Làm sao khơi nguồn lực hàng trăm tấn vàng?
Ngân hàng Nhà nước đang triển khai đề án huy động nguồn lực vàng trong dân cư. Trước một nguồn lực rất lớn, ước tính có từ 300 - 500 tấn, làm sao khai thác được giá trị của nó?
Ý tưởng đề án được công bố vào tháng 8/2011. Đầu tuần này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chính thức gợi mở về định hướng triển khai. Theo đó, thời gian tới, nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, sử dụng nguồn lực đó cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những chia sẻ vừa qua, ông Trương Văn Phước, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã nêu quan điểm về hướng triển khai của đề án trên.
VnEconomy tiếp tục giới thiệu góc nhìn của ông Trương Văn Phước (ảnh) về đề án trên.

Chênh lệch và lợi ích nhóm “G5”…
Đầu năm mới, xin chúc ông mạnh khỏe và thành công trong công việc. Năm mới nhưng vẫn phải nhắc đến chuyện cũ, giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá thế giới quy đổi. Theo ông, nguyên do từ đâu?
Chênh lệch đó đã tồn tại từ rất lâu rồi. Nhưng thời gian vừa qua thì có độ chênh tương đối lớn. Theo tôi có một số lý do chủ yếu như sau.
Thứ nhất, do phải hạn chế nhập siêu nên Ngân hàng Nhà nước hết sức dè dặt việc cho phép nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ. Do đó giá quốc tế của vàng tính qua tỷ giá hối đoái chỉ là một mức giá mang tính ý niệm và tham khảo mà thôi.
Thứ hai, thị trường luôn kỳ vọng sự tăng giá của USD so VND, làm cho mức giá vàng trong nước cao hơn giá quy đổi.
Một lý do nữa, vàng giao dịch trong nước đại bộ phận là vàng vật chất, tỷ trọng rất lớn là vàng SJC, đòi hỏi phải có thời gian gia công nên mức chênh lệch này cao hơn.
Nhưng tôi nghĩ trong kinh doanh mua bán vàng, quan trọng nhất là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán. Chênh lệch hiện nay khoảng 10.000 - 30.000 đồng/chỉ vàng là chấp nhận được vì tính thanh khoản của vàng là rất cao. Ai bán cũng có người mua, ai mua cũng có người bán.
Dù còn những hạn chế về công cụ can thiệp, nhất là về khung pháp lý, nhưng năm qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc, điển hình là giải pháp mở lại tài khoản vàng với sự tham gia của nhóm “G5+1” theo cách nói của nhiều người. Tuy nhiên, chênh lệch đó vẫn chưa được rút ngắn triệt để. Là đại diện một thành viên tham gia giải pháp đó, ông có giải thích gì không? Một số ý kiến cho rằng ở đây có lợi ích lớn cho riêng các thành viên tham gia, quan điểm của ông như thế nào?
Trước hết, phải nói rằng việc cho mở lại tài khoản vàng vào tháng 10/2011 là việc làm rất đáng hoan nghênh của Ngân hàng Nhà nước. Thực ra, Ngân hàng Nhà nước đã cho một số ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tài khoản vàng ở nước ngoài từ năm 2004. Lúc đó, các công cụ phái sinh về vàng được thực hiện giao dịch thông qua các tài khoản vàng đã trở thành các công cụ phòng chống rủi ro rất hiệu quả.
Nhưng sau đó, khoảng đầu 2010, do biến động giá trên các sàn vàng tác động mạnh đến tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu đóng các tài khoản vàng. Và thời gian sau, việc chuyển hoá vàng từ nguồn vàng huy động của các ngân hàng qua VND cũng không được phép, cũng như chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng.
Những yếu tố cộng hưởng đó cùng với việc hầu như không cho nhập vàng nữa đã làm cho giá vàng trong nước tăng hơn giá quốc tế quy đổi, có lúc lên hơn 3 đến 4 triệu đồng/lượng. Thuật ngữ “G5+1” ra đời vào tháng 10/2011 trong bối cảnh đó.
Có 5 ngân hàng thương mại với thế mạnh huy động và cho vay vàng cùng với SJC đã trở thành lực lượng can thiệp chủ yếu giúp tạo nguồn cung bán ra khá lớn trên thị trường trong nước, chỉ 3 tháng cuối năm 2011 đã bán ra trên mấy chục tấn vàng. Phải thừa nhận rằng sự can thiệp này là có hiệu quả lớn, vì từ chênh lệch mấy triệu đồng/lượng, trong thời gian can thiệp bình quân mức chênh lệch này khoảng 900.000 đồng/lượng, thậm chí có lúc còn 400.000 đồng.
