http://www.thesaigontimes.vn/home/ta...ngkhoan/24853/

Texas Pacific Group và cuộc “hôn nhân” lần hai ở Việt Nam

(TBKTSG) - Trong số những nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài bỏ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay, việc Texas Pacific Group (TPG) đầu tư vào tập đoàn FPT tháng 10-2006 là một trong những “phi vụ” thành công, mang lại lợi nhuận lớn nhất được ghi nhận. Gần 36 tháng sau “cú” kinh doanh ngoạn mục đó, TPG quay trở lại Việt Nam bằng một khoản đầu tư thứ hai có quy mô tương tự, với một tên tuổi mới: tập đoàn Masan (Masan Group).

Tập một: TPG - FPT và khoản lợi nhuận gấp bốn lần vốn đầu tư

Quí 4-2006 thị trường chứng khoán trong thời điểm sôi động. Khi đó các công ty ào ạt nộp hồ sơ niêm yết để lên sàn trước ngày 31-12-2006 nhằm được hưởng ưu đãi thuế. Tập đoàn FPT cũng không nằm ngoài số đó. Chỉ hai tháng trước phiên giao dịch đầu tiên ở sàn TPHCM (HOSE), ngày 24-10-2006 FPT ký hợp đồng chính thức bán 10% cổ phần cho TPG thông qua hai đối tác TPG Ventures và Intel Capital với giá 36,5 triệu đô la Mỹ.


Lúc bấy giờ vốn điều lệ của FPT là 608 tỉ đồng và 10% là 60,8 tỉ đồng, tính ra TPG đã mua FPT với giá 100.000 đồng/cổ phiếu (trên mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).

Ngoài thị trường OTC, cổ phiếu FPT khi ấy có giá cao gấp 1,5 lần giá mua của TPG, song ở vai trò “cổ đông chiến lược”, việc được mua với giá thấp hơn của TPG cũng là dễ hiểu.

Theo cam kết, TPG phải nắm giữ cổ phiếu FPT ít nhất sáu tháng kể từ khi FPT chào sàn. 180 ngày không phải là thời gian dài và TPG đã nhìn thấy sự thành công của mình ngay ngày đầu tiên khi cổ phiếu FPT được giao dịch với giá 400.000 đồng/cổ phiếu. TPG đã đợi đúng sáu tháng và khi thời hạn kết thúc, họ bắt đầu bán ra cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh trên HOSE.

Thời điểm TPG thoái vốn cũng là lúc cổ phiếu FPT giảm hàng chục phiên liên tục. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu FPT ở mức giá cao (đỉnh của cổ phiếu FPT là 665.000 đồng) đã không khỏi ngỡ ngàng vì sự sụt giảm kéo dài và bất ngờ đó. Họ chỉ hiểu ra khi nắm được thông tin TPG đang thoái vốn.

Ngày 24-7-2007, đúng chín tháng sau ngày ký hợp đồng bán 10% vốn cho TPG, cổ phiếu FPT rớt xuống 267.000 đồng/cổ phiếu (sau khi thực hiện chia thưởng 50% bằng cổ phiếu), gần ngang giá ngày chào sàn đầu tiên. TPG đã thu được lợi nhuận gấp khoảng bốn lần giá vốn đầu tư vào FPT chỉ trong một thời gian ngắn.

Tập hai: TPG - Masan và lời kết phía trước

Sau FPT và suốt năm 2008, đặc biệt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, TPG cũng như các quỹ đầu tư quốc tế khác không ngừng tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Nhưng mọi tiếp xúc đã không mang lại kết quả cho đến Masan Group.

Không phải ngẫu nhiên TPG chọn Masan Group. Tập đoàn Masan là sự kết hợp của Công ty Thực phẩm Masan (Masan Food), đang ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nước tương, nước mắm, mì ăn liền, hạt nêm nhãn hiệu Chinsu, Omachi và Ngân hàng Techcombank. Masan Group nắm giữ 54,8% vốn của Masan Food và 19,99% vốn của Techcombank, cộng thêm sự hiện diện của hai công ty con là Hoa Phong lan và Hoa Bằng lăng sở hữu tổng cộng 18% cổ phần của Masan Food. Năm ngoái Masan Food đạt 380 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ 257 tỉ đồng và dự kiến lợi nhuận năm nay khoảng 650 tỉ đồng sau khi mới tăng vốn lên 630 tỉ đồng.

