Hết nhà đầu tư, đến lượt nhân viên “tố” CTCK Trường Sơn

(Vietstock) - Sau vụ việc nhà đầu tư Trần Thị Vượng kiện CTCK Trường Sơn (TSS) về việc phong tỏa tài khoản trái phép được các báo đăng tải, thêm trường hợp của một nhân viên CTCK trên đã thông tin đến Vietstock về khoản nợ hơn 4 tỷ đồng đang bị TSS khất lần mãi chưa trả.
* NĐT “tố” CTCK Trường Sơn phong tỏa tài khoản trái phép
Cụ thể, ngày 12/09/2011, ông D đã ký hợp đồng huy động vốn mua trái phiếu với TSS với số tiền hơn 3.44 tỷ đồng. Liền sau đó, ngày 16/09/2011 ông ký thêm hợp đồng cho vay 750 triệu đồng cũng với lãi suất 19%/năm. Hợp đồng sẽ đáo hạn sau 2 tháng.
Theo ông D, bản chất của việc huy động vốn nội bộ trên nhằm thực hiện các giao dịch margin cho khách hàng do nhiều công ty chứng khoán trở nên “đói” vốn khi không còn được vay vốn từ ngân hàng cho các nghiệp vụ.
Đây là số tiền mà ông đã tích góp, tiết kiệm được của cả gia đình, ông đặt trọn niềm tin khi “gửi gắm” vào CTCK nơi ông đang làm việc với hi vọng kiếm được chút lãi. Với quy định trần lãi suất huy động của các ngân hàng không được vượt quá 14% thì mức lãi suất 19% của CTCK trở nên hấp dẫn, bên cạnh đó, thời gian cho vay cũng chỉ kéo dài trong hai tháng.
Đến ngày đáo hạn lần 1 và 2 vào 12 và 16/11/2011, TSS vẫn không thanh toán được khoản đã vay của nhà đầu tư trên. TSS tiếp tục gửi công văn cam kết sẽ thanh toán tổng số tiền gốc hơn 4.19 tỷ đồng chậm nhất vào ngày 31/12/2011. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà đầu tư D vẫn chưa nhận thêm được số tiền nào từ TSS ngoại trừ 70 triệu đồng (một phần tiền lãi) trong ba đợt thanh toán.
Ông D cho biết vừa gửi hồ sơ vụ việc lên UBCK và Cơ quan Công an.
Ở một diễn biến khác, nhà đầu tư Trần Thị Vượng cho biết, tài khoản chứng khoán đầu tư ban đầu của bà tại TSS là 9 tỷ đồng nay chỉ còn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện tài khoản này đang bị TSS phong tỏa để trừ nợ 1.9 tỷ đồng trên tài khoản của chồng bà, trong khi vợ chồng bà không hề vay nợ. Với vụ việc này, UBCK đã tạm thời phong tỏa tài khoản này và yêu cầu TSS không được sử dụng số tiền, chứng khoán của khách hàng và sẽ tổ chức làm việc với các bên liên quan để giải quyết quyền và nghĩa vụ phát sinh.
Bà Vượng cho biết, hiện UBCK đã hẹn gặp bà để làm rõ thông tin.
Ngoài những công ty chứng khoán thiếu thanh khoản đã được khui ra trên mặt báo như SME, TAS, TSS, thì liệu còn bao nhiêu CTCK đang trong tình trạng tương tự vẫn còn là một dấu hỏi. Mất mát của nhà đầu tư là không nhỏ, đòi hỏi cơ quan quản lý cấp thiết can thiệp và công khai danh sách CTCK có tỷ lệ an toàn thấp nhằm cảnh báo và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Việc làm ăn nhập nhèm giữa CTCK và các công ty sân sau hay CTCK dùng quá nhiều đòn bẩy tài chính dưới nhiều hình thức… đang đe dọa hoạt động của CTCK, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của thị trường. Và người gánh chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là những nhà đầu tư, cổ đông khi nhìn đồng vốn của mình biến mất mà đành bất lực.
TSS cũng vừa có thông báo chuyển trụ sở chính tại Hà Nội từ tầng 4, số 168 Ngọc Khánh, Q.Ba Đình đến địa chỉ mới số 39, ngõ 76, đường An Dương Vương, Q.Tây Hồ.

Thanh Nụ
Finfonet







Xem bài viết: Hết nhà đầu tư, đến lượt nhân viên “tố” CTCK Trường Sơn