Vietstock Weekly 16 – 20/01: Large Cap có giúp VN-Index vượt qua internal trendline?
(Vietstock) – Chỉ cần tăng nhẹ trong 1 – 2 phiên tới, VN-Index sẽ test lại internal trendline. Trong lần test gần nhất vào giữa tháng 12/2011, VN-Index đã thất bại trong việc phá vỡ ngưỡng kháng cự này và kết quả là sau đó giá đã thoái lùi khá mạnh
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
VN-Index có tuần giao dịch thành công khi tăng mạnh 5.23% và đang dừng tại mốc 354.33 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 1.52% đứng tại 56.27 điểm. Nhóm cổ phiếu chủ chốt thể hiện qua VS 100 cũng tăng 4.36% lên 53.12 điểm.
Các chỉ số Market Cap đều cải thiện trong tuần giao dịch. VS Large tăng điểm mạnh nhất 7.65%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 3.54%, VS-Small Cap tăng 1.03% và VS-Micro Cap tăng 0.93%.
Thanh khoản cải thiện nhẹ trên cả hai sàn, khi trung bình khối lượng khớp lệnh một phiên đã tăng 13% trên HOSE và 10% trên HNX so với tuần trước.
Thị trường bất ngờ đảo chiều tăng trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ trợ lực từ cổ phiếu chủ chốt. Đà tăng điểm tiếp tục được duy trì suốt tuần giao dịch trên sàn HOSE và không gì khác ngoài Large Cap có thể làm được điều này.
Trong tuần qua, khối ngoại đã có ảnh hưởng đáng kể thông qua việc mua vào các cổ phiếu bluechips. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư ăn theo cổ phiếu Large Cap dường như đang trỗi dậy. Đây là lý do chính giúp chỉ số thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần tăng điểm mạnh, mặc dù thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.
Mặc dù khối lượng giao dịch chưa có đột phá đáng kể cũng như tín hiệu vĩ mô chưa rõ ràng; nhưng một số phiên tăng điểm đã giúp giới đầu tư tạm thời vượt qua trở ngại tâm lý đè nặng trong thời gian qua.
Tuy vậy, sự thận trọng trong thời gian giáp Tết âm lịch được thể hiện khá rõ, khi dòng tiền đầu cơ án binh bất động, và chỉ số HNX-Index không thể theo bước VN-Index.
JVC đang nổi lên như một “thế lực” khi có chuỗi tăng điểm ấn tượng. Trong 11 phiên gần đây cổ phiếu này đã tăng gần 31% và thanh khoản luôn đứng trong top đầu của thị trường.
STB vẫn tiếp tục dẫn đầu trong việc thu hút dòng tiền đầu tư trên HOSE, tiếp theo là ITA, JVC, SSI và VSO. Trong tuần, REE và ANZ cũng đã chính thức hoàn tất việc thoái hơn 140 triệu cổ phiếu STB. Trên HNX, ngoài những cổ phiếu quen thuộc như KLS, VND, SHN, PVX, thì FLC cũng bất ngờ góp mặt trong danh sách cổ phiếu giao dịch mạnh nhất.
Số ngành tăng điểm chiếm ưu thế với 20/24 ngành tăng điểm. BVH tăng trần 4 phiên liên tiếp giúp Bảo Hiểm tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 12.35%. Tiếp theo là Chứng khoán với mức tăng 9.59%, Ngân hàng có tuần thứ 6 tăng điểm liên tiếp với mức tăng 6.64%, Xây dựng và Bất động sản tăng nhẹ lần lượt 1.51% và 1.47%.
Tính tổng cộng 6 tuần, VS-Banking đã tăng thêm 9.73%. Ngân hàng có chuỗi ngày thăng hoa chủ yếu nhờ vào đà tăng của CTG, EIB, VCB, ACBMBB. Đây đều là những ngân hàng lớn có sự ổn định và nhiều lợi thế để phát triển hơn các ngân hàng khác trước các định hướng chính sách gần đây của NHNN.
Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh 1,565 tỷ đồng trên cả hai sàn. Họ bán ròng mạnh 1,589 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng 24 tỷ đồng trên HNX.
Lượng bán ròng mạnh trên HOSE chủ yếu đến từ việc bán ròng (ANZ) STB với 108.6 triệu đơn vị, tương ứng với 1,746.5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, họ trở lại mua ròng mạnh nhất FPT với giá trị 67.3 tỷ đồng, đây có thể là giao dịch mua của quỹ Orchid Fund.
Nếu loại trừ giao dịch bán ròng STB thì trong tuần, khối ngoại đã mua ròng hơn 157 tỷ đồng trên HOSE.
Trên HNX, DBC được mua ròng mạnh nhất với 6.3 tỷ đồng; trong khi đó SDT bị bán ròng mạnh nhất với 1.3 tỷ đồng.
II. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 16 – 20/01/2012
Trong tuần qua, thị trường tiền tệ đã có những tác động nhất định đến giao dịch chứng khoán. Thanh khoản các ngân hàng đang có dấu hiệu trở nên căng thẳng hơn. Lãi suất huy động tại một số các ngân hàng đã vượt xa trần lãi suất 14%, bất chấp việc có thể bị NHNN phạt nặng Ngày 10/11, NHNN đã phải ban hành Công văn 78 yêu cầu các ngân hàng không được huy động vượt trần lãi suất.
