Cổ phiếu FIDECO sẽ là hàng “khủng” trên kênh chứng khoán


Ngày 18-1, Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (FIDECO) sẽ niêm yết 14.297.699 cổ phiếu lên sàn TP.HCM.
Hôm nay (15-1), Công ty FIDECO - tiền thân là Công ty Phát triển thủy hải sản TP.HCM sẽ tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FDC tại tòa nhà FIDECO (Hàm Nghi, quận 1). Việc Công ty FIDECO - doanh nghiệp ra đời từ mô hình thử nghiệm về kinh doanh của Thành ủy, UBND TP.HCM trong thập niên 1990 và bây giờ niêm yết cổ phiếu lên sàn đã và đang tạo sự quan tâm đặc biệt của công chúng lẫn giới đầu tư.
Doanh thu, lợi nhuận lớn
Nếu 20 năm trước, FIDECO chỉ là một doanh nghiệp nhỏ thì bây giờ phát triển lớn mạnh thành tập đoàn. Tiến sĩ Trần Hữu Chinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FIDECO, cho biết: mặc dù ra đời có khác biệt so với nhiều doanh nghiệp về mô hình hoạt động nhưng hiệu quả kinh doanh mà FIDECO mang về lại cực kỳ lớn. Hiệu quả kinh doanh của FIDECO được chứng minh qua những con số ấn tượng như tổng tài sản hiện có lớn gấp nhiều lần so với số vốn điều lệ. Thử làm phép tính đơn giản thì con số tổng tài sản ước chừng khoảng 1.650 tỉ đồng, lớn gấp nhiều lần số vốn điều lệ 142 tỉ đồng (số liệu tháng 9-2009).
Còn về kinh doanh, FIDECO có những bước đi rất khác biệt và việc này nhờ vào tài quản trị và chiến lược điều hành linh hoạt của những lãnh đạo. Từ nền tảng này nên dù kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực nhưng hoạt động tài chính FIDECO rất lành mạnh và hầu như hiện nay không có bất cứ rủi ro nào nếu xét trên các khoản nợ. Bởi vì tính đến hiện tại, số nợ của FIDECO chỉ chiếm 1/7 tổng tài sản hiện có.

