Sẽ còn nhiều ngân hàng báo lỗ trong năm nay
“Một số ngân hàng những năm vừa qua đã đẩy nợ xấu ra ngoài bảng hạch toán. Nếu năm nay họ không thể thu hồi được những khoản này thì sẽ được thể hiện lên trên sổ sách và số ngân hàng sẽ báo lỗ tăng lên, nhiều ngân hàng báo lời sẽ giảm…”.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia hoạt động 30 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết.

TS.Nguyễn Trí Hiếu

Ông đánh giá thế nào về lợi nhuận ngân hàng năm 2011?
Tôi mừng vì nhiều ngân hàng làm ăn hiệu quả, kết quả kinh doanh khả quan trong khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn lao đao. Dù dư luận có ý kiến trái chiều về lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khó khăn.
Tuy nhiên, với một số ngân hàng vừa thông báo kết quả kinh doanh lỗ, nhất là lĩnh vực kinh doanh ngoại hối?
Thị trường ngoại hối là thị trường rủi ro lớn, các ngân hàng tham gia kinh doanh lĩnh vực này với chức năng hỗ trợ khách hàng khi giao dịch xuất nhập khẩu. Khi tham gia vào thị trường ngoại hối với nhiều biến động thì việc lời lỗ là hiển nhiên. Tôi không thấy đó là điều cần phải lo lắng trong lúc này. Dĩ nhiên, một ngân hàng đi vào thị trường ngoại hối với quy mô lớn với nhiều rủi ro thì cần phải xem xét.
Một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh lỗ còn do nợ xấu. Theo ông, nguyên nhân do tín dụng thiếu chặt chẽ hay doanh nghiệp không trả nợ được?
Cả hai, ngoài ra còn có thêm một nguyên nhân nữa. Nợ xấu năm 2011 là hệ lụy của nhiều năm kinh doanh về trước, chứ không phải mới phát sinh trong năm 2011. Vì trong những năm trước, ngành ngân hàng tăng trưởng rất nóng với mức trung bình từ 30 - 40%, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng 100%, đây là tỷ lệ tăng trưởng rất nóng (ở Mỹ, ngành ngân hàng tăng trưởng từ 5 - 10% được đánh giá là quá tốt rồi).
Điều đặc biệt mà tôi quan tâm là tăng trưởng tín dụng/trên tăng trưởng của GDP lên mức 6 - 7 lần. Nền kinh tế tăng trưởng 6% thì ngành ngân hàng tăng trưởng gấp 6 - 7 lần như thế. Ví dụ tăng trưởng GDP là 6%, còn tăng trưởng tín dụng lên đến 42%, mức tăng gấp 7 lần.
Hệ lụy của tăng trưởng nóng đó cũng như cơ thể của một con người vậy. Một đứa trẻ tăng trưởng quá nhanh thường để lại hệ lụy về sức khỏe và ngành ngân hàng cũng không khác gì tiến trình phát triển sinh lý của con người. Khi tăng trưởng nóng như vậy thì đâu đó ngành ngân hàng chấp nhận hoặc thâu nhận những rủi ro rất lớn.
Những rủi ro lớn mà ông vừa đề cập là những gì?
Trong ngành ngân hàng có 3 rủi ro lớn: Rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro về nghiệp vụ, đặc biệt là rủi ro về tín dụng là rủi ro rất lớn trong vấn đề tăng trưởng nhanh. Trong thời gian qua, tín dụng bất động sản có lẽ là khâu tín dụng tạo ra rủi ro lớn nhất. Tín dụng bất động sản trong tất cả các nền kinh tế luôn là nguồn khai thác béo bở cho tất cả các ngân hàng. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng đua nhau đổ tín dụng vào thị trường bất động sản và các ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng đều nhảy ngay vào bất động sản bởi đây là ngành tăng trưởng nhanh và rất có lời, khá hấp dẫn nhưng cũng là cái bẫy khủng hoảng. Khi khủng hoảng, giá bất động sản sẽ sụt giảm rất nhanh và sụt giảm nhiều.
Trường hợp một số ngân hàng báo lỗ đang phải gánh chịu những hệ quả, hệ lụy của việc tăng trưởng nóng, trong đó có tăng trưởng tín dụng bất động sản là vì thế.
Nhưng cũng có ý kiến nợ xấu năm 2011 đến từ lãi suất cho vay quá cao?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tín dụng bất động sản chỉ là một nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Lãi suất cao cũng là nguyên nhân. Khi lãi suất cho vay hơn 20%/năm thì liệu có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu đựng nổi gánh nặng tài chính lớn lao như vậy? Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng khó khăn khi trả những khoản vay “nặng lãi” như vậy. Từ “nặng lãi” tôi rất ít dùng cho vay trong ngân hàng, nhưng với mức lãi suất này thì tôi nghĩ rằng đây là cho vay nặng lãi.
Năm 2011 nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc là bị mua lãi, sáp nhập. Nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả lãi cho ngân hàng, gây ra tình trạng nợ xấu tăng cao.
