Vietstock Daily 12/01: Dồn dập xuất hiện nhiều diễn biến kinh tế vĩ mô
(Vietstock) – Đã xuất hiện hàng loạt diễn biến kinh tế vĩ mô mới. Chúng ta nên nhìn nhận các vấn đề này như thế nào?
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 12/01/2012
VN-Index tiếp tục tăng 0.8% lên 347.43 điểm, HNX-Index quay đầu giảm 0.48% xuống 55.88 điểm; và VS 100 tăng nhẹ 0.3% đạt 52.81 điểm.
VS-Large Cap ngược chiều với các chỉ số Market Cap còn lại khi tăng mạnh 1.48%, trong khi VS-Mid Cap giảm mạnh nhất 0.21%, VS-Micro Cap giảm 0.14%, VS-Small Cap giảm 0.06%.
Tổng khối lượng khớp lệnh sụt giảm mạnh 15.9% trên HOSE, nhưng lại tăng nhẹ 8.54% trên HNX so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Khối ngoại trở lại mua ròng 32.4 tỷ đồng trên HOSE, và mua ròng 4.9 tỷ đồng trên HNX. Họ mua ròng mạnh nhất FPT với giá trị 20.1 tỷ đồng, trong khi vẫn tiếp tục bán ròng mạnh nhất STB với 8.1 tỷ đồng.
Khoảng trống thông tin tiếp tục tạo ra rào cản tâm lý cho thị trường. Niềm tin vẫn chưa ổn định là nguyên nhân chính khiến áp lực xả hàng gia tăng mạnh mẽ từ giữa phiên giao dịch. Hệ quả là đà tăng chỉ số thị trường VN-Index bị rút ngắn lại, trong khi HNX-Index quay đầu giảm điểm.
Trên HOSE, chỉ riêng MSNBVH đã kéo VN-Index tăng tới 0.89%, cao hơn mức tăng 0.8% của chỉ số này. Như vậy, nếu hai mã này đứng giá thì VN-Index đã có phiên giảm điểm.
Số ngành tăng điểm vẫn chiếm ưu thế với 14/24 ngành. Các ngành nóng diễn biến trái chiều khi Ngân hàng và Chứng khoán tăng điểm lần lượt 1.34% và 0.64%; trong khi Xây dựng và Bất động sản giảm 1.57% và 1.56%.
Giao dịch tại các mã đầu cơ “mới nổi” như JVC, DZM đã tỏ ra tiêu cực, trong khi các mã “truyền thống” trên HNX vẫn thu hút sự chú ý như BVS, KLS, VND… vẫn đang thu hút sự chú ý của dòng tiền. Nhiều cổ phiếu trên HNX vẫn chưa tăng nhiều trong vài phiên qua là lý do chính để giới đầu cơ đánh cược.
STB, EIB – những cổ phiếu tâm điểm trong thời gian gần đây – tiếp tục có phiên tăng khá. Tuy vậy, cần để ý rằng bên bán đã trở lại chi phối (tỷ lệ tương ứng là 71% và 60%).
Thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh trở lại, trong khi dòng tiền đầu cơ vẫn chỉ tập trung trong khoản thời gian ”siêu ngắn” cho thấy sự thận trọng tiếp tục ở mức cao. Một sự thận trọng trong giao dịch là có thể hiểu được, khi thị trường tiền tệ vẫn chưa có sự ổn định cần thiết.
Kinh tế Vĩ mô: Số liệu vừa mới được NHNN chi nhánh TPHCM công bố cho thấy dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố năm 2011 ước đạt 753,760 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 6.3% so với năm 2010, bằng khoảng ½ so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý là dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng rất mạnh 15.92%; trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 2.69%.
Có thể thấy lãi suất tiền đồng neo ở mức quá cao đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển qua vay bằng ngoại tệ. Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực tỷ giá sẽ căng thẳng hơn khi các khoản vay đáo hạn, và là trở ngại đáng kể trong nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Điểm đáng chú ý khác là tổng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất chiếm 18.57% so với tổng dư nợ, và chỉ giảm 0.03% so với đầu năm; trong đó dư nợ cho vay bất động sản đạt 93,746 tỉ đồng, chiếm 12.7% tổng dư nợ.
Như vậy, tính riêng trên địa bàn TPHCM thì dư nợ phi sản xuất vẫn chưa đạt mục tiêu 16% vào cuối năm 2011 theo yêu cầu của NHNN. Ngoài ra, dư nợ trong lĩnh vực này chỉ giảm không đáng kể cho thấy mức độ thu hồi không mạnh như người ta nghĩ. Có thể hiện tượng đảo nợ đã diễn ra phổ biến, hoặc các ngân hàng đã phải “xuống nước” thỏa hiệp với doanh nghiệp.
Không có gì ngạc nhiên khi nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên so với năm trước, một số ngân hàng có tỷ lệ trên 5%.
Gần đây, chúng tôi có nhắc đến thực tế là tình trạng thanh khoản của các ngân hàng vẫn đang khá căng thẳng. Ngày 10/11, NHNN đã phải ban hành Công văn 78 yêu cầu các ngân hàng không được huy động vượt trần lãi suất. Trước đây, NHNN đã xử lý rất nặng một số trường hợp vi phạm quy định này.
