Đẩy nhanh việc kéo giảm lãi suất
Năm 2012, giảm lãi suất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp hợp lý hơn
* Bao giờ lãi suất giảm?
Lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng vẫn trên dưới 20%/năm.

Sau 4 tháng thực hiện mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay, lãi suất đầu ra của một số ngân hàng (NH) đã giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn còn quá cao so với lãi suất đầu vào đã đồng loạt ở mức 14%/năm trở xuống và quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp cần vay vốn. Yêu cầu giảm lãi suất đang đòi hỏi các biện pháp hiệu quả hơn.
Sớm giải quyết tình trạng thanh khoản
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 vừa ban hành, Chính phủ cũng đã yêu cầu NH Nhà nước cần điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%, bảo đảm thanh khoản của các NH, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô...
Theo lãnh đạo các NH, tuy lạm phát đã giảm dần tạo điều kiện cho các NH hạ lãi suất nhưng tại thời điểm này, cung cầu vốn của nhiều NH còn khó khăn nên cần có thêm thời gian, lãi suất mới có thể đi xuống. Không ít NH nhỏ tiếp tục rơi vào tình trạng mất cân đối nguồn vốn ra vào (thanh khoản) nhưng không vay được tiền từ NH lớn vì không có tài sản thế chấp. Người dân cũng không mặn mà gửi tiền tại các NH này.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, trước mắt phải giải quyết nhanh tình trạng thiếu hụt thanh khoản của các NH nhỏ. Nếu không, các NH này sẽ không chống đỡ nổi việc thiếu hụt thanh khoản, buộc NH Nhà nước phải tái cấp vốn. Muốn làm được điều này, NH Nhà nước cần điều hòa vốn từ NH lớn đến NH nhỏ theo hướng tăng dự trữ bắt buộc NH lớn, tức là NH Nhà nước vay tiền của NH lớn với lãi suất hợp lý rồi cho các NH nhỏ vay lại để ổn định tính thanh khoản.
Cần có biện pháp cấp bách
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết lãi suất luôn biến động theo lạm phát. Năm 2011, cung tiền ở mức cực thấp, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12%, lượng tiền lưu thông trên thị trường rất ít nên dự báo lạm phát năm 2012 sẽ không căng thẳng. Nhiều khả năng lạm phát vào đầu quý II/2012 sẽ ở mức thấp. Khi đó sẽ tạo điều kiện cho NH Nhà nước giảm lãi suất rồi tiến tới hủy bỏ trần lãi suất.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học NH TPHCM, cho rằng nếu lạm phát bình quân của những tháng đầu năm 2012 ở mức 0,5% thì không có lý do gì người dân không tin tưởng lạm phát của năm 2012 sẽ dưới 10% như Chính phủ đặt ra.
Theo PGS – TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, giảm lãi suất là yếu tố cấp bách nhất. Do đó, đầu năm 2012, NH Nhà nước cần có biện pháp giảm sâu lãi suất cho vay, rồi giảm dần lãi suất đầu vào từ 14%/năm xuống 13,5%/năm rồi 12%/năm. Khi lãi suất đầu vào đã giảm, người có tiền sẽ bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay cũng giảm theo sẽ thúc đẩy sản xuất, thị trường bất động sản sôi động, kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, phản ứng phụ của việc hạ lãi suất là người dân sẽ rút tiền, khiến không ít NH gặp khó khăn về vốn. Điều đó đòi hỏi NH Nhà nước phải chuẩn bị sẵn kịch bản hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các NH, bởi sau một thời gian lãi suất đi xuống, doanh nghiệp sẽ bán được hàng hóa, giao dịch trên thị trường tăng lên, luồng tiền sẽ trở lại NH.
Điều hành chặt chẽ, linh hoạt
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, kinh tế Việt Nam hiện đang trong tình cảnh vừa lạm phát vừa đình đốn sản xuất. Nếu để chống lạm phát thì chính sách tiền tệ phải thắt chặt, có thể làm cho sản xuất bị chậm lại. Để chống đình đốn sản xuất, thông thường chính sách tiền tệ được nới lỏng nhưng không khéo léo sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát. Do đó, chính sách tiền tệ cần điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, NH Nhà nước có thể kiểm soát tín dụng theo hướng cấp “quota” dư nợ cho vay đối với từng NH hoặc NH có thể cho vay lĩnh vực này nhưng không được cho vay lĩnh vực khác.

Thy Thơ
NGƯỜI LAO ĐỘNG



Xem bài viết: Đẩy nhanh việc kéo giảm lãi suất