Cũng giống như khi chọn FPT năm 2006, TPG đặt vấn đề đầu tư vào Masan Group bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của tập đoàn này. Họ kỳ vọng ở Masan Group về năng lực khởi nghiệp, cũng như chiến lược phát triển kinh doanh đột phá sẽ được lặp lại ở những lĩnh vực kinh doanh mới.

Tuy nhiên, khi chấp nhận TPG làm cổ đông, Masan Group không phải “tay mơ”. Họ đã nghiên cứu kỹ cuộc “hôn nhân” ngắn ngủi của TPG với FPT. Họ không bán cổ phần trực tiếp cho TPG. Thay vào đó, ngày 30-9-2009, Masan Group phát hành ba trái phiếu chuyển đổi, mỗi trái phiếu có giá trị 180 tỉ đồng cho TPG Star Masan, TPG Star Masan II, TPG Star Masan III - các công ty con của TPG Star L.P, một quỹ đầu tư do TPG Growth quản lý.

Tiếp đó ngày 8-10-2009 họ phát hành thêm một trái phiếu chuyển đổi trị giá 90 tỉ đồng cho TPG Star Masan. Tổng cộng TPG đã có trong tay 630 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Masan Group.

Câu hỏi quan trọng là TPG phải nắm giữ số trái phiếu trên trong bao lâu và tỷ lệ chuyển đổi sẽ như thế nào? Trái phiếu chỉ được chuyển đổi thành cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2011 đến ngày đáo hạn ba năm sau kể từ khi Masan Group chính thức giao dịch trên HOSE. Masan Group vừa được HOSE chấp thuận cho niêm yết về mặt nguyên tắc ngày 26-10-2009.

Như vậy với Masan Group, TPG sẽ phải nắm giữ trái phiếu ít nhất 18 tháng mới được chuyển thành cổ phiếu, gấp ba lần thời gian nắm giữ cổ phiếu FPT và khi có cổ phiếu rồi, thời điểm nào cổ phiếu đó niêm yết bổ sung và giao dịch thì thời gian sẽ trả lời tiếp. “Hợp đồng hôn nhân” với Masan Group đặt TPG vào vị trí phải “chung thủy” hơn nhiều để thể hiện vai trò đối tác chiến lược, chứ không đơn thuần là đầu tư tài chính.

Vì sao TPG chấp thuận một cuộc “hôn phối” phức tạp và nhiều ràng buộc đến vậy? Vì ngoài cơ hội đầu tư vào Masan Food để có cơ hội tham gia vào sự “bùng nổ” tiêu dùng của Việt Nam trong tương lai (lĩnh vực bán lẻ và phân phối là mảng đang được nước ngoài chú ý), họ đầu tư luôn vào Techcombank, một ngân hàng cổ phần đang lên.

Trong vòng một năm rưỡi qua, với sự hỗ trợ của HSBC, cổ đông đang nắm 20% cổ phần, Techcombank đã có những bước tiến tương đối về quản trị rủi ro và tiết giảm chi phí nhờ ứng dụng công nghệ. Ngân hàng này đang cạnh tranh trực tiếp với vị trí thứ nhất và thứ hai của Á Châu và Sacombank trong khối tổ chức tín dụng cổ phần.

Sự trở lại của TPG, một tổ chức đầu tư tư nhân quốc tế đang quản lý 42 tỉ đô la Mỹ, cho thấy khả năng tìm kiếm lợi nhuận của nước ngoài ở thị trường đầu tư gián tiếp Việt Nam là khá lớn. Sắp tới, có thể sẽ có những tổ chức, quỹ đầu tư quy mô tầm cỡ khác vào Việt Nam. Sức hút của một thị trường cận biên như Việt Nam vẫn đầy hấp dẫn.

Cuối cùng, từ trường hợp của Masan Group, có thể các doanh nghiệp nội địa nay cũng đã có khả năng trực diện ở vị trí bằng vai phải lứa với các nhà đầu tư quốc tế trong các cuộc thương lượng, mua bán nhằm đảm bảo lợi ích công bằng của phía Việt Nam, để tạo nên các cuộc “hôn nhân” môn đăng hộ đối.

-------------

KL: Bảo trọng