Chứng khoán tăng trong nghi ngờ
Đâu là cái lý của dòng tiền?
“Tăng trong nghi ngờ” (biệt ngữ của giới tài chính quốc tế: climbing a wall of worry) luôn là con sóng tăng khó chịu nhất trên thị trường chứng khoán. Mọi thứ vẫn bất ổn, sự sợ hãi vẫn còn, tương lai chưa rõ ràng. Nhưng bất chấp tất cả, chứng khoán vẫn tăng điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến ít nhất hai sóng tăng như vậy. Trước đây là con sóng tháng 3.2009 và hiện tại là con sóng tháng 1.2012. Đủ mọi lý lẽ phản biện trái ngược nhau: người mua chấp nhận “liều”, còn người bán sợ hãi chớp thời cơ cắt lỗ. Hành động nào cũng có lý lẽ riêng và không thể phản biện đầy đủ.
Định nghĩa của giới tài chính về con sóng tăng dạng này, là một thực tế mà giá cổ phiếu cứ tăng bất chấp những bất ổn trên thị trường. Đặc điểm của con sóng này là thanh khoản thường rất thấp khiến một bộ phận lớn giới đầu tư không tin tưởng vào sự chắc chắn hoặc bền vững của thị trường.
Đó chính là những gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 1.2012 đến nay. Rất, rất nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ cuộc chơi ngay từ đầu. Đến khi nhìn lại, hoá ra rất nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng tới hàng chục phần trăm chỉ trong một tháng.
Một thống kê cho thấy sự tương đồng giữa các con sóng tăng trong nghi ngờ. Riêng trong tháng 1 vừa qua, VN-Index tăng khoảng 19,3% với thanh khoản bình quân 24,2 triệu cổ phiếu/phiên. Con sóng tăng tháng 3.2009 cũng giúp VN-Index tăng 19%, thanh khoản bình quân 16,6 triệu cổ phiếu/phiên. Con sóng tăng giữa tháng 8 và tháng 9.2011 vừa qua được xem là chắc chắn, cũng chỉ đạt mức tăng 22% nhưng với thanh khoản bình quân 37 triệu cổ phiếu/phiên.
Chừng nào dòng tiền còn vận động mạnh trong thị trường thì giá còn biến động và khả năng chớp thời cơ hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi người.

Việc cổ phiếu tăng giá nhưng khối lượng giao dịch rất thấp trên phương diện phân tích kỹ thuật là không an toàn, độ rủi ro cao, vì các tổ chức đầu tư lớn không thể mua bán một cách dễ dàng. Do mức độ giải ngân vốn lớn, mối quan tâm hàng đầu của họ là tính thanh khoản. Ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nhỏ vẫn có thể tham gia và trong chừng mực nào đó, đã quản lý vốn tốt hơn các tổ chức chuyên nghiệp. Thậm chí năm 2009, sóng tăng trong nghi ngờ trên nhiều thị trường chứng khoán quốc tế còn bỏ lại đằng sau cả những tổ chức đầu tư, những nhà quản lý quỹ sừng sỏ.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong một tháng qua, có hai giai đoạn khá rõ ràng của con sóng. Giai đoạn một kéo dài từ khoảng 9.1.2012 đến 30.1.2012. Trong 11 phiên tăng liên tục này, VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,3% nhưng giá trị giao dịch cả hai sàn hàng ngày chỉ đạt xấp xỉ 379 tỉ đồng. Quy mô giao dịch này là cực thấp so với bình quân trước đó, rất giống với thời điểm tháng 1 – 2.2009.
Giai đoạn hai mới diễn ra được 6 phiên gần đây, nhưng giá trị giao dịch mỗi ngày lại đạt tới 771 tỉ đồng, tức là gấp đôi mức vốn vào thị trường của bình quân 11 phiên trước đó.
Như vậy có thể thấy dòng tiền chậm chân mới chỉ tham gia thị trường vài phiên và ngay lập tức giúp thanh khoản cải thiện. Có thể nói đây là dòng vốn sửa sai vì áp lực lợi nhuận không cho phép các tổ chức lặp lại sai lầm hoặc tỏ ra quá chậm chạp trước các biến động mạnh của thị trường.
Sự phân cực trong quan điểm đánh giá cơ hội phục hồi vẫn còn nguyên. Với những người lạc quan, khi những gì xấu nhất của kinh tế vĩ mô đã qua đi, tức là thị trường đã qua đáy. Khi chính sách tiền tệ thắt đủ chặt tức là không thể chặt thêm nữa. Điều đó đồng nghĩa với các tin xấu đã được phản ánh hết vào thị trường. Ngược lại, những người bi quan vẫn cho rằng tình trạng trì trệ không thể gỡ bỏ ngay trong vài tháng mà cần thời gian dài hơn. Chính sách tiền tệ thắt đủ chặt không có nghĩa là sẽ sớm nới lỏng. Đó là chưa kể đến rất nhiều ẩn số như khả năng giảm lãi suất, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và công ty chứng khoán…
Thị trường chứng khoán luôn tồn tại những nghịch lý khó lý giải và có lý lẽ riêng của nó: cái lý của dòng tiền.
Hoàng Nguyên
Sài Gòn Tiếp thị



Xem bài viết: Đâu là cái lý của dòng tiền?