Tiền mặt khan hiếm, sao vẫn có doanh nghiệp trả cổ tức “khủng”?
(Vietstock) - Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn kinh doanh tiếp tục eo hẹp, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao ngất ngưỡng so với thời gian trước đây.

Nhiều doanh nghiệp vẫn trả cổ tức “khủng”
Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm và sự thoái lui của phương thức trả cổ tức bằng cổ phiếu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc nhận cổ tức bằng tiền mặt đang được các nhà đầu tư ưu thích.
Năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn kinh doanh tiếp tục eo hẹp, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tiến hành trả cổ tức tiền mặt rất cao, thậm chí là cao ngất ngưỡng so với thời gian trước đây.
ABT đã trả cổ tức cho năm 2011 ở mức đến 45% mệnh giá, GIL đã hoàn thành trả 40%, SDGAAM cũng đã tạm ứng với tỷ lệ 30%, NTLACL đã chi trả với tỷ lệ 25%, BHS cũng đã tạm ứng đợt 1 lên đến 20% (dự kiến cả năm là 35%).
Thời điểm đầu năm 2012, số lượng doanh nghiệp thông báo trả cổ tức cao bằng tiền mặt cho năm 2011 tiếp tục tăng lên khá nhiều.
Đáng chú ý là HĐQT của ABT gần đây đã thông qua quyết định trả cổ tức thêm 15%, nâng tổng mức trả cổ tức cho năm 2011 lên tới 60% và hoàn toàn bằng tiền mặt.
ACL cũng nâng mức cổ tức thêm 20% và như vậy tổng mức cổ tức tiền mặt năm 2011 của công ty này là 45%.
Nhiều công ty trong một số lĩnh vực khó khăn như cũng tham gia trào lưu này.
Ngành bất động sản đang trong cảnh “đói vốn” nhưng HDC mạnh dạn chi trả cổ tức 30%, trong đó 20% được trả bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.
Mặc dù thanh khoản của ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn khá căng thẳng nhưng ACB vẫn quyết đinh tạm ứng cổ tức năm 2011 đợt 1 với tỷ lệ 20%, tức số tiền mặt chi cổ đông lên đến 1,875 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có một số doanh nghiệp khác như DXP cũng đã chốt quyền nhận cổ tức 30% bằng tiền mặt, TAG chi trả tỷ lệ 20%. CNG đang xin ý kiến cổ đổng nhằm điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2011 lên 40% bằng tiền mặt. JVC cũng điều chỉnh tăng mức chi trả cổ tức lên 30%.
Đâu là nguyên nhân?
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chi trả cổ tức cao ở nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây?
(1) Công ty có cổ đông chiếm tỷ lệ lớn và chi phối. Những cổ đông lớn thường không dễ dàng để bán ra cổ phiếu, nhưng họ lại cần nguồn tiền mặt để đảm bảo các hoạt động của mình. Do vậy, công ty thường phải trả cổ tức bằng tiền cao để đáp ứng nhu cầu này.
Cũng cần để ý là với số cổ phần chiếm đa số, các quyết định như thế này thường được dễ dàng thông qua.
(2) Khả năng hoạt động kinh doanh tăng trưởng thấp. Vì vậy, công ty chỉ sử dụng một tỷ lệ lợi nhuận giữ lại rất nhỏ để tái đầu tư, còn lại trả cổ tức cho cổ đông.
Năm 2012 được đánh giá là năm khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Việc mở rộng kinh doanh xem ra khó đem lại lợi nhuận như mong muốn, và nhiều công ty đành làm hài lòng cổ đông bằng cách chia cổ tức tiền mặt.
(3) Thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết 08/2011/QH13 cho phép ưu đãi miễn thuế TNCN từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp, trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng.
Nếu không được miễn thuế TNCN từ cổ tức, thì mức thuế 5% đối với cổ tức theo quy định luật thuế hiện hành cũng rất nhỏ so với thuế áp dụng đối với các khoản mục thu nhập (thường xuyên) khác.
(4) Cố gắng làm hài lòng cổ đông trong bối cảnh khó khăn. Thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, hầu hết các nhà đầu tư đều thua lỗ nặng.
Việc doanh nghiệp chi trả cổ tức cao trong thời điểm hiện nay cũng phần nào giảm bớt khó khăn về tiền mặt cho cổ đông.
Đức Nguyễn



Xem bài viết: Tiền mặt khan hiếm, sao vẫn có doanh nghiệp trả cổ tức “khủng”?