Lạm phát dịp Tết âm lịch: Yếu tố thời vụ chi phối mạnh mẽ
(Vietstock) - Tết âm lịch thường rơi vào tháng 1 và 2 dương lịch, đẩy nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ ở giai đoạn này tăng cao. Tuy vậy, CPI những tháng sau đó thường nhanh chóng hạ nhiệt đáng kể.
Số liệu lịch sử cho thấy yếu tố thời vụ có ảnh hưởng khá lớn đến biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
CPI hai tháng đầu năm dương lịch thường tăng lên đáng kể. Cụ thể, CPI tháng 1 thường dao động cao hơn mức 1%, trong khi CPI tháng 2 ở quanh mức gần 2%.
Riêng CPI hai tháng đầu năm 2009 tăng yếu hơn mức thông thường trong những năm qua do nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái trong giai đoạn 2008 – 2009.

Tết âm lịch thường rơi vào tháng 1 và 2 dương lịch đẩy nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ ở giai đoạn này tăng cao. Đây cũng là lý do chính giải thích cho đà gia tăng mạnh của chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm dương lịch.
Tuy vậy, chỉ số giá tiêu dùng những tháng sau đó thường nhanh chóng hạ nhiệt đáng kể, ngoại trừ diễn biến bất thường trong năm 2011. Chính sách tiền tệ nới lỏng nửa cuối năm 2010 cộng với đà tăng mạnh của giá thực phẩm thế giới đã khiến CPI trong nước những tháng đầu năm 2011 tăng vọt mạnh mẽ.
Không có xáo trộn nào đáng kể, dự kiến CPI những tháng đầu năm 2012 sẽ diễn biến theo xu hướng thông thường, vào khoảng 1 – 1.2% trong tháng 1, nhờ vào chính sách tiền tệ chặt chẽ trong suốt năm 2011 và công tác bình ổn giá của cơ quan chức năng.

Hoàng Vũ



Xem bài viết: Lạm phát dịp Tết âm lịch: Yếu tố thời vụ chi phối mạnh mẽ