Chứng khoán tăng tiếp trong ngắn hạn: Liệu có hoang tưởng?

(Vietstock) - Khác hơn với CTCK VNDirect (VND), nhịp điều chỉnh, mà sớm muộn cũng phải xảy ra sẽ chưa đến sớm vào lúc này.
Lại đánh đố!
Tuần này (6-10/2) sẽ tiếp tục là một thời gian thử thách nữa về xu hướng thị trường đối với nhà đầu tư và với cả hoạt động dự báo của… công ty chứng khoán.
Nhận định “xuống” thường là dễ hơn “lên”. Năm 2011 có thể phân thành hai giai đoạn cơ bản: trong nửa đầu năm, nhiều CTCK vẫn còn kỳ vọng vào chuyện “lập đáy” của thị trường, do đó nội dung dự báo phục hồi vẫn chiếm khoảng 50-60%, chỉ chưa đầy một nửa là bi quan. Nhưng sau cú lao dốc vào tháng 5 và đợt tăng điểm bất thành vào tháng 6, dường như nhiều CTCK đã thay đổi nhận thức và cả quan điểm của mình. Vì thế trong giai đoạn nửa sau của năm 2011, cùng với tiếng kêu than dậy đất của nhà đầu tư, có vẻ như một số CTCK chỉ cần copy nguyên văn nhận định “tiếp tục suy giảm” của tuần trước để dùng cho tuần sau đó thì vẫn bảo đảm nguyên giá trị.
Nhưng khi thị trường phục hồi, hoặc ít nhất đang có những dấu hiệu phục hồi như con sóng từ đầu tháng 1/2012 đến nay, điều đã đánh đố các CTCK trong quá khứ lại đang đánh đố một lần nữa trong hiện tại và tương lai gần.
Với quá nhiều lần dự báo sai về thị trường, hiển nhiên nhiều CTCK đang muốn tận dụng cơ hội để sửa sai. Nhưng với đặc điểm thị trường tăng còn phức tạp hơn nhiều so với lúc thị trường giảm, một số CTCK hình như đã chấp nhận quan niệm thà nói “nước đôi” còn hơn sai thêm một lần hay nhiều lần nữa.
Chẳng hạn trong dự báo cho tuần này, đa số CTCK giữ thái độ thận trọng theo cách “giằng co đi ngang,”, “tiếp tục điều chỉnh”, “rủi ro tăng cao”, “phòng thủ”…, những điều mà nếu nhà đầu tư nghiêm cẩn tuân thủ hết thì sẽ… tẩu hỏa nhập ma!
Tuy vậy, vẫn có vài “điểm sáng” về tinh thần lạc quan trong ngắn hạn. VNDirect là một trong số hiếm hoi đó. CTCK này, nổi lên từ khoảng giữa năm 2011 về những nhận định tương đối phù hợp với xu hướng của thị trường và do đó cũng trở nên “chuẩn” nhất, vẫn dành cho xu hướng hiện nay một triển vọng ít ỏi về tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn.
Sự hoang tưởng đến từ đâu?
Vào cuối tuần trước, một thông tin “bất ngờ” được Sở GDCK TPHCM đưa ra là chỉ số mới VN30 sẽ được tính ở mức 449 điểm vào ngày 6/2. Trước đó, đã có dư luận hoài nghi về khoảng cách cao hơn đến 10% của nhóm cổ phiếu trong VN30 so với thực trạng chỉ số thị trường.
Thông tin trên, theo cách nhìn của chúng tôi, có lẽ còn quan trọng và thú vị hơn nhiều so với cái thất vọng được tạo ra từ cơ chế trì hoãn “T+2” vô thời hạn. Bởi nếu căn cứ vào cách tính của Sở GDCK, rõ ràng là VNI còn phải… tăng tiếp.
Không những tăng tiếp, mà VNI còn phải tăng mạnh, tăng để “bù đắp” cái khoảng trống 10% đầy hứa hẹn kia. Lẽ dĩ nhiên, cách lý giải như vậy có vẻ khôi hài, thậm chí là hoang tưởng. Nhưng biết đâu đấy, cũng giống như bài toán loại suy trong nghệ thuật suy luận trinh thám mà nhà văn Anh Conan Doyle đã sáng tạo, khi đã loại trừ những khả năng không thể xảy ra thì chỉ duy nhất một khả năng có thể xảy ra, dù khả năng này có vô lý đến thế nào đi nữa.