Hiện nay mức chênh lệch này là 750.000 đồng. Sự rút ngắn về chênh lệch giá như thế là khá triệt để đấy chứ! Việc so sánh hai mức giá trong nước và quốc tế quy đổi thực ra là rất tương đối. Tiết kiệm khoảng 2 tỷ USD vì không cần nhập khẩu mấy chục tấn vàng can thiệp mà người dân vẫn được mua vàng với giá tương đối thấp là một thực tế đáng suy nghĩ trước một nguồn lực tài chính quan trọng là vàng.
Còn dư luận về lợi ích của nhóm “G5” thưa ông…
Đó cũng là một vấn đề cần làm rõ.
Không cho nhập khẩu vàng thì không còn sự liên thông nữa dưới góc độ trạng thái vàng (position). Tức là bán đi 100 kg vàng trong nước (từ nguồn huy động tiết kiệm vàng của dân) thì không thể chở 100 kg vàng ở nước ngoài về nhập kho trả lại cho dân được. Đã có sự nhầm lẫn khi tính toán phép tính đơn giản đó. Mà thực ra là bán trong nước 1 lượng vàng, ví dụ 44 triệu đồng, thì nay phải mua 45,3 triệu đồng, tức là lỗ 1,3 triệu đồng. Nhưng nhờ có tài khoản vàng nước ngoài, khi bán trong nước thì mua tương đương 3.214 ounce ở nước ngoài, ví dụ ở mức giá 1.690 USD/ounce, nay bán quốc tế 1.740 USD/ounce thì lãi được 50 USD/ounce, tương đương 1,2 triệu. Như vậy thì các ngân hàng can thiệp vẫn phải chịu lỗ. Họ đem lợi nhuận ở nước ngoài về chia xẻ cho những người dân đã mua vàng vật chất với giá thấp trước đây.
Đương nhiên là các ngân hàng này có bị lỗ không? Chắc là không. Vì sao? Là vì trước đây họ huy động vàng tốn chi phí nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước cấm họ không được cho vay, cũng không chuyển hoá qua tiền đồng. Họ bị lỗ lớn. Nay tham gia can thiệp, họ được chuyển hoá qua tiền đồng thì sử dụng tiền đồng này có sinh lời, vừa bù đắp chi phí huy động vàng và khoản lỗ trong can thiệp. Đương nhiên là lượng tiền đồng này, theo yêu cầu can thiệp của Ngân hàng Nhà nước mua bán thường xuyên nên cũng không phải có số kết dư nhiều.
Về lâu dài, theo ông, có cách nào để giải quyết triệt để chênh lệch đó không? Và ông có thể chia sẻ dự báo của mình về giá vàng trong năm nay?
Cách duy nhất để giải quyết triệt để chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi đó là việc cho phép kinh doanh vàng tài khoản trong nước và kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Tất nhiên là hoạt động này cần phải được quản lý chặt chẻ, thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Giá vàng quốc tế được sử dụng như là mức giá tham chiếu, cùng với tỷ giá USD/VND, sẽ tạo nên mức giá vàng yết bằng VND.
Về dự báo giá vàng trong năm nay, tôi xin chia sẻ một số thông tin mà các tổ chức quốc tế đã dự báo, có thể vàng sẽ đạt mức 2.000 USD/ounce, thậm chí là 2.200 USD/ounce vào cuối năm 2012. Đó có thể là các mức đỉnh ở những thời điểm, mức bình quân giá của năm theo tôi là 1.900 USD/ounce. Nếu dự báo như thế thì đường xu hướng (trend line) của vàng là đi lên. Tuy nhiên, trong ngắn hạn vàng có thể lên giá thêm nhưng trung, dài hạn phải hết sức thận trọng với sự đảo chiều của giá vàng, vì vàng đã tăng giá cực kỳ nhanh trong mấy năm qua rồi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của thế giới.
Khi nắm một nguồn lực lớn trong tay…
Trở lại đề án huy động vàng trong dân như đề cập ở trên, ông định hình thế nào về nội dung và hướng triển khai của nó?
