Lo thanh khoản yếu, ngân hàng xin xuất vàng
Một số ngân hàng đang nắm giữ một lượng vàng lớn đã kiến nghị cho phép họ được xuất khẩu vàng tài khoản để tăng thanh khoản.
“Phải tìm cách hạ lãi suất vì nếu không, sẽ không tăng được thị trường tài sản, dẫn đến những mong muốn như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ rất khó thành hiện thực”. Đó là thông điệp đầu năm mới của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trước nỗi lo thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay.

Trong rất nhiều nhiệm vụ nặng nề mà Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết thì thanh khoản vẫn được nhiều chuyên gia khuyến cáo là nên ưu tiên giải quyết trước.

Nỗi lo lớn thêm mỗi ngày
Thực ra, áp lực căng thẳng thanh khoản đã được Ngân hàng Nhà nước nhìn thấy từ tháng 6/2011, khi mà hầu như toàn bộ cơ cấu kỳ hạn tiền gửi của hệ thống ngân hàng trong tình trạng “giật gấu vá vai” bởi kỳ hạn “tiền vào” chỉ vài tháng, còn “tiền ra” tới hàng năm, thậm chí 5, 10 năm.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) nói với người viết: “Nhiều người cho rằng, Vietcombank “dở hơi” khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng mà cũng đòi thế chấp. Nhưng tình thế thay đổi, chúng tôi nhận thấy ở đâu cũng rủi ro và phải có biện pháp điều chỉnh cho tốt. Đến nay trong số 30 nghìn tỷ đồng Vietcombank bơm ra thị trường liên ngân hàng đã không có vấn đề gì về nợ xấu”.
Sự mở đầu của Vietcombank đã kéo theo một trào lưu thế chấp trên thị trường liên ngân hàng và báo hiệu lòng tin, nỗi lo lắng thanh khoản đang đi vào giai đoạn gay cấn nhất.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thanh khoản ngân hàng đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà điều dễ nhận thấy nhất là sự biến động lớn trên thị trường liên ngân hàng.
Cùng đó, thanh khoản không chỉ diễn ra các kỳ hạn dài mà còn đối với cả kỳ hạn ngắn, thực tế đó làm cho các ngân hàng khó thu hồi nợ, nợ xấu trên cả hai thị trường 1 và 2 tăng thêm, dẫn tới lãi suất rất khó giảm, mặc dù lạm phát đã được kiểm soát và trong xu hướng giảm khá nhanh.
Một chỉ số khác cũng đáng lo là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) có xu hướng giảm mạnh: vào tháng 6/2011 đạt 11,97%, thấp hơn 0,16 điểm phần trăm so với tháng 12/2010 do chất lượng tài sản “có” giảm.
Kéo theo đó, số lượng ngân hàng không đáp ứng được hệ số CAR đã tăng đáng kể. tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến 31/6/2011, chỉ có 2/47 ngân hàng thương mại không đạt hệ số CAR theo quy định nhưng đến cuối tháng 9/2011, số ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ trên đã lên tới 17 đơn vị.
Giải quyết thế nào?
Trước thực tế trên, từ quý 1/2012 trở đi, trong rất nhiều nhiệm vụ nặng nề mà Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết thì thanh khoản vẫn được nhiều chuyên gia khuyến cáo là nên ưu tiên giải quyết trước.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, ở đây, không chỉ giải quyết vài món thanh khoản nhỏ, lặt vặt mà là giải quyết thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng, một vấn đề lớn nhất hiện nay của kinh tế vĩ mô.
Theo ông, biện pháp số một và cấp bách nhất trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước cần bơm tiền để giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn. Tất nhiên, phải giám sát dòng tiền này để đảm bảo rằng, hỗ trợ thanh khoản là nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh thay vì để các ngân hàng che đậy những dự án khó thu hồi nợ do vung tín dụng quá mức trước đó.
Thứ hai, nên tăng dự trữ bắt buộc ở mức chấp nhận được để điều tiết vốn từ ngân hàng lớn sang nhỏ. Thực tế hiện nay, các ngân hàng lớn không cho các ngân hàng nhỏ vay là vì e ngại khả năng trả nợ, trong khi các ngân hàng đi vay lại thiếu tài sản cầm cố.
Nếu không xử lý được bức xúc này, các ngân hàng yếu thanh khoản sẽ phải ra thị trường vay với mức 19% - 20%/năm, vừa gia tăng rủi ro, vừa tái diễn nạn xé rào lãi suất, gây khó khăn cho công tác quản lý.
“Khi giữa các ngân hàng không còn lòng tin để cho nhau vay thì ngân hàng Trung ương phải đứng ra làm nhiệm vụ đó. Nên coi tăng dự trữ bắt buộc như là giải pháp môi giới tiền tệ trong nội bộ hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa nói.
Thứ ba, một số ngân hàng thương mại đang nắm một số lượng vàng lên tới 100 tấn, trong khi ngân hàng Trung ương chưa có cơ chế biến số vàng đó thành tiền.
Thực tế, nếu ngân hàng đem số vàng đó xuất khẩu thì hết sức… vô duyên, bởi xuất khẩu vàng là việc của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; trong khi kinh doanh vàng tài khoản thì không có cơ chế (hiện tại, mới chỉ có nhóm G5 + 1, gồm 5 đơn vị trong hệ thống ngân hàng và SJC được kinh doanh vàng tài khoản).
Vì thế, số ngân hàng đang nắm giữ số vàng nói trên kiến nghị cho phép họ được xuất khẩu vàng tài khoản. Như thế, chỉ cần bán 1% trong số đó qua tài khoản là thu được khoảng 5 - 7 tỷ USD, giải quyết tương đối nhu cầu thanh khoản cho họ một cách cấp bách.
Theo một số nhà phân tích, sau khi sử dụng các biện pháp đó, bức xúc thanh khoản mới có thể dịu lại và đó là tiền đề để có thể tiến tới bỏ trần lãi suất huy động, từng bước tiến tới giảm lãi suất tiền vay. Trong trường hợp nếu để thanh khoản tiếp tục khó khăn, không những chưa thể hạ lãi suất, không tăng được thị trường tài sản, chi phí vốn tiếp tục gia tăng, khả năng thu nợ cũ cho vay mới khó thực hiện.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, nhân tố quan trọng hàng đầu để đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn trong năm 2012 là giảm lãi suất phù hợp với thực tế, ở mức 4 - 5 điểm phần trăm. Với mức giảm này, có thể giúp nền kinh tế giảm chi phí sản xuất cho đầu vào và giá thành khoảng 100 nghìn tỷ đồng.
Nguyễn Hoài
tbktvn



Xem bài viết: Lo thanh khoản yếu, ngân hàng xin xuất vàng