Eximbank - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vietnam Export Import Bank) - (mã chứng khoán EIB) được thành lập ngày 24/05/1989, là 1 trong 3 ngân hàng có chức năng hỗ trợ tài chính cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 17/01/1990, Eximbank sau khi cổ phần hóa có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Đến tháng 10/2009, Eximbank tăng vốn lên 8.800 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông (tính đến 27/8/2009):



Eximbank là 1 trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có tổng tài sản và vốn điều lệ lớn nhất, tuy nhiên, mạng lưới hoạt động còn khiêm tốn so với nhiều ngân hàng khác. Tuy có lợi thế về chi phí vốn, nhưng khả năng sinh lợi của Eximbank lại đang có xu hướng giảm.
Nhìn lại thời gian vừa qua, Eximbank có tốc độ tăng trưởng cao về quy mô vốn, tổng tài sản, lợi nhuận và huy động vốn. Ở thời điểm này, EIB có quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đứng thứ 3 trong khối NHTMCP ở Việt Nam.


Hoạt động cho vay của Eximbank tập trung tại Tp.HCM, chủ yếu cho vay thương mại ngắn hạn, cũng như các chương trình tài trợ xuất nhập khẩu. Eximbank cũng tỏ ra khá “năng động” trên thị trường liên ngân hàng.

Tính đến cuối quý III, dư nợ cho vay của EIB tăng 64,7% so với cuối năm 2008, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,8% trong quý II xuống còn 2,3% trong quý III. Nếu so với mức tăng trưởng tín dụng 15,0% và tỷ lệ nợ xấu 4,7% vào cuối năm 2008, với tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong các NHTMCP, thì kết quả đạt được trong quý III năm nay có thể xem là bước cải thiện đáng kể trong hoạt động tín dụng của EIB.


Mảng kinh doanh ngoại tệ cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu nhập của EIB đã mang lại 51 tỷ đồng và 46 tỷ đồng trong quý 3 so với 44 tỷ đồng và 7 tỷ đồng trong quý 2. Tổng cộng, hai hoạt động này chiếm khoảng 16% tổng thu nhập của EIB và dự báo có mức tăng trưởng kép bình quân 14% trong 2009-2011. Ngoài ra, kinh doanh vàng cũng chiếm tỷ lệ 16% trong cơ cấu huy động vốn của EIB ngay cả khi thị trường vàng trải qua một năm đầy biến động.

Cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán của EIB gần như không có nhiều thay đổi từ năm 2007 đến nay với tỷ trọng chứng khoán nợ chiếm phần lớn 85%, chứng khoán vốn chỉ dao động từ 2% đến 4%, phần còn lại là các khoản đầu tư dài hạn khác.
Tổng giá trị các khoản đầu tư chứng khoán đến cuối tháng 6/2009 là 6.395 tỷ đồng, giảm 22,8% so với đầu năm. Sự sụt giảm chủ yếu từ các khoản đầu tư chứng khoán nợ, thanh lý một phần danh mục đầu tư trái phiếu tạo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng. Đối với khoản đầu tư chứng khoán vốn, mặc dù có sự tăng nhẹ về tỷ trọng trong danh mục, nhưng giá trị khoản đầu tư cổ phiếu tăng lên phần lớn là do hoàn nhập dự phòng.
Kết thúc quý III/2009, mặc dù thu nhập từ hoạt động chính của EIB như tín dụng, dịch vụ và kinh doanh ngoại tệ vẫn tăng trưởng, nhưng EIB chỉ ghi nhận 266 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20,3% so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản thu nhập từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán đã giảm từ 167 tỷ đồng trong quý II xuống còn 8,2 tỷ đồng trong quý III. Tuy nhiên, những mảng kinh doanh chính của của Eximbank vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế ngày càng rõ nét và ngành tài chính ngân hàng là khu vực trước tiên được hưởng lợi với vai trò nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế sau khủng hoảng.
Cổ phiếu EIB trên thị trường chứng khoán
Chào sàn Tp.HCM vào ngày 27/10 với hơn 880 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm là 28.000 đồng/cổ phiếu và mức vốn hóa là 24,64 tỷ đồng, EIB lên sàn trong bối cảnh thị trường bước vào đợt điều chỉnh mạnh. Nhưng EIB vẫn là cổ phiếu có thanh khoản tốt, nhiều phiên lọt vào top 5 giao dịch nhiều nhất, cũng như được nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua vào nhiều nhất trên HoSE. Cùng với các cổ phiếu ngân hàng khác, EIB trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường trong những phiên giảm điểm.
Ngay từ phiên giao dịch đầu tiên, 27/10, NĐTNN đã gom mua gần 2 triệu cổ phiếu EIB, sau đó, đỉnh cao là ngày 2/11, họ mua hơn 3 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 84 tỷ đồng.
NĐTNN mua ròng EIB từ khi cổ phiếu này chào sàn:



Nếu so sánh, mức tăng của EIB vẫn tương đối thấp so với các cổ phiếu ngân hàng khác, nhưng chính mức giá thấp đã tạo ra sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Giá EIB khá ổn định, lại có thanh khoản cao là lý do cổ phiếu này thường nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư lớn.
Giá cổ phiếu EIB:

Xét về mức dư nợ tín dụng là 35.000 tỷ đồng thì Eximbank không cao hơn các ngân hàng như Vietinbank hay Vietcombank. Song, nếu xét về giá trị nội tại của doanh nghiệp, thì Eximbank là một trong những ngân hàng được đầu tư hệ thống quản trị rủi ro tốt nhất, cùng với nguồn thặng dư vốn cổ phần chưa phân phối đến gần 5.000 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 35%/năm trong năm nay. Với dự báo cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng sẽ nổi sóng trong thời gian tới sau một giai đoạn tích lũy khá dài, cổ phiếu EIB sẽ có cơ hội khẳng định vai trò đầu tàu trên thị trường niêm yết như đã từng là “ngôi sao” trên thị trường OTC.
Tuy nhiên, một vấn đề đối với EIB là tỷ lệ dự phòng/nợ xấu vẫn chưa được cải thiện và hiện đang ở mức khá cao 45,1%.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần qua, 21/12, EIB chốt ở 24.400 đồng/cổ phiếu, tăng 2,5% so với phiên liền trước, với 4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá hơn 108 tỷ đồng. NĐTNN cũng mua ròng hơn 7 tỷ đồng mã này.
Biểu đồ so sánh giá EIB và VN-Index:

Giá cổ phiếu EIB sẽ tăng giảm như thế nào trong thời gian tới sẽ tùy thuộc vào diễn biến chung của thị trường và mức độ kì vọng của nhà đầu tư vào các cổ phiếu nhóm ngành tài chính - ngân hàng cũng như vào chính EIB.