Vietstock Weekly 6 - 10/02: Thị trường lưỡng lự - Nên "đu theo" hay chờ đợi?
(Vietstock) - Có thể khẳng định rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn lưỡng lự - một điều dễ hiểu khi xu hướng bền vững chưa được xác lập.
* Kinh tế Vĩ mô Tuần 06 – 10/02: Tín dụng được “nắn” chảy vào khu vực nông nghiệp nông thôn
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 06 - 10/02/2012
Trong tuần giao dịch đầu năm Nhâm Thìn, chứng khoán đã duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ. Việc thị trường vượt qua được ”tường lửa” trong phiên giao dịch ngày 01/02 đã giúp giới đầu tư mạnh dạn và lạc quan hơn rất nhiều. Điều này khiến xu hướng đầu cơ giá lên được kích hoạt và thanh khoản thị trường hồi phục một cách đáng ngạc nhiên.
Hãy cùng nhìn lại quá trình tăng điểm từ trước Tết âm lịch đến nay.
Về cơ bản, thông tin tích cực nhất trong giai đoạn này là CPI tháng 1 chỉ tăng khoảng 1%. Chúng tôi trước đó có nói đến con số này là khá hợp lý nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian trước đó và biến động giá cả không quá mạnh.
Dòng tiền khởi động trước tiên ở một số mã đầu cơ cao trên HNX, đặc biệt là các mã chứng khoán như KLS, BVSVND; và sau đó khiến tâm lý lạc quan lan tỏa đến các nhóm ngành khác và cả HOSE.
Xu thế đầu tư vào các mã cấu thành chỉ số VN30 được cổ vũ và là động lực quan trọng giúp thị trường duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ. Cũng phải nhấn mạnh rằng lực cầu liên tục từ khối ngoại, đặc biệt trong các phiên giằng co, đã giúp tâm lý lạc quan tăng cao.
Với thực tế thị trường đã tăng điểm liên tiếp trong gần 3 tuần gần đây thì hoạt động chốt lời là không thể tránh khỏi. Phiên giao dịch cuối tuần (ngày 03/02) đã cho thấy điều này.
Hoạt động chốt lời cùng với khối lượng giao dịch duy trì đà gia tăng mạnh khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về khả năng liệu thị trường đang phân phối đỉnh.
Tuy vậy, ngoài yếu tố khối lượng thì hiện tại rất khó để tìm thấy các dấu hiệu khác để khẳng định việc phân phối đỉnh đang diễn ra. Mặc dù giảm điểm nhưng phiên giao dịch cuối tuần trên cả hai sàn diễn ra khá tích cực và xung lực của bên mua đang rất mạnh.
Có thể khẳng định rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn lưỡng lự - một điều dễ hiểu khi xu hướng bền vững chưa được xác lập. Vì vậy, sẽ cần theo dõi thêm, đặc biệt là yếu tố thanh khoản trong các phiên giao dịch tới để khẳng định về rủi ro điều chỉnh.
Hoạt động ”đu theo” để mua cổ phiếu bằng mọi giá trong bối cảnh như thế này sẽ mang tính ”đặt cược” rất cao. Chiến lược này cũng trái ngược với trường phái trading kỹ thuật: chỉ mua vào khi có tín hiệu khẳng định, dù có trễ một vài phiên.
Tuần giao dịch tới sẽ chính thức đón nhận thêm chỉ số mới VN30. Chúng tôi sẽ có những phân tích riêng về chỉ số này ngay khi có số liệu quá khứ từ HOSE.
Trong một nhận định trước đây, chúng tôi có nói đến trào lưu đầu tư theo chỉ số sau khi VN30 ra đời. Mặc dù vậy, việc đầu tư ”đu theo” riêng lẻ vào các cổ phiếu trong rổ VN30 (bỏ qua các yếu tố cơ bản của công ty) sẽ phải cần chú ý các vấn đề sau:
(1) Việc mua vào các cổ phiếu trong rổ VN30 là nhằm đón đầu lực cầu vào các cổ phiếu này trong tương lai. Vậy câu hỏi quan trọng nhất là liệu có lực cầu đó hay không?
(2) Lực cầu vào các cổ phiếu của chỉ số (bỏ qua các yếu tố khác) được kỳ vọng đến từ các quỹ đầu tư chỉ số. Nguồn tiền của các quỹ này sẽ được huy động từ chính nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) qua việc bán chứng chỉ quỹ và mua cổ phiếu trong rổ với tỷ lệ tương ứng. Trên thực tế, các quỹ sẽ huy động vốn dễ dàng nếu giới đầu tư nhìn thấy triển vọng tươi sáng trên thị trường. Như vậy, chính xu hướng thị trường chứ không phải gì khác sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của đầu tư theo chỉ số (để ý rằng đầu tư theo chỉ số cũng có thể thua lỗ).
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Khối lượng đột biến. Sự tăng trưởng mạnh của khối lượng giao dịch (cao nhất kể từ ngày 30/09/2011) cho thấy có khả năng các nhà đầu tư đang chốt lời đồng loạt sau một giai đoạn tăng trưởng khá lâu (gần 3 tuần).
Các chỉ số dao động cũng đang duy trì mức cao cho thấy khả năng điều chỉnh đang lớn dần. Tuy nhiên, như đã từng đề cập trong các báo cáo trước, nếu như thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì mức cao và không có hiện tượng suy giảm bất ngờ thì đà tăng ngắn hạn vẫn có thể duy trì.
Vùng 375 – 395 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index nếu chỉ số này điều chỉnh mạnh trong những phiên đầu tuần sau.

HNX-Index – Có thể retest trendline ngắn hạn. Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, sau khi phá vỡ một ngưỡng kháng cự mạnh (đỉnh cũ, trendline...) thì giá thường hay có hiện tượng throwdown trở lại để retest thêm một lần nữa trước khi bứt phá tiếp.
HNX-Index có thể đang trong giai đoạn throwdown này. Nếu thực sự là hiện tượng này thì giá vẫn sẽ duy trì bên trên trendline ngắn hạn trong những phiên tiếp theo và đây sẽ là cơ hội mua vào khá lý tưởng cho những nhà đầu tư chưa kịp tham gia thị trường trong giai đoạn trước. Còn nếu trendline bị phá vỡ (tương đương vùng 56 – 57.5 điểm) thì nên thận trọng vì khả năng đà suy giảm dài hạn sẽ tiếp tục.
Vùng kháng cự mạnh tiếp theo của HNX-Index sẽ là vùng 64 – 66 điểm.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm nhẹ (-0.61%) trong phiên giao dịch ngày 03/02/2012, VS 100 chững lại đà tăng trưởng mạnh kéo dài gần 3 tuần qua.
Sự đột biến khối lượng cũng gây khá nhiều lo lắng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu thanh khoản vẫn duy trì tốt trong thời gian tới thì sự thận trọng sẽ giảm bớt.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 03/02/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.57, tức số mã tăng giá bằng 0.57 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.85, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.85 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.62 lần và VS-U/D HNX bằng 1.39 lần.
Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.55, đây là mức thấp của chỉ số này. Nếu tiếp tục duy trì mức hiện nay thì khả năng bứt phá tăng mạnh tiếp tục sẽ khá cao.

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly 6 - 10/02: Thị trường lưỡng lự - Nên "đu theo" hay chờ đợi?