Theo dự báo của ông, mặt bằng lãi suất trong năm 2012 sẽ thế nào?
Khó có thể đoán được chừng nào lãi suất sẽ giảm và giảm đến chừng nào. Mọi người cũng kỳ vọng rằng lạm phát giảm trong những tháng cuối năm 2011 và tiếp tục trong năm 2012. Với sự giảm của lạm phát thì kỳ vọng lãi suất sẽ giảm theo. Thế nhưng lãi suất vẫn còn rất cao và ngay Ngân hàng Nhà nước cũng có quan điểm rằng việc giảm lãi suất ngay trong thời điểm này là rất khó khăn. Dù mong muốn của các doanh nghiệp là lãi suất phải hạ xuống để gánh nặng chi phí nhẹ đi.
Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh này thì thấy việc giảm lãi suất là rất khó khăn. Trong những ngày trước Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã cạnh tranh rất ráo riết để huy động vốn. Nhiều ngân hàng đứng trước bờ vực mất thanh khoản, đã chạy đôn chạy đáo đi huy động vốn và đẩy lãi suất vượt xa trần quy định. Có ngân hàng đẩy lên mức 18%, 19%/năm, thậm chí còn hơn. Dù đến thời điểm này, tình hình căng thẳng thanh khoản đã giảm, nhưng tình hình giảm lãi suất chưa giảm vì để hấp dẫn tiền gửi huy động từ nền kinh tế, nhiều ngân hàng vẫn chào mời với mức lãi suất rất cao.
Vì vậy, nếu đưa lãi suất huy động xuống mức thấp hơn thì sẽ đẩy một số ngân hàng ra khỏi “sân chơi”, điều này lại trái với mục tiêu của Chính phủ là không để cho ngân hàng nào bị phá sản. Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường, muốn lãi suất giảm nhưng thực trạng của ngành ngân hàng lại chưa cho phép thực hiện điều đó.
Như vậy, năm 2012 sẽ có nhiều ngân hàng thông báo lỗ hơn?
Tôi nghĩ dự đoán này có lẽ chính xác. Một số ngân hàng trong những năm vừa qua đã đẩy nợ xấu ra ngoài bảng hạch toán. Trong nhiều trường hợp, họ đã không hạch toán nợ xấu một cách đầy đủ, nhiều khoản nợ đã được điều chỉnh sang nửa đầu năm 2012. Nếu như trong năm 2012 này, họ không thể thu hồi được những khoản cho vay này thì sẽ được thể hiện lên trên sổ sách. Và lúc bây giờ, ngân hàng sẽ phải hạch toán những khoản nợ có nguy cơ mất vốn này vào sổ sách. Như vậy, dự đoán năm 2012 số ngân hàng báo lỗ tăng lên và nhiều ngân hàng báo lời ít hơn
- Xin cám ơn ông!
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2011, Ngân hàng Tiên phong (TienPhongBank) lỗ hơn 50,6 tỷ đồng từ thu nhập lãi thuần, cùng kỳ chỉ tiêu này đạt hơn 105 tỷ đồng, nhưng giảm so với mức lỗ hơn 75 tỷ đồng trong quý II.
Hoạt động dịch vụ lỗ hơn 70 tỷ đồng, lỗ thêm hơn 40 tỷ đồng so với quý II năm 2011. Hoạt động kinh doanh ngoái hối của ngân hàng lãi hơn 690 triệu đồng, giảm 89% so với cùng kỳ.
Còn theo Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank -HBB), ngân hàng lỗ hơn 41 tỷ đồng trong quý IV/2011, do chi phí hoạt động tăng mạnh cùng với trích lập dự phòng hơn 132 tỷ đồng.
Trong quý IV, thu nhập lãi thuần đạt hơn 283 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 18,6 tỷ đồng trong quý. Các chỉ tiêu khác như lợi nhuận dịch vụ, đầu tư chứng khoán, hoạt động khác đều giảm so với cùng kỳ.
Kết thúc quý IV/2011, ngân hàng mẹ HBB lỗ hơn 41 tỷ đồng, cùng kỳ lợi nhuận sau thuế là 65 tỷ đồng. Đây là ngân hàng niêm yết đầu tiên thông báo lỗ trong năm 2011 và là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý IV.
Theo Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lợi nhuận quý IV/2011 của SHB đạt hơn 200 tỷ, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; cả năm đạt hơn 735 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2010.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần và dịch vụ tăng mạnh so với năm 2010, thu nhập lãi thuần đạt 1.928 tỷ, tăng 58%; lãi từ dịch vụ đạt gần 155 tỷ gấp 4 lần năm 2010.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 480 triệu đồng trong quý IV/2011, cả năm lãi gần 55 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 7,7 tỷ đồng trong quý IV/2011, cả năm lỗ hơn 11 tỷ đồng trong khi năm trước lãi hơn 56 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 đạt hơn 20%, nợ xấu của ngân hàng mẹ năm 2011 đạt 2,1%, cao hơn nhiều so với năm trước (1,4%).
Với kết quả kinh doanh trên của ba ngân hàng, có thể thấy rằng, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả lợi nhuận suy giảm của các ngân hàng trên.

Nguyễn Hiền
dân trí



Xem bài viết: Sẽ còn nhiều ngân hàng báo lỗ trong năm nay