Tường thuật Bộ trưởng Tài chính đối thoại trực tuyến
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đang đối thoại trực tuyến với nhân dân. Cuộc đối thoại tập trung vào các vấn đề lớn như việc chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách, vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường...
* Tiếp tục cập nhật...
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của ****, pháp luật của Nhà nước.
BTV: Mở đầu chương trình, xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của một Đại tá Quân đội tên là Vũ Văn Tâm, hiện đang sinh sống ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông cho biết là đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, nay đã trên 80 tuổi, được nhà nước cho nghỉ hưu nhưng vẫn rất quan tâm đến những vấn đề quốc kế, dân sinh của đất nước. Ông hỏi: Chính phủ đã ra Nghị quyết yêu cầu cả nước thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát nhưng cho đến nay đã một năm rồi mà vẫn chưa tổng kết, đánh giá gì cả, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc làm này đã được thực hiện đến đâu, kết quả như thế nào và có những đơn vị, địa phương nào vi phạm phải xử lý?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trước hết tôi xin được bày tỏ vinh dự và may mắn được đối thoại trực tuyến với nhân dân. Về câu hỏi của bác Tâm, tôi xin trả lời như sau: Tình hình năm 2011 Chính phủ đã thực hiện quyết liệt NQ 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cũng như các bộ ngành đã tổng kết sâu sắc, đầy đủ và ban hành Nghị quyết mới cho năm 2012. Về thắt chặt chi tiêu, trong năm 2011, chúng ta đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỷ đồng, và toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác. Khi tổng kết NQ 11, phát hiện một số bộ, ngành địa phương sử dụng không đúng 2.450 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cương quyết thu hồi để dành cho các nhu cầu đầu tư khác.
Bà Đỗ Thị Mai, một nhân viên bán hàng ở siêu thị tại Hà Nội: Xin Bộ trưởng khẳng định lại việc con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện? Cơ sở nào để tính ra con số đó, điều đó có thực tế không? Trong năm 2012, dự kiến giá điện sẽ tăng khoảng bao nhiêu nữa? Bộ trưởng có biết rằng, các gia đình có thu nhập thấp đang rất chật vật vì bão giá hiện nay không, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi nghĩ câu hỏi của chị cũng là câu hỏi chung của nhiều người dân, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị đón năm mới. Việc tính tăng giá của các mặt hàng, cụ thể là điện dến các mặt hàng khác phải dựa vào định mức kinh tế-kỹ thuật của nhiều ngành. Ví dụ, trong ngành luyện thép, định mức sử dụng điện cho 1 tấn thép cán là 163 kWh điện, chiếm 1% giá thành.
Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Một là là qua trực tiếp chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%.
Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI.
Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.
Vấn đề thứ hai, khi Nhà nước tăng gía điện đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp. Chúng ta cũng đã biết chính sách không tăng giá điện từ mức 0 đến 100kWh. Các hộ sử dụng 50kWh tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30 nghìn đồng.
Như vậy, ngoài việc điều chỉnh giá để sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, đảm bảo đủ điện, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp người nghèo. Với chính sách như vậy, tôi đã có lần trả lời trước Quốc hội là giá điện 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay. Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến năm 2013, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.
Theo Chính phủ



Xem bài viết: Tường thuật Bộ trưởng Tài chính đối thoại trực tuyến