Đừng để ngân hàng lấn át doanh nghiệp
Điều đáng lưu tâm nhất là cuộc tái cấu trúc ngân hàng sẽ tạo ra diện mạo như thế nào cho toàn hệ thống.

Thách thức lớn mà cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính ngân hàng phải giải quyết là làm sao biến những quan hệ tài chính thiếu lành mạnh thành những quan hệ lành mạnh. Từ lâu nay, tính minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng thương mại chưa được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ. Do đó, phải coi tái cấu trúc là cơ hội để cải thiện vấn đề này.
Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, lý do và các giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước đề ra là hợp lý. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất là biến các ngân hàng trở thành “bà đỡ” thực sự về vốn cho các doanh nghiệp lại chưa được đề cập. Ngân hàng là kênh huy động vốn chính yếu của cả nền kinh tế, nhưng trong lúc lạm phát cao, nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí phá sản thì nhiều ngân hàng lại công bố những con số lợi nhuận năm 2011 cao kinh ngạc.
Chẳng hạn, Vietinbank có mức lợi nhuận trước thuế 4.378 tỉ đồng năm 2011, tức là tăng đến 48% so với năm 2009. Không thể phủ nhận, mức lợi nhuận rất cao là kết quả đến từ nỗ lực quản trị rủi ro, đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng và huy động vốn rẻ qua thị trường liên ngân hàng. Tuy vậy, ông Tiền tin rằng nguyên nhân lớn nhất chính là sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
“Khi lãi suất huy động ở mức 19%/năm thì lãi suất cho vay lên tới 24-25%/năm. Khi Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất huy động không vượt quá 14%/năm, lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức 19-20%/năm. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay là 5-7%”, ông Tiền nói. Trong khi trên thế giới các nhà băng chỉ duy trì mức chênh lệch từ 3,5-4% là đã đảm bảo lợi nhuận.
Nhìn nhận một cách khách quan, đây không phải lỗi của ngân hàng bởi họ cũng là doanh nghiệp, hoạt động vì lợi nhuận. Như vậy, không thể thuyết phục ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay.
Đó là lý do ông Tiền đề xuất, mục tiêu lớn mà quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải đạt được là nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ngân hàng có thể hình thành những ngân hàng quy mô lớn hoặc rất lớn, có thể dẫn tới sự độc quyền tự nhiên trong lĩnh vực tín dụng. Nếu điều đó xảy ra, tác động đối với toàn bộ nền kinh tế sẽ ngược lại. Khi ấy, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng càng cao thì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp - đối tượng đi vay - càng giảm.
Vì vậy, tái cấu trúc phải hướng đến tạo nên một thị trường ngân hàng thực sự cạnh tranh, trong đó các ngân hàng có thể tự động giảm lãi suất cho vay. “Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần quản lý khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời kiểm soát chặt việc thực thi, là đủ”, ông Tiền nhận định.
Thành Trung
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Đừng để ngân hàng lấn át doanh nghiệp