Vàng là một nguồn lực tài chính cần phải thừa nhận trong nền kinh tế nước ta. Cho nên huy động vàng trong dân là một chủ trương đúng. Thị trường quốc tế thừa nhận tính chuyển đổi của vàng, tất nhiên là vàng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi chưa nghiên cứu đề án huy động vàng của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng có thể hình dung như thế này. Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại quay trở lại huy động vàng, với tư cách là các đại lý nhận ủy thác để họ sử dụng lượng vàng huy động được này mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Lượng vàng này có thể đem về Ngân hàng Nhà nước hay để tại kho của các ngân hàng. Tùy tình hình cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể đem hoán đổi (swap) lượng vàng này với các ngân hàng nước ngoài để thu về ngoại tệ. Hoặc có thể ủy thác cho các ngân hàng hoán đổi với ngân hàng nước ngoài. Lượng ngoại tệ thu được này tất yếu là một khoản mục của cán cân thanh toán, làm tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sử dụng nguồn vàng huy động này để thực hiện việc can thiệp trên thị trường vàng bằng cách bán vàng ra thị trường thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Nói tóm lại là khi đã có một lượng vàng lớn trong tay thì Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều cách để sử dụng nguồn lực này.
Sử dụng nguồn lực đó, giá trị hay tính hiệu quả của đề án khi triển khai nên nhìn nhận ở những điểm nào, thưa ông?
Điểm đầu tiên có thể thấy được là: từ chỗ một lượng vàng rất lớn trong dân từ trước đến nay được hệ thống ngân hàng huy động, hai năm nay hoạt động này bị ngừng trệ, nay cho phép trở lại có thể ví như sự khơi thông một dòng chảy. Nó không chỉ giúp cho các ngân hàng trở lại các dịch vụ liên quan đến vàng, mà quan trọng hơn rất nhiều là tạo ra một khuôn khổ pháp lý đảm bảo về quyền tài sản là vàng của người dân.
Điểm thứ hai, theo tôi, bấy lâu nay chúng ta hay nói đến câu chuyện “chống vàng hoá”, chúng ta biết cái gì phải làm, nhưng làm nó như thế nào thì có vẻ như còn lúng túng. Đề án huy động vàng lần này biểu hiện một cách làm mới, mà khả năng thành công là rất cao.
Điểm thứ ba, như chúng ta đều biết ngoài chức năng là một hàng hóa thông thường, trong những điều kiện nhất định vàng còn là một tài sản tài chính và tính chuyển đổi của nó qua ngoại tệ là rất cao. Đất nước ta phải tiếp tục xử lý bài toán cân đối ngoại tệ ở tầm quốc gia trong nỗ lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho nên huy động vàng trong dân mở ra cơ hội góp phần đáp ứng bài toán cân đối này.
Cuối cùng dưới góc độ điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động mua bán vàng của Ngân hàng Nhà nước với thị trường có thể xem như một công cụ tác động đến cung ứng tiền và tác động đến tâm lý của thị trường nữa.
Trong định hướng đưa ra, Ngân hàng Nhà nước có nói rằng sẽ có công cụ để “bảo hiểm rủi ro” về giá. Theo ông, cơ chế bảo hiểm đó được thực hiện như thế nào?
Nếu chúng ta tiếp cận được các công cụ bảo hiểm rủi ro của thị trường quốc tế thì bảo hiểm rủi ro về giá vàng là điều nên làm. Có vẻ như người Việt chúng ta khi tham gia giao dịch vàng phần lớn là thực hiện theo chiều mua, không phải là họ không dự báo được giá vàng có thời điểm đi xuống, nhưng nếu không có vàng sẵn trong tay thì làm cách nào để bán đi rồi mua lại khi giá xuống.
Tôi nêu thí dụ đó để thấy rằng các công cụ phái sinh là rất quan trọng cho nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro về giá. Sau khủng hoảng tín dụng ở Mỹ năm 2008, các nhà làm chính sách của chúng ta khá dè dặt về các công cụ phái sinh. Đó là điều có thể hiểu được. Nhưng sử dụng các công cụ phái sinh thì cần phải gắn chặt nó vào trong các điều kiện cụ thể của thị trường. Ở ta thì còn rất lâu nữa mới đặt ra chuyện biến tướng, hệ luỵ từ các công cụ phái sinh.
Như ông đề cập, cũng như trong định hướng của Ngân hàng Nhà nước, là có thể chuyển đổi một phần nguồn lực vàng huy động được thành ngoại tệ, thành dự trữ ngoại tệ. Có hợp lý không khi xem rằng đó là biến “của người” thành “của ta”?
Nếu nói như thế thì một lúc nào đó sẽ có người đặt câu hỏi mấy trăm tấn vàng trong dân hiện nay có phải là “của ta” không? Vì ta có sản xuất ra vàng được đâu. Nhưng người dân ta sản xuất ra sức lao động, tạo ra hàng hoá xuất khẩu, thu về ngoại tệ, tất nhiên một lượng ngoại tệ trong đó từ trước đến nay đã chuyển qua vàng. Cho nên trong cái ngoại tệ “của người” đó bản chất nó cũng đã có một phần “của ta” rồi.