Ban lãnh đạo FIDECO.
Ngoài hai yếu tố thuận lợi quan trọng trên, FDECO đang có một nguồn thu và lợi nhuận ổn định hằng năm rất hấp dẫn. Thậm chí ngay như trong giai đoạn khó khăn nhất, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008 nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp năm này vẫn đạt 34 tỉ đồng, trong đó 16 tỉ đồng đưa vào dự trữ do đầu tư tài chính. Còn năm 2009, dự kiến lợi nhuận trước thuế hơn 74 tỉ đồng, đạt 52% so với vốn điều lệ.
Cổ phiếu “khủng”
Không dừng lại với những thành quả đạt được nêu trên, hiện FIDECO lại chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Đó là hướng đến hình thành một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực và khởi đầu cho định hướng mới này là việc niêm yết cổ phiếu lên sàn.
Mặc dù kênh chứng khoán mới hồi phục nhưng thông tin FIDECO lên sàn ngay lập tức tạo ra sức hút với thị trường. Ông Chinh cho biết sở dĩ cổ phiếu FIDECO hấp dẫn công chúng bởi thực lực và tiềm năng doanh nghiệp quá lớn. Bởi nếu xem xét FIDECO dưới góc độ ổn định lợi nhuận hằng năm đến các dự án khả thi trong tương lai thì sẽ thấy cổ phiếu này rất hấp dẫn.
Thử phân tích một số thông số tài chính cơ bản cũng sẽ thấy điều đó: nguồn thu ở hoạt động cho thuê bất động sản, với cao ốc FIDECO Tower (81-85 Hàm Nghi, quận 1) doanh thu thu được là 5,2 triệu USD/năm. Ngay hiện tại, trong hoàn cảnh khó khăn chung của thị trường văn phòng cho thuê thì dự án vẫn mang về doanh thu 4,2 triệu USD/năm. Còn xét chi tiết hơn thì lãi ròng dự án này là 3,7 triệu USD (khoảng 60 tỉ đồng), một con số quá ấn tượng. Ngoài ra, các bất động sản khác như: tòa nhà 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1; FIDECO Riverview, phường Thảo Điền, quận 2 hằng năm cũng mang về khoảng 20 tỉ đồng doanh thu…
Bên cạnh các dự án bất động sản thì lĩnh vực mang lại lợi nhuận đứng hàng thứ hai là các hoạt động sản xuất kinh doanh như sản xuất bột mì và chế biến thủy sản. Lĩnh vực này mỗi năm mang về cho FIDECO lợi nhuận khoảng 12 tỉ đồng… Không dừng lại với những mảng kinh doanh truyền thống, hiện FIDECO còn vươn ra các lĩnh vực nóng khác như bảo hiểm, đầu tư tài chính và hoạt động này hằng năm cũng mang về nhiều tỉ đồng doanh thu.
“Tóm lại, trong bất cứ hoàn cảnh kinh tế như thế nào, FIDECO vẫn đảm bảo một khoản lợi nhuận trước thuế trên 70 tỉ đồng/năm” - ông Chinh cho biết thêm: không chỉ ở hiện tại, những dự án FIDECO đang triển khai hiện nay sẽ đảm bảo nguồn thu và lợi nhuận cho nhiều năm tiếp theo. Trong đó là hầu hết các dự án bất động sản đầy tiềm năng, thậm chí có thể đem lại nguồn thu đột biến trong nhiều năm tới. Về bất động sản, FIDECO có năm dự án đang triển khai, trong đó đáng chú ý là dự án khu đô thị thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương. Dự án có tổng diện tích hơn 126 ha, đã giải phóng mặt bằng được 110 ha. Dự án này có thể đem lại tổng doanh thu hơn 1.200 tỉ đồng, lợi nhuận trên 350 tỉ đồng. Hay dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Long Hòa, huyện Cần Giờ, nguồn thu dự kiến trên 570 tỉ đồng và lợi nhuận trên 230 tỉ đồng. Hoặc dự án khu dân cư dịch vụ thương mại Trảng Bàng - Tây Ninh, quy mô 190 ha và khu dân cư Thương mại Dịch vụ và Khu công nghiệp Hàm Tân - Bình Thuận với 1.200 ha.
“Từ tất cả yếu tố trên, tôi tin rằng chọn lựa đầu tư cổ phiếu FIDECO (mã FDC) là một quyết định đúng của nhà đầu tư. Về phía FIDECO, chúng tôi cam kết là đồng vốn đầu tư vào cổ phiếu FDC của các nhà đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao nhất và cổ phiếu FDC hứa hẹn sẽ là một cổ phiếu được săn tìm trên sàn chứng khoán, tạo ra lợi nhuận đột biến cho các nhà đầu tư” - Tiến sĩ Trần Hữu Chinh chia sẻ.
Giá trị bền vững của FIDECO
Tiến sĩ Trần Hữu Chinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FIDECO, cho biết tài sản quý nhất của FIDECO hiện nay không phải là giá trị doanh nghiệp khổng lồ mà chính là bộ máy nhân sự đã trưởng thành qua thử thách của nền kinh tế thị trường. Vì thế khi đất nước mở cửa, hội nhập sâu, rộng với thế giới, FIDECO lại xác lập một vị thế, một tầm nhìn, một sứ mệnh và chiến lược mới. Tầm nhìn và sứ mệnh FIDECO chọn là hướng đến việc trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hoạt động phát triển trong nhiều lĩnh vực...
Thời điểm hiện tại, ngoài công ty mẹ, FIDECO còn sáng lập và góp vốn trong 12 công ty khác, hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước. Thời điểm này giá trị doanh nghiệp của FIDECO ước đạt 1.650 tỉ đồng (tương đương 100 triệu USD), gấp hơn 4.600 lần số vốn ban đầu.

Mô hình công ty cổ phần đầu tiên
Ít ai ngờ một công ty lớn mạnh, kinh doanh đa ngành nghề như FIDECO ngày hôm nay lại khởi đầu từ một mô hình công ty liên doanh với số vốn vay ngân hàng ít ỏi. Chủ tịch sáng lập FIDECO, ông Đỗ Hoàng Hải, cho biết ban đầu bằng chủ trương thử nghiệm, Thành ủy, UBND TP.HCM cho thí điểm một mô hình lập công ty cổ phần đầu tiên. Tháng 3-1989, với tâm huyết của ông Đỗ Hoàng Hải (chủ tịch sáng lập) và ông Trần Hữu Chinh (hiện là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc), Công ty Phát triển thủy hải sản TP.HCM ra đời. Việc thử nghiệm mô hình mới là công ty liên doanh quốc doanh hoạt động kinh tế làm nhiều người lo lắng. Thậm chí đến năm 1993, khi đổi tên thành Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (FIDECO ngày nay) thì mô hình công ty cổ phần lúc đó vẫn rất mới.
Cao ốc văn phòng FIDECO ở đường Hàm Nghi (quận 1).
Với bản chất không phải là công ty cổ phần, cũng không phải là công ty gia đình nên việc thành công hiện nay của FIDECO được xem là một trong những bài học kinh điển về hoạt động doanh nghiệp trong cơ chế đổi mới. Bài học này được chứng minh bằng lợi nhuận phát triển vượt tầm của doanh nghiệp. Nếu ngày đầu FIDECO hoạt động chỉ với nguồn vốn vay ngân hàng 335 triệu đồng và chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản thì hôm nay FIDECO đã vươn tới mô hình tập đoàn, hoạt động đa ngành, đa nghề như tư vấn, quản trị đào tạo, xuất nhập khẩu đến đầu tư tài chính, bất động sản, bảo hiểm…

http://phapluattp.vn/201001141040885...hung-khoan.htm