Trần lãi suất 14%: Công cụ của "Trò chơi thanh khoản"?
Vào đầu tháng 12/2011, khi sự kiện hợp nhất đầu tiên diễn ra với 3 ngân hàng (NH) thương mại Ficombank, TinNghiaBank, SCB thì hiện tượng phá trần lãi suất lại tái hiện. Tuy kín đáo hơn thời gian trước đó nhưng cũng bắt đầu xuất hiện tính không giới hạn về phạm vi tác động.

Một sự trùng hợp về thời điểm giữa hai sự kiện trên chăng?. Song nếu là trùng hợp ngẫu nhiên thì tại sao lại diễn ra một chuỗi vận động có tính hệ thống: tình trạng thiếu hụt trầm trọng về thanh khoản của 3 NH Ficombank, TinNghiaBank, SCB trước khi chính thức hợp nhất, và trần lãi suất huy động 14%/năm đã chính thức bị "phá bỏ" trong ít nhất hai tháng qua?
Những trò chơi độc đáo luôn có đặc điểm là ngay cả người tham gia cũng không thể biết rõ là mình đã bị biến thành trò chơi của người khác. Có lẽ trò chơi chỉ được định hình nét độc đáo của nó khi những người tham gia suy ngẫm lại đường đi của trò chơi này.
Trần lãi suất : khởi đầu của trò chơi
Vào tuần cuối tháng 8/2011, trong bối cảnh chỉ số lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm sau khi lập đỉnh trong năm, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã nêu khả năng về phương án giảm lãi suất.
Trước đó, như tất cả chúng ta còn nhớ, lãi suất huy động đã bị biến thành một cái "chợ", bất chấp Thông tư 02 của NHNN quy định mức trần 14%/năm từ những tháng đầu năm 2011. Rất mau chóng, lợi ích của từng NH thương mại là trên hết. Tình hình khó khăn về vốn đã khiến đa số NH thương mại lao vào cuộc đua cạnh tranh huy động vốn từ khách hàng. Từ đó, lãi suất huy động đã nhảy vọt lên mức 19-20%, thậm chí 21%. Hệ quả quá lớn của cái "chợ" hỗn tạp này là mặt bằng lãi suất cho vay đã bị chính các NH thương mại đẩy lên đến 25-27%.
Kỷ cương và tính nghiêm minh trong điều hành lãi suất của NHNN cũng vì thế đã tiệm cận với trục hoành, nếu ai đó tổ chức một cuộc khảo sát bỏ túi.
Nhưng cuộc cách mạng về kỷ cương lãi suất đã với chỉ thị 02 đã thiết lập lại trần lãi suất huy động 14%/năm.
Lần đầu tiên sau nhiều tháng, "chợ lãi suất" đã được bình ổn giá đầu vào. Cũng lần đầu tiên sau nhiều tháng, lời nói đã đi đôi với việc làm trong ngành NH. Chỉ một ngày sau Chỉ thị 02, NHNN đã có thống kê chính thức về tình hình tuân thủ lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NH thương mại.
Hai ngày sau Chỉ thị 02, cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NHNN Việt Nam đã kiểm tra đột xuất một số TCTD tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình và TP.HCM có dấu hiệu vi phạm lãi suất huy động trên 14%/năm. Chỉ một tuần sau Chỉ thị 02, hai NH DongABank và Agribank đã bị xử lý nghiêm khắc do chi nhánh của những NH này vi phạm trần lãi suất 14%/năm.
Một tháng sau Chỉ thị 02, một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Thanh tra NHNN với Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công đã được thao tác trong việc kiểm tra chi nhánh Tân Bình của NH Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank). Kết quả, như mọi người đều biết, án phạt rất nặng. Thậm chí, án hình sự còn treo lơ lửng trên đầu HDBank.
Niềm tin xã hội được tái gia cố. Các doanh nghiệp khấp khởi mong chờ cái thòng lọng được tháo bỏ. Hy vọng cho sự tái phục hồi từ đình đốn kinh tế lại hé rạng.
"Cuộc cách mạng" tiếp theo: Thanh khoản
Vào đầu năm mới 2012, trong một hội nghị ngành NH, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng đã thừa nhận: "Trên thực tế, kỷ cương lãi suất huy động trên thị trường NH chỉ giữ được từ ngày 7/9 đến hết tháng 9/2011. Còn từ tháng 10/2011 đến nay, đặc biệt là tháng 12/2011, thị trường NH đang phải chịu đựng tình trạng mặc cả lãi suất, song không dễ phát hiện, không dễ tố cáo".
