DNNN: Khi “Quý tử” được bao bọc
Như một chân lí: cha mẹ nào mà chẳng thương con! Tuy vậy, có nhiều cách hành xử khác nhau để thể hiện sự yêu thương đó. Đôi khi nếu không biết cách, có thể sự thương yêu của cha mẹ sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho đứa con.
Có một cậu con trai quen được cưng chiều, cha mẹ thương yêu lắm, mỗi bước cậu đi luôn có cha mẹ cậu chạy bên cạnh sẵn sàng đỡ cho cậu trai khỏi vấp ngã. Nhưng đến một lần, cậu vấp ngã, thì câu nói đầu tiên của cậu quý tử là: “tại mẹ con mới té đó!”.
Cuộc chơi giữa cậu quý tử và bạn cùng trang lứa luôn nằm trong sự giám sát của cha mẹ. Sợ con thua bạn, con tủi thân cha mẹ phải luôn nhắc những đứa trẻ hàng xóm phải nhường cho quý tử. Vì vậy mà cậu quý tử luôn cảm thấy mình giỏi giang khi không có đứa hàng xóm nào hơn mình trong cuộc chơi chung. Cho đến một ngày không có mẹ bên cạnh, cậu bị thua…!

Lời than trách của “con”!
Các DN trong lĩnh vực phân phối phàn nàn rằng Nhà nước không có những “tiếp sức” cần thiết trong cuộc chiến trước các ông lớn về phân phối đến từ nước ngoài. Các nhà phân phối như Wall Mart có tổng kho 50 ha, 200 container xuất hàng cùng một lúc và tất cả đều được điều khiển bằng máy móc thì rõ ràng các DN phân phối của VN khó cạnh tranh được. Những lời than trách tương tự như thế không cá biệt trong lĩnh vực phân phối.
Tại sao trong một thời gian dài cha mẹ luôn theo sát cậu quý tử trong các cuộc chạy đua với bạn hàng xóm, tại sao lần này cha mẹ không ở bên cạnh để “nhắc chừng” - những đứa trẻ hàng xóm? Tại sao phải thay đổi để con phải tủi hổ như thế này? Cũng tương tự như trong mối quan hệ giữa DN Việt và Nhà nước. Trong một thời gian dài, có bao giờ DN Việt phải chịu sức ép lớn như bây giờ đâu? Với vai trò là “bà đỡ” của các DN trong nước, “bà đỡ” đã từng có những chính sách rất tốt trong việc nâng đỡ cho sự phát triển của các DN trong nước như những ưu đãi về thuế suất, những hạn chế bằng chính sách hạn ngạch… Tại sao bây giờ những bậc “cha mẹ” lại bỏ rơi con cái như vậy?
Rõ ràng những đứa quý tử mang tên DN Việt đã kì vọng và phụ thuộc quá nhiều vào “bà đỡ” Nhà nước. Nhìn một cách thực tế, trong cuộc chạy đua với những đứa trẻ hàng xóm chiến thắng của cậu quý tử chưa hẳn là vì cậu chạy giỏi hơn những đứa trẻ khác. Bởi vì cha mẹ cậu đã “nhắc chừng”, nên những đứa trẻ hàng xóm có phần nào nhường cậu. Tính cạnh tranh trong cuộc thi thố đã bị bóp méo. Cũng như với những tiếp sức của Nhà nước khi Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ” các DN của VN đã có những ưu thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh trên thương trường. Các DN VN chưa thực sự cảm nhận được hơi thở của cạnh tranh đang phả gấp gáp trong cuộc chiến giành giật thị phần. Do vậy, đến khi không còn những trợ giúp đó, đứng trước sức ép của cạnh tranh, tâm lí hụt hẫng âu cũng là bình thường.
Lỗi lầm của “cha mẹ”?
Bản chất của mọi cuộc tranh đua luôn nằm ở sức mạnh của những người tham gia cuộc đua đó. Một khi dựa dẫm vào những tác động từ bên ngoài nhằm bóp méo tính cạnh tranh của cuộc đua thì thành quả của chiến thắng dường như khó vững bền. Chừng nào mà tình trạng quảng cáo gian dối về công dụng của sản phẩm, cân đong không chính xác, công bố mập mờ hoặc không công bố các thông tin về sản phẩm thì chúng ta chưa thể kì vọng sự lớn mạnh của các DN Việt trước những đối thủ đến từ những thị trường phát triển đã quá quen với khái niệm “khách hàng là thượng đế” theo đúng nguyên nghĩa của cụm từ.
Chính thói quen kinh doanh lạc hậu cùng với sự thua kém về năng lực tài chính và quản lí mới chính là nguyên nhân của những khó khăn của DN Việt trước các đối thủ ngoại trong cuộc đua giành giật thị phần. Trong một thời gian dài, thói quen kinh doanh lạc hậu được bao bọc bởi “bà đỡ” trước những sức ép từ các DN ngoại đã tạo cho các DN Việt sức ì quá lớn, làm chậm quá trình thay đổi cần thiết về triết lí kinh doanh. Do đó, cùng với quá trình nhận diện lại vai trò tương hỗ của Nhà nước trong mối quan hệ với DN chính là việc nhìn nhận lại một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa DN và người tiêu dùng. Đó là việc lựa chọn lợi ích trước mắt hay mục tiêu phát triển bền vững?
Để đạt mục tiêu hình thành những DN Việt lớn mạnh, điều quan trọng phải tạo lập một môi trường kinh doanh cạnh tranh. Bằng việc tạo lập một môi trường cạnh tranh, các nhà kinh doanh chân chính được trân trọng, tiền đề cho những phấn đấu được khởi tạo. Nhưng cũng xuất phát từ mục tiêu bảo vệ cạnh tranh, cũng sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách quá cứng nhắc. Những quyết định vội vàng của các cơ quan quản lí trong thời gian vừa qua liên quan đến các vụ việc cạnh tranh trong viễn thông là minh chứng cho quan ngại này. Hết một năm 2011 với những sôi động, những toan tính của doanh nhân và cả những điều trăn trở của “bậc cha mẹ” Nhà nước. Một đứa trẻ quen được nuông chiều, muốn trở thành một thanh niên khỏe mạnh cần phải có thời gian tập luyện. Chắc chắc trong thời gian đầu sẽ chịu nhiều đau đớn. Nhưng một khi cả cha mẹ và đứa trẻ kia cùng có một cái nhìn nghiêm túc về những cuộc tranh đua và những mục tiêu trước mắt thì rõ ràng hi vọng về một sự trưởng thành của đứa trẻ trong cuộc tranh đua không phải là không có cơ sở.
Phạm Hoài Huấn
diễn đàn doanh nghiệp



Xem bài viết: DNNN: Khi “Quý tử” được bao bọc