ngược lại, IFS lỗ sau thuế hợp nhất cả năm là 56.71 tỷ đồng. Đây là năm lỗ thứ 3 tính từ năm 2008 trở lại đây của IFS. Chỉ riêng quý 4, công ty đã lỗ đến 42.45 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong năm. Tính đến hết năm 2011, mức lỗ lũy kế của IFS xấp xỉ 350 tỷ đồng. Theo giải thích của công ty, việc lạm phát vẫn còn ở mức cao nên người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến đến các sản phẩm tiêu thụ khó khăn, trong khi các khoản chi phí tiếp tục tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động kinh doanh lỗ trong quý 4 và cả năm 2011.
Đại diện Ban Giám đốc của IFS cho biết sẽ nỗ lực điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đồng thời cơ cấu lại tổ chức sản xuất và bán hàng nhằm đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm 2012.
Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận hợp nhất thấp, hầu hết đều sụt giảm so với năm 2010, như DHC đạt vỏn vẹn 141 triệu đồng, bằng 0.5% so với năm trước, hay HLA bằng 19.37% khi đạt chưa đến 3 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên cá biệt cũng có STCTPP lãi ròng vượt năm ngoái dù xét về giá trị tuyệt đối không phải là con số lớn. Cụ thể, STC đạt trên 11 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 11% so với năm trước và TPP tăng trưởng hơn 23.4%, đạt hơn 7.14 tỷ đồng.
Nhưng nếu xét về tăng trưởng lợi nhuận trong số 43 doanh nghiệp này thì DPR dẫn đầu khi tăng 115%, từ 394 tỷ đồng năm 2010 vọt lên 849 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giá cao su và lượng hàng bán ra tăng cao.
HVG xếp thứ hai với tăng trưởng 96% đạt 429 tỷ đồng và DPM, FPT lần lượt xếp thứ 3, 4 với mức tăng trưởng 83% và 33.7%.
Tổng lợi nhuận 61,795 tỷ đồng
Xét trên tổng thể toàn thị trường, tổng lợi nhuận năm 2011 của các doanh nghiệp niêm yết đạt trên 61,795 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 58 doanh nghiệp báo lỗ với số tiền hơn 3,975 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng 15 công ty chứng khoán đã chiếm trên 1,963 tỷ đồng. 9 công ty chứng khoán “may mắn” báo lãi ròng với số tiền hơn 668.64 tỷ đồng.
Bảng 3: Top 10 doanh nghiệp lãi lớn
Đơn vị tính: Tỷ đồng

Bảng 4: Top 10 doanh nghiệp lỗ nhiều
Đơn vị tính: Tỷ đồng

Bảng 5+6: Kết quả kinh doanh CTCK
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Viết Vinh (tổng hợp)



Xem bài viết: Chỉ có 43 báo cáo hợp nhất được công bố