Phát hành thêm dưới mệnh giá: Định vét tiền của cổ đông đến mức nào?
Phát hành thêm dưới mệnh giá có thể là "thuốc bổ” cho DN, nhưng sẽ là "thuốc độc” đối với cổ đông nhỏ.
* Doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá
TTCK đang xôn xao thông tin có khả năng doanh nghiệp niêm yết được phát hành thêm với mức giá thấp hơn mệnh giá. Khởi phát từ thông tin khá nhiều doanh nghiệp niêm yết bị phá sản kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cho cổ đông do thị giá trên sàn thấp hơn mệnh giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên cho phép doanh nghiệp phát hành với giá thấp hơn mệnh giá để phù hợp với tình hình thị trường.
Một lãnh đạo Vụ Quản lý phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây cho rằng: Với các quy định hiện nay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hành cổ phiếu theo hình thức này và sẽ ghi thặng dư âm trong báo cáo tài chính. Theo quy định tại Điều 87 Luật Doanh nghiệp: "Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức và giá chào bán cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán. Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất”. Theo vị lãnh đạo trên, điều này đồng nghĩa doanh nghiệp được phát hành cổ phần dưới mệnh giá.
Thông tin này có thể là "thuốc bổ” cho doanh nghiệp niêm yết, nhưng cũng sẽ là "thuốc độc” đối với cổ đông nhỏ lẻ. "Cố đấm ăn xôi” trong việc phát hành thêm thông qua hình thức "ưu đãi” bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu xứng đáng là một trong những vấn nạn của TTCK năm 2011. Rất nhiều doanh nghiệp không thể phát hành nổi vì cổ đông từ chối quyền. Lý do đơn giản là mua thẳng trên sàn niêm yết còn rẻ hơn nhiều mức giá "ưu đãi” từ doanh nghiệp. Bí đường huy động vốn khi phát hành giá thấp nhất là bằng mệnh giá, xuất hiện những ý kiến "vận động” cho phép doanh nghiệp phát hành bằng bất cứ giá nào. Mặc dù phương án này có vẻ "công bằng” là doanh nghiệp sẽ phải ghi âm phần "thặng dư” trong báo cáo tài chính, nhưng đối với cổ đông nhỏ lẻ, cách này chẳng khác gì doanh nghiệp tự sản xuất được máy in tiền hết công suất và đùn giấy cho họ!
Trong câu chuyện huy động thêm vốn, phải nhìn nhận hai điều: Huy động cưỡng bức hay huy động tự nguyện? Bán cho cổ đông hiện hữu là một hình thức huy động cưỡng bức, vì cổ đông chỉ có quyền từ chối mua, đồng nghĩa với việc chịu thiệt, cổ phiếu bị pha loãng. Tại sao doanh nghiệp không chọn con đường phát hành riêng lẻ cho những tổ chức đầu tư có tiềm lực? Một lý do không nói ai cũng biết là con đường này còn bất khả thi hơn, vì không thể ép các tổ chức đổ tiền vào doanh nghiệp khi họ không thích. Khi chính các tổ chức trường vốn, dám đầu tư dài hạn còn "chạy có cờ” thì cớ sao lại ép cổ đông phải mua cổ phiếu?
Một thực tế là cổ đông nhỏ lẻ luôn là nhóm đối tượng có tiềm lực yếu nhất trên thị trường. Nếu cho phép doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn mệnh giá, thì làn sóng phát hành có thể tăng lên vì doanh nghiệp chẳng mất gì mà lại có tiền. Cái mất đi có chăng là niềm tin của cổ đông đối với lãnh đạo doanh nghiệp mà thôi. Dĩ nhiên, tính hai mặt của khả năng phát hành giá thấp cũng có lợi, nhưng không phải cho tất cả mọi cổ đông. Nếu mua được với giá rẻ vài ngàn đồng, các tổ chức có cơ hội thâu tóm doanh nghiệp rất thuận tiện. Mối liên hệ quan trọng là khi tổ chức đã chấp nhận rót tiền vào doanh nghiệp thì họ phải thấy cơ hội nào đó. Mà đã có cơ hội được nhìn thấy, thì thị trường đã không định giá cổ phiếu quá thấp như vậy. Những doanh nghiệp chìm trong nợ nần, tính chuyện huy động vốn để trả nợ, trong khi ngành nghề kinh doanh chính bết bát thì dù giá rẻ đến mấy cũng không ai dám đổ tiền vào.
Đại đoàn kết



Xem bài viết: Phát hành thêm dưới mệnh giá: Định vét tiền của cổ đông đến mức nào?