Tin vào khả năng giảm lãi vay
Dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2012 chỉ tăng nhẹ so với mức tăng trong 5 tháng qua, tạo điều kiện tích cực cho mục tiêu hạ lãi suất cho vay trên thị trường trong các tháng tới đây.
Mức tăng nhiều kỳ vọng
Báo cáo tình hình KT-XH tháng 1.2012 vừa được Bộ KHĐT công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2012 chỉ tăng 1% so với tháng trước và như vậy, dù là tháng Tết Nguyên đán, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng qua chỉ tăng nhẹ so với mức tăng trong suốt 5 tháng gần đây. Đây cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 3 năm gần đây, trong đó CPI tháng 1.2010 tăng 1,36% và chỉ số này của tháng 1.2011 tăng tới 1,74%. Nếu so với nhiều năm trước nữa, con số 1% trong tháng 1.2012 cũng là một mức tăng ẩn chứa nhiều kỳ vọng. Thực tế ngoài tháng 1.2009, CPI tháng tết của nhiều năm gần đây đều vượt qua con số 1% trong đó năm 2004 tăng 1,1%, 2005 tăng 1,1%, 2006 tăng 1,2%, 2007 tăng 1,05%, 2008 tăng 2,38% và chỉ có năm 2009 tăng 0,32% sau khi cả năm 2008 tăng tới 19,89%.
Trong nhiều nguyên nhân giữ tốc độ tăng CPI ở mức thấp trong tháng qua, đánh giá của các bộ ngành cho thấy, có nhiều nguyên nhân do tác động của việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát trong đó có việc giảm mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán. Bên cạnh đó so với lượng tiền bơm ròng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm ngoái, lượng tiện bơm ròng trong dịp Tết Nhâm Thìn năm nay theo đánh giá chỉ bằng khoảng 1/5. Nhiều địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn sớm chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thiết yếu để ổn định giá cả trong dịp Tết Nguyên đán cũng là một yếu tố tác động tích cực đến việc kiềm chế chỉ số giá trong thời gian qua. Dù còn nhiều yếu tố tác động khác, song CPI của tháng 1.2012 được đa phần các bộ, ngành nhìn nhận như một tiền đề tích cực, một điều kiện đủ cho khả năng hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý nhằm duy trì sản xuất.
Nghe ngóng và cân nhắc
Với mức tăng 1% của CPI trong tháng 1 vừa qua, chủ trương giảm lãi suất trong thời gian tới có thêm những cơ sở chắc chắn bên cạnh bài toán thanh khoản của ngân hàng đang được NHNN tiếp tục giải quyết dứt điểm. Con số 1% trong tháng đầu tiên của năm mà theo thông lệ thường ở mức cao do nhu cầu tiêu dùng gia tăng dịp tết tạo thêm nhiều tin tưởng vào khả năng hiện thực hóa mục tiêu lạm phát một con số trong năm nay.
Đây cũng được coi là một tín hiệu thị trường tích cực để có thể từng bước giảm lãi suất trong thời gian tới. Song theo đại diện NHNN trong buổi họp báo Chính phủ chiều 4.2, NHNN sẽ phải cân nhắc về mặt thời điểm để tiến hành điều chỉnh, tránh gây ra tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Người đứng đầu NHNN – Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng khẳng định rằng, nếu mục tiêu lạm phát ở mức 9-9,5% đạt được vào cuối năm 2012 bên cạnh vấn đề thanh khoản ngân hàng được xử lý tốt, hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm.
Trong khi đó để giải bài toán thanh khoản cho các ngân hàng và nhằm hỗ trợ các ngân hàng đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp tết, NHNN bơm ra một lượng tiền tương đối lớn (khoảng 71.000 tỉ đồng) qua thị trường mở trước Tết Nguyên đán. Con số này gây ra những lo ngại về khả năng tạo thêm áp lực lên lạm phát trong thời gian tới. Song theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - bà Nguyễn Thị Hồng, ngay sau tết, cơ quan này tiến hành hút trở lại lượng vốn khoảng 57.000 tỉ đồng. Hơn nữa, lượng tiền được bơm ra trên thị trường mở (OMO) đều có kỳ hạn ngắn (hầu hết là 7, 14 ngày và chỉ có một số phiên 21 ngày). Chính vì vậy, các ngân hàng rất khó chuyển hóa lượng tiền vay mượn qua OMO nói trên thành tín dụng. Với việc bơm – hút hài hòa qua OMO, lượng vốn bơm ra nói dù rất lớn nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng được cho sẽ hầu như không tác động đến lạm phát những tháng đầu năm 2012.
Văn Nguyễn
lao động



Xem bài viết: Tin vào khả năng giảm lãi vay