Nguyên nhân chính là được nhắc đến là do khó khăn trong việc huy động vốn và tác động bởi tính mùa vụ khi Tết âm lịch và dương lịch lại khá gần nhau. Hiện có thông tin cho thấy NHNN đang tích cực bơm ròng qua thị trường mở để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho các ngân hàng.
Trên thực tế, theo Thống đốc NHNN hiện chỉ có khoảng 10% các tổ chức tín dụng đang khó khăn về tình hình tài chính, khó vay trên thị trường liên ngân hàng. Thông tin cho thấy NHNN sẽ “xử lý” các tổ chức này, với con số dự báo là 5-8 ngân hàng, trong quý 1/2012.
Việc tái cấu trúc TTCK cũng bắt đầu có những tín hiệu mới khi Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK.
Những phiên tăng điểm trong tuần đã giúp giới đầu tư giải tỏa bớt sự “căng cứng” trong những tuần giao dịch gần đây.
Chúng tôi nhận thấy khối ngoại đã hoạt động tích cực trở lại và như thường lệ, nhắm chủ yếu vào các bluechips. Thống đốc NHNN cam kết biến động tỷ giá trong năm 2012 (nếu có) sẽ không quá 3%, và đây có thể chính là động lực khiến khối ngoại mạnh dạn giải ngân hơn.
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn chưa hết thận trong khi hoài nghi vẫn còn phổ biến, xoay quanh chủ đề liệu thị trường có thể tăng đủ T+4. Tâm lý này được thể hiện khá rõ khi khối lượng giao dịch vẫn chưa có sự cải thiện, thậm chí dần đi xuống trong những phiên giao dịch cuối tuần.
Hệ thống ngân hàng vẫn chưa tìm lại được sự ổn định cần thiết thì sự thận trọng của giới đầu tư là điều có thể hiểu được. Phiên tăng điểm cuối tuần giúp yếu tố kỹ thuật có chút lạc quan trở lại. Nhưng việc các chỉ số tăng điểm nhờ vào các mã chủ chốt khiến cho áp lực điều chỉnh sau khi tăng là rất lớn.
Mô hình Định lượng của chúng tôi đang phát đi dấu hiệu cho thấy cần phải thận trong hơn trong tuần giao dịch tiếp theo. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng, hạn chế giao dịch và chờ đợi các tín hiệu trong giai đoạn nhạy cảm trước Tết âm lịch.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Sắp chạm vào internal trendline. Chỉ cần tăng nhẹ trong 1 – 2 phiên tới, VN-Index sẽ test lại internal trendline. Trong lần test gần nhất vào giữa tháng 12/2011, VN-Index đã thất bại trong việc phá vỡ ngưỡng kháng cự này và kết quả là sau đó giá đã thoái lùi khá mạnh.
Giới đầu tư hiện tại không kỳ vọng vào một sự bứt phá quá mạnh trong ngắn hạn vì thanh khoản vẫn chưa có những sự đột phá đáng kể và thậm chí còn giảm nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua.
Tuy nhiên, tín hiệu mua trở lại ở vùng gần như thấp nhất trong 1 năm qua của MACD cho thấy khả năng tăng trưởng vẫn còn. Trong trường hợp đảo chiều giảm điểm bất ngờ, vùng 320 – 330 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8%) sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ mạnh.
HNX-Index – Những cây nến nhỏ, ngắn xuất hiện liên tục. Sự xuất hiện liên tục những cây nến nhỏ, ngắn cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bị giằng co khá mạnh. Giá cổ phiếu đã xuống mặt bằng khá thấp so với giai đoạn trước nên lực bán không còn mạnh. Tuy vậy, dòng tiền mua vào không thực sự lớn đang làm cho tình trạng dịch chuyển ngang kéo dài.
Điều mà giới phân tích đầu tư đang chờ đợi là những breakpoint của HNX-Index đối với trendline ngắn hạn và SMA 20 để khẳng định cho sự phục hồi của thị trường. Nếu điều này không xảy ra trong vòng 3 – 5 phiên tới thì việc dịch chuyển ngang bên dưới các ngưỡng kháng cự mạnh có thể là dấu hiệu báo trước cho một đợt suy giảm mới.
Vì vậy, hạn chế giao dịch trong giai đoạn này và chỉ bắt đáy thận trọng là một chiến thuật hợp lý nhằm tránh rủi ro đảo chiều bất ngờ xảy ra.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục tăng (+1.04%) trong phiên giao dịch ngày 13/01/2012, VS 100 tiếp tục đà tăng trưởng đã có trước đó.
Thanh khoản sụt nhẹ nhưng vẫn ổn định cho thấy lực cầu tương đối tốt và tâm lý lạc quan đang dần được nâng cao trong các phiên gần đây.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 13/01/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 1.82, tức số mã tăng giá bằng 1.82 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 3.43, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 3.43 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1.66 lần và VS-U/D HNX bằng 8.65 lần.
Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.32, đây là mức thấp của chỉ số này. Nếu tiếp tục duy trì mức hiện nay thì khả năng tăng trưởng sẽ nâng lên.
VS-Thrust VN và VS-ADL VN vùng oversold và cho dấu hiệu phân kỳ giá lên khá mạnh. Đây có thể là báo hiệu cho một đợt bứt phá mới trong ngắn hạn.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 09 – 13/01/2012

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly 16 – 20/01: Large Cap có giúp VN-Index vượt qua internal trendline?