Ở đây là một thuyết tương đối.
Nói dài dòng vậy thôi, chứ thị trường tài chính quốc tế họ chuyên làm chuyện này mà. Một tài sản tài chính này mua đứt, bán đoạn thành một tài sản tài chính khác thì ai cũng biết nghiệp vụ đó là mua bán giao ngay (spot). Còn cấm cố thế chấp tài sản này để có tài sản kia thì đó là nghiệp vụ hoán đổi (swap). Giả sử ta bán giao ngay lượng vàng trong dân thì lập tức làm chủ được lượng ngoại tệ “của người” rồi. Ngay cả những dòng vốn nước ngoài vào tạm thời ở nước ta như là đầu tư gián tiếp chẳng hạn thì cũng góp phần bằng cách này hay cách khác vào trong dự trữ ngoại hối nước ta cơ mà.
Mục đích và mong muốn là vậy, nhưng khi triển khai đề án trên, khi vận hành nguồn lực đó, theo ông đâu là những yếu tố rủi ro cần tính đến?
Nói không có rủi ro gì cả thì có vẻ là quá chủ quan. Nhưng tôi tin rằng rủi ro là vô cùng bé.
Có những khó khăn có thể gặp phải nhưng chỉ mang tính kỹ thuật mà thôi, cần phải dự báo trước khi triển khai đề án. Chẳng hạn như khi người dân muốn rút vàng trước hạn thì xử lý thế nào? Ngân hàng thương mại có được chiết khấu các tín phiếu vàng đã mua Ngân hàng Nhà nước trước hạn không? Nhu cầu mua bán vàng của người dân được đáp ứng ra sao... Đó là những vấn đề có thể xử lý được.
Lời giải cho một phân khúc
Còn về lợi ích của người sở hữu vàng? Hay làm sao để họ quyết định và tin tưởng gửi vàng vào ngân hàng khi triển khai đề án, thưa ông?
Sử dụng VND mua vàng gửi vào ngân hàng thương mại để bảo toàn đồng vốn của mình suy cho cùng là một sự đánh đổi. Vì lãi suất gửi vàng chắc chắn là thấp hơn nhiều so với lãi suất VND. Giá vàng có thể tăng lên mà cũng giảm xuống. Nhưng muc tiêu chính sách đặt ra là tìm lời giải tối ưu cho một phân khúc của thị trường tài chính nước ta là thị trường vàng, là nguồn lực vàng trong dân.
Những diễn biến của thị trường tự khắc nó sẽ là những đầu vào thông tin để người dân tự điều chỉnh quyết định đầu tư của mình.
Như trao đổi trước đây ông nói rằng, một nghiệp vụ cấu thành cho cơ chế huy động này là mở tài khoản vàng cho người dân. Vậy nên mở như thế nào và liệu có dẫn đến những bất cập, xáo trộn như giao dịch vàng tài khoản qua các sàn vàng những năm trước đây?
Người dân gửi vàng vào một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng thì tự nhiên đã hình thành một tài khoản vàng của người dân rồi. Điều mà thị trường mong đợi là làm sao thay đổi một tập quán đã tồn tại rất lâu ở nước ta là người dân thích mua bán vàng vật chất.
Nếu có một vật thể làm vật tham chiếu (reference) cho sự biến động giá vàng mà không tham chiếu vào thỏi vàng vật chất cụ thể thì đó chỉ có thể là một chỉ số, một index. Chỉ số này tất yếu phải tham chiếu vào giá vàng quốc tế và tỷ giá USD/VND. Cho nên nếu các ngân hàng mở tài khoản vàng ở nước ngoài thì có thể cung ứng dịch vụ mua bán vàng trực tiếp cho người dân, nhu cầu mua bán vàng vật chất lúc đó chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.
Sẽ không có gì bất cập hay xáo trộn như ở các sàn vàng trước đây vì dịch vụ này chỉ thuần túy là mua bán vàng trên tài khoản gần như sao chụp biến động giá vàng quốc tế. Tất nhiên là cũng phải xử lý những vấn đề mang tính kỹ thuật, như là trạng thái vàng của các ngân hàng trong nước tại các ngân hàng nước ngoài...
Minh Đức
TBKTVN



Xem bài viết: Làm sao khơi nguồn lực hàng trăm tấn vàng?