Trò chơi thanh khoản: lộ diện nhóm lợi ích NH
Trò chơi thanh khoản" thì vẫn tiếp tục kéo dài và trầm trọng thêm những nguy cơ đối với hệ thống ngân hàng. Điều này, nhiều người biết nhưng đến nay vẫn chưa thể sớm khắc phục.
Sau phần 1 bài Trần lãi suất huy động 14%: Công cụ của "Trò chơi thanh khoản"?, chúng tôi xin giới thiệu phần II của bài viết. "Trò chơi thanh khoản" thì vẫn tiếp tục kéo dài và trầm trọng thêm những nguy cơ đối với hệ thống ngân hàng. Điều này, nhiều người biết nhưng đến nay vẫn chưa thể sớm khắc phục.
Thanh khoản làm khó lãi suất
Vẫn còn từ 5-8 NH thương mại nữa cần được sắp xếp lại, như một thông tin gần nhất của thống đốc Nguyễn Văn Bình trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 11/1, cũng như cuộc trao đổi trực tuyến với người dân vào ngày 12/1/2012.
Tức tình trạng thiếu hụt thanh khoản của một số NH vẫn chưa hề có triển vọng kết thúc. Thanh khoản NH cũng là một "khó khăn" mới được Nguyễn Văn Bình nêu ra, như một trong những nguyên nhân chủ yếu để NHNN chưa thể giảm lãi suất.
Một thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết thanh khoản chỉ có thể được bảo đảm sau khi NHNN hoàn thành công việc tái cấu trúc những NH cần kiểm soát đặc biệt.
Nếu như trước đây vấn đề hạ lãi suất cho vay được NHNN cố ý trì hoãn với lý do lạm phát "giảm chưa bền vững", thì sau khi chỉ số lạm phát đã giảm dưới mức 1% trong 5 tháng liên tiếp, sự khó khăn về thanh khoản của các NH lại được đưa ra như một lý do mới mẻ để tiếp tục tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất tiếp tục neo cao, để các NH thương mại tiếp tục "ngồi mát ăn bán vàng".
Sự thất vọng lớn lao đã lại một lần nữa đến với các doanh nghiệp và dư luận khi thống đốc Bình lại một lần nữa không trưng ra bất cứ lộ trình nào cho việc giảm lãi suất, cả huy động lẫn cho vay.
Điều đáng nói là trong hoàn cảnh rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với cái chết khó tránh khỏi nếu tình trạng thắt chặt tín dụng được duy trì thêm 6 tháng nữa, cùng với con số không thể thống kê được về lượng công nhân mất việc làm hoặc bán thất nghiệp, hoặc không nhận đủ lương..., mà có thể dẫn đến những vấn nạn xã hội không lường được, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn tiếp tục treo cao như một sự thách đố đối với công bằng xã hội.
Vậy còn nguyên do nào khác để NHNN không làm cái điều tối cần thiết là giảm lãi suất cho vay?
Tại hội nghị ngành ngân hàng vào giữa tháng 12/2011, một số giám đốc NH thương mại lớn như BIDV đã không hề kêu ca về chuyện khó khăn thanh khoản. Ngược lại, họ đồng thuận cao với chủ trương giảm lãi suất. Trong bước đi tiên phong của mình, từ tháng 9/2011 đến nay, BIDV đã 4-5 lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất.
Lý do "khó khăn thanh khoản" do NHNN nêu ra cũng khó có thể mang tính thuyết phục cao khi chính cơ quan này đã xúc tiến thành lập nhóm "G12 + 1" vào tháng 9/2011. Quy mô của nhóm NH lớn này là rất đáng kể, chiếm đến 85% thị phần tín dụng. Khi đó, một số chuyên gia đã đánh giá rằng chỉ cần 12 NH lớn thống nhất cho vay thì không những lãi suất cho vay hoàn toàn có thể giảm được, doanh nghiệp có thể được vay nhiều hơn, mà bản thân các NH lớn cũng giải phóng được lượng vốn bị ứ đọng không sinh lời nằm trong két của mình.
Thủ phạm và nạn nhân
Cho tới giờ, nhìn lại và ngẫm lại, mới thấy vô tình hoặc hữu ý, trò chơi được bắt đầu bằng lãi suất huy động - như một cái cớ, và chỉ được kết thúc bằng "đòn" thanh khoản. Còn lãi suất cho vay, cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất, chỉ là những "nạn nhân" của trò chơi này.