Tính hoang tưởng vì thế đôi lúc cũng có tác dụng. Nhất là trong bối cảnh thị trường cứ lững lững đi lên trong vô số hoài nghi và cảnh báo.
Và có lẽ đó cũng là sự hoang tưởng của người viết bài. Khác hơn với CTCK VNDirect, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh, mà sớm muộn cũng phải xảy ra, sẽ chưa xảy đến vào lúc này.
Tuân theo logic của mình khi nhận định “Thị trường đã lập đáy!”, chúng tôi thấy không có lý gì với sự lập đáy cho ngắn hạn và có thể cho cả trung hạn như vậy, chỉ số chứng khoán lại “chịu” tạm dừng khi HNX chỉ mới tăng có 13%, so với 19% của VNI.
Ngay cả trong trường hợp HNX sắp tới có được “cho” phục hồi đến 20% thì cũng chưa hẳn là đỉnh cao nhất của nó, vì mức 20% mới chỉ là cái mà chỉ số này đã từng làm được vào tháng 6 và tháng 9 năm 2011.
Nhưng khác rất nhiều với hai đợt phục hồi ngắn trong năm 2011, con sóng tăng lần này lại được khởi động bởi một kích thích tố cực kỳ quan trọng: chính sách. Trong bối cảnh TTCK vẫn còn đầy rẫy khốn khó từ thực tế thiếu minh bạch và chưa có mấy CTCK được “tái cấu trúc”, chính sách là yếu tố có lý và đủ tính thuyết phục nhất để làm cho thị trường đi lên. Đặc biệt, chính sách đó nếu được gắn liền với một nguồn lực tài chính thì điều kiện cần đã xuất hiện.
Chính sách cũng là cơ sở luận của người viết bài trong việc đánh giá “Thị trường đã lập đáy!”. Việc quy chiếu về mối quan hệ với chính sách và nguồn lực tài chính đang dẫn tới hai khả năng chọn một: hoặc chúng tôi sai hoàn toàn, hoặc ngược lại.
Hiện tượng đồng pha đã bắt đầu
Một yếu tố có tính tác động phụ, cũng có thể bị xem là “hoang tưởng”, nếu chúng ta so sánh tính liên thông giữa TTCK Việt Nam và xu thế tăng trưởng của chứng khoán trên thế giới.
Nói “hoang tưởng” bởi trong suốt năm 2011, đã không hề có mối liên thông nào giữa VNI và Dow Jones, hay nói cách khác là “liên thông ngược”.
Nhưng chỉ vào cuối tuần trước, Dow Jones đã phá đỉnh lập vào tháng 5/2011 của nó. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq của Mỹ cũng đã lập đỉnh mới cho 11 năm. Tất cả những sự việc như thế chỉ có thể chứng tỏ cùng với yếu tố chính sách, chứng khoán Việt Nam đang diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới.
Vào đợt phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008, TTCK Việt Nam đã khởi động cùng thời điểm với chứng khoán Mỹ và trễ pha 4 tháng so với chứng khoán Trung Quốc. Còn lần này, độ trễ pha là khoảng 2 - 2.5 tháng, nhưng không phải từ mức đáy của TTCK Mỹ, mà là một đặc thù mới: TTCK Việt Nam phục hồi trong xu thế tiếp diễn tăng trưởng của chứng khoán Mỹ.
Xin nhắc lại, theo cách nhìn riêng của người viết bài, nhịp điều chỉnh sớm muộn cũng đến với thị trường. Nhưng với những gì mà hai TTCK Hy Lạp và Síp đã thoát lên từ vùng đáy, hiện nay vẫn còn khá sớm để hai chỉ số VNI và HNX buộc phải giảm mạnh.
Hạ Xuyên



Xem bài viết: Chứng khoán tăng tiếp trong ngắn hạn: Liệu có hoang tưởng?