Tuy không dễ phát hiện, nhưng những NH lớn có thói quen tuân thủ quy định về trần lãi suất huy động, đã lại bức xúc khi phải "tố cáo" mức lãi suất thỏa thuận" đang có chiều hướng tiệm cận mốc 20% tại một số NH nhỏ.
Còn trên "mặt trận" lãi suất cho vay, trên thực tế chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đạt được mơ ước "tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ" ở mức lãi suất 15-16%/năm.
Cũng trên thực tế, niềm tin xã hội lại một lần nữa rơi vào trạng thái thất vọng. "Cuộc cách mạng" về lãi suất của NHNN đã không hoàn tất cái kết cục cần có của nó. Thay vào đó, cuộc cách mạng này lại rơi vào chủ nghĩa "chiết trung" (dừng ở đoạn giữa).
Án phạt đối với HDBank cũng đánh dấu thành công cuối cùng của chiến dịch Chỉ thị 02. Sau khi đã không có một án hình sự nào cho NH vi phạm này, một "cuộc cách mạng" khác đã diễn ra mà không cần sự tuyên bố.
Từ giữa tháng 10/2011, đột nhiên lãi suất liên NH trong thị trường II tăng mạnh. Ban đầu mức tăng đến 16% đã được xem là khá cao. Nhưng sau đó, lãi suất liên NH đã tái hiện hình ảnh của chỉ số lạm phát với mức tăng đến 23%. Thậm chí có thời điểm đến 30%.
Một sợi dây thòng lọng khác được thắt nút, nhưng lần này không phải với doanh nghiệp, mà nhắm đến chính một số NH thương mại nhỏ. Đó cũng là những NH bị xem là yếu kém, bị dư luận nhỏ to đồn đoán về một danh sách "đen" nào đó của NHNN chứa đựng những NH như thế.
Tình hình trở nên hỗn loạn trên thị trường liên NH trong suốt tháng 10/2011. Hàng loạt NH thương mại nhỏ, dù trước đó chưa từng kêu ca về chuyện "thỏa thuận" lãi suất huy động với khách hàng, lại buộc phải kêu thét về cái giá cắt cổ mà họ phải đi vay từ các NH lớn.
Một chuyên gia NH và cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, ông Trần Hoàng Ngân - vào thời điểm đó đã đánh giá: tác động điều chỉnh của NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14% một năm lên 15%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH từ 14% lên 16% mỗi năm, áp dụng từ ngày 10/10 cũng là một nhân tố đẩy lãi suất liên NH dâng cao. Và một khi lãi suất liên NH đã tăng cao thì nó cũng giống như cơn bệnh đã lộ ra, tức dấu hiệu lâm sàng của căn bệnh thiếu thanh khoản.
Có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng "bất ngờ" thiếu hụt thanh khoản của một số NH thương mại. Nhưng về mặt thời điểm, rõ ràng chỉ từ khi NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn, những NH bị liệt vào loại "có vấn đề" mới thật sự phải đối mặt với chọn lựa sinh tồn.
Được "lựa chọn" đầu tiên, vấn đề tồn vong của 3 NH thương mại Ficombank, TinNghiaBank, SCB không phải gì khác hơn là cơn khủng hoảng thanh khoản.
Tuy vậy, trò chơi mới chỉ bắt đầu.
Sau trung tuần tháng 10/2011, một sự bất ngờ nữa lại xảy đến khi NHNN nêu ra bốn quan điểm về tái cấu trúc hệ thống - nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong những năm tới. Và NHNN cho rằng, "Sáp nhập ngân hàng là xu hướng tất yếu".
Chỉ một tuần sau, bài toán xử lý những kẻ đói ăn đã được giải quyết phần nào: 5 hoặc 6 NH, mỗi NH sẽ được NHNN tái cấp vốn từ 1.000 đến 5.000 tỷ đồng, và đương nhiên các khoản tái cấp vốn này đều được gắn kèm với điều kiện ngặt nghèo của nó.
Rất có thể, trước đó những ông chủ của các NH "có vấn đề" đã không thể hình dung họ bị đẩy vào một tình thế buộc phải "ngửa tay xin bố thí". Nói cách khác, họ đã không thể biết "trò chơi thanh khoản" được hình thành như thế nào. Kết cuộc của trò chơi này chỉ được nhận ra khi mọi sự đã an bài, khi phần thắng chắc chắn đã nằm trong tay kẻ cầm chịch.
Viết Lê Quân
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM



Xem bài viết: Trần lãi suất 14%: Công cụ của "Trò chơi thanh khoản"?