Điều rõ ràng nhất là sau khi trần lãi suất huy động đã hoàn thành nhiệm vụ khởi đầu của nó, chiến dịch sáp nhập các NH đã được khởi xướng bằng vũ khí thanh khoản. Để sau đó, trần lãi suất huy động 14%/năm dường như bị "buông" vì không còn tác dụng về mặt chiến thuật nữa.
Với logic diễn tiến từ quá khứ như thế, chúng ta có thể suy đoán là trong tương lai không xa, khi còn từ 5-8 NH thương mại nữa cần được "tái cấu trúc", "trò chơi thanh khoản" vẫn tiếp diễn sự nhấn nhá vừa lên xuống vừa "hành hạ" của nó. Lãi suất liên NH vì thế cũng có thể được tái hiện hình ảnh điên loạn của lạm phát thêm một lần nữa.
Khi đó, như một kẻ bị bỏ rơi, lãi suất huy động lại có cơ hội để "đi bụi", các NH thương mại nhỏ và kể cả lớn, lại tha hồ "đi đêm" với khách hàng với mức lãi suất lên đến 20% hoặc hơn. Hệ quả là lãi suất cho vay, vốn đã chưa từng được giảm thực chất, lại có cớ để duy trì hoặc được đẩy lên cao hơn mức hiện nay. Ngay trước Tết Nhâm Thìn, một ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay lên đến 25%/năm.
Dự đoán trên là có cơ sở, bởi sau động thái ban hành công văn số 78 ngày 10/1/2012 của NHNN về chấn chỉnh việc "lách" trần lãi suất huy động 14%/năm, khác hoàn toàn với tính nóng sốt của chiến dịch hậu kiểm vào tháng 9/2011, cho tới nay lại chưa có bất kỳ kết quả nào về việc xử lý vi phạm. Còn thống đốc NHNN lại thuyết minh thêm là những khách hàng gửi tiền quá mức trần lãi suất huy động thì cũng bị xem là "tòng phạm"!
Liệu Thủ tướng có biết?
Vậy "trò chơi thanh khoản" được tạo dựng bởi ai? Trò chơi này nhằm mục đích gì? Và có hay không quyền lợi của các nhóm lợi ích trong khối NH?
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân vào ngày 12/1/2012, người đứng đầu NHNN đã cho rằng không có lợi ích nhóm trong tổng thể NH, mà chỉ có lợi ích cục bộ của từng NH.
Chỉ có điều, cái lợi ích cục bộ như thế đã hình thành và tồn tại từ quá lâu nay, kết dính với nhau để phát tác thành tính hệ thống. Mà đã là hệ thống thì ngay cả một cơ quan quản lý như NHNN cũng không loại trừ có thể bị biến thành một loại NH đặc biệt.
Đó là vào lúc kết thúc, trò chơi mới lộ ra kết quả độc đáo của nó. Nhưng ở một khí cạnh khác, đạo diễn trò chơi cũng phải lộ mặt.
Và khi đã nhận ra được khuôn mặt của đạo diễn "trò chơi thanh khoản", người ta mới thấy là phương thức tổ chức và con đường diễn tiến của lãi suất và thanh khoản là không khác mấy so với những gì đã diễn ra trong thị trường vàng.
Bởi cũng như hình ảnh lãi suất cho vay treo cao ngất, nạn đầu cơ vàng với giá chênh lệch quá cao so với giá thế giới vẫn chưa ngưng nghỉ trong suốt gần nửa năm qua.
Cần nhắc lại, vào đầu tháng 12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu NHNN phải nhanh chóng giảm lãi suất, nhưng lại giao cho cơ quan này quyết định về thời điểm kéo giảm.
Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ "quyết định" đó. Nhưng điều nghịch lý lại xảy ra là trong khi toàn bộ vận mệnh phục hồi của nền kinh tế Việt Nam dường như được tập trung chỉ vào một người - thống đốc NHNN, thì vẫn chưa có bất kỳ một kết quả nào đáp ứng cho lời hứa giảm lãi suất trước Quốc hội.
Mặt bằng lãi suất huy động và đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được lãnh đạo NHNN treo cao vô định, với những lý do "mới phát hiện" như thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thời vụ trong sản xuất, kinh doanh - điều hoàn toàn khác biệt so với căn cứ "chỉ cần lạm phát giảm là cơ sở để hạ lãi suất" của thống đốc NHNN trước Quốc hội. Còn "trò chơi thanh khoản" thì vẫn tiếp tục kéo dài thời gian vô định của nó...
Viết Lê Quân
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Trò chơi thanh khoản: lộ diện nhóm lợi ích NH