Tình trạng căng thẳng thanh khoản đã tồn tại khá lâu, bắt đầu từ thị trường 1 và sau đó lan sang cả thị trường 2. Ngoài sự mất cân đối và chạy đua giữa các ngân hàng, diễn biến hiện nay còn bị tác động đáng kể bởi tính mùa vụ - Tết âm lịch và dương lịch lại khá gần nhau.
NHNN vẫn đang tiếp tục quyết liệt với hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng khi có thông tin cho thấy sẽ có thêm 5-8 ngân hàng sẽ được sáp nhập trong quý 1/2012. Cũng đã có chỉ dấu về khả năng kéo giảm lãi suất từ cuối quý 1.
Về khả năng giảm lãi suất, NHNN đã và đang tiến hành những bước đầu tiên nhằm ổn định hệ thống – điều kiện tiên quyết để lãi suất có thể bình ổn. Chúng tôi cho rằng việc kéo giảm lãi suất kể từ quý 2 có nhiều khả năng trở thành hiện thực khi lạm phát đạt đỉnh trong năm vào lúc đó. Tuy vậy, nhìn toàn cục với những áp lực hiện tại, rất có thể NHNN chỉ giảm nhẹ từng bước một cách thận trọng.
Thị trường sẽ đánh giá cao nếu xu hướng giảm lãi suất diễn ra thực chất, sâu rộng và không mang “màu sắc” hành chính.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Đà phục hồi đang yếu đi. Không nằm ngoài sự lo lắng của giới phân tích kỹ thuật, đường internal trendline và SMA 20 (tương đương vùng 345 – 360 điểm) đã báo hiệu khá chính xác cho những phiên giao dịch giằng co mạnh của VN-Index.
Thanh khoản mặc dù không có đột biến lớn nhưng vẫn đang duy trì khá ổn định trong các phiên gần đây. Nếu tình trạng này tiếp tục được duy trì thì đây là nền tảng cho việc tạo đáy ngắn hạn của VN-Index.
Vùng 320 – 330 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8%) sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong trường hợp giảm điểm bất ngờ xảy ra. Dự kiến sự giằng co mạnh sẽ tiếp tục do sự hội tụ của các yếu tố kháng cự và hỗ trợ.
HNX-Index – Sự cảnh báo của thanh khoản là khá chính xác. Trong phiên giao dịch trước (11/01/2012), thanh khoản không có đột biến đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng đà hồi phục sẽ khó kéo dài lâu. Điều này đã trở thành hiện thực trong phiên giao dịch ngày 12/01/2012.
Sự thoái lùi vào cuối phiên của HNX-Index đã tạo thành cây nến đỏ và ngắn. Mặc dù đây không phải là mẫu hình đảo chiều giảm điểm nhưng nó cũng góp phần thể hiện được sự thận trọng của đại bộ phận nhà đầu tư đối với thị trường.
Do các chỉ báo thuộc nhóm dao động (momentum) vẫn đang bị nén ở mức rất thấp nên khả năng có thêm những phiên sụt giảm mạnh bất ngờ (thrust down) không quá cao.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng nhẹ (+0.3%) trong phiên giao dịch ngày 11/01/2012, VS 100 tiếp tục đà tăng trưởng kéo dài 3 phiên liên tiếp.
Thanh khoản duy trì đà tăng khá ổn định cho thấy lực cầu tương đối mạnh và tâm lý lạc quan đang dần được nâng cao.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 11/01/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.99, tức số mã tăng giá bằng 0.99 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 1.5, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 1.5 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1 lần và VS-U/D HNX bằng 2.08 lần.
Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.56, đây là mức thấp của chỉ số này. Nếu tiếp tục duy trì mức hiện nay thì khả năng tăng trưởng sẽ nâng lên.
VS-Thrust VN và VS-ADL VN vùng oversold và cho dấu hiệu phân kỳ giá lên khá mạnh. Đây có thể là báo hiệu cho một đợt bứt phá mới trong ngắn hạn.
II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Phá vỡ vùng đỉnh cũ. Cuối cùng thì vùng đỉnh cũ của giai đoạn tháng 9/2011 – tháng 10/2011 cũng bị phá vỡ hoàn toàn trong phiên giao dịch ngày 11/01/2012. Điều này sẽ giúp cho xu hướng tăng trưởng của thị trường ổn định hơn.
Khối lượng tiếp tục duy trì ổn định và tạo thành nền tảng cho sự bứt phá tiếp tục của DJIA trong những phiên tới.
Dài hạn – Tiếp tục đà tăng. Đà tăng dài hạn của DJIA vẫn đang duy trì khá ổn định trong những phiên giao dịch vừa qua. Điều này có sự đóng góp lớn của nhóm MA với vai trò là các ngưỡng chống đỡ di động bên dưới.
Các phân kỳ giá xuống (bearish divergence) cũng không thực sự đáng ngại nếu như các ngưỡng chống đỡ quan trọng vẫn tiếp tục được duy trì.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/01/2012

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Daily 12/01: Dồn dập xuất hiện nhiều diễn biến kinh